28/11/2024

Đô đốc Scott Swif: Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại

Đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội 
Thái Bình Dương (Mỹ), khẳng định các nước khu vực rất giận dữ và lo ngại với những động thái gây hấn của Trung Quốc trên 
Biển Đông.

 

Đô đốc Scott Swif: Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại

 

Đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội 
Thái Bình Dương (Mỹ), khẳng định các nước khu vực rất giận dữ và lo ngại với những động thái gây hấn của Trung Quốc trên 
Biển Đông.



Tàu đổ bộ cao tốc USNS Millinocket Hải quân Mỹ cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ngày 17-8   Ảnh: V.HÙNG
Tàu đổ bộ cao tốc USNS Millinocket Hải quân Mỹ cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ngày 17-8   Ảnh: V.HÙNG

Hôm qua 25-8, nhân chuyến thăm Malaysia, đô đốc Swift đã có cuộc trao đổi và trả lời phỏng vấn với phóng viên một số tờ báo châu Á, trong đó có Tuổi Trẻ.

“Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều từng nhiều lần lên tiếng lo ngại về hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông gây ra tại khu vực. Vấn đề nghiêm trọng nhất là quy mô và kích cỡ của các dự án cải tạo, xây đảo nhân tạo này” – đô đốc Swift cho biết.

Cả khu vực lo ngại

Đô đốc Swift tiết lộ các quan chức quân sự nhiều nước khu vực mà ông tới thăm đều bày tỏ sự lo ngại về hành vi của Trung Quốc và những bất ổn mà đảo nhân tạo trái phép có thể gây ra trong tương lai.

Ngay sau khi nhậm chức tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Swift đã đích thân lên máy bay P-8 tuần tra Biển Đông, tại khu vực Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo trái phép. Khi đó ông mô tả các chuyến bay tuần tra của Mỹ ở Biển Đông là “bình thường” và đặt vấn đề Trung Quốc xây cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo này.

Trước câu hỏi có tin đồn hải quân Mỹ và Nhà Trắng bất đồng về chiến lược đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, dẫn tới việc Mỹ chưa đưa tàu chiến và máy bay vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo, đô đốc Swift khẳng định hoàn toàn không có sự bất đồng.

“Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã khẳng định rõ Mỹ sẽ đưa máy bay và tàu tới bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục hoạt động theo phương hướng này” – ông Swift quả quyết.

Đô đốc Swift cho rằng các nước khu vực cần phát triển một phương thức đa phương để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

“Theo tôi, điều quan trọng là các nước khu vực cần đối thoại, hợp tác trong một cơ chế đa phương để giải quyết tranh chấp và khác biệt, không cho phép sử dụng hành vi bắt nạt hoặc dùng vũ lực vì lợi ích riêng của một quốc gia” – đô đốc Swift nhấn mạnh.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

“Các nước khu vực lo ngại về tương lai, do đó muốn Mỹ đóng vai trò đảm bảo an ninh 

Đô đốc Scott Swift

Mỹ giữ quan hệ 
để hiểu Trung Quốc

Về vấn đề một số quốc gia khu vực vẫn nghi ngờ sự cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á, đô đốc Swift trấn an rằng 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ có mặt trong khu vực vào năm 2020.

“Trên thực tế, hiện 57 – 58% lực lượng hải quân Mỹ đã có mặt ở khu vực. Hầu hết khí tài hiện đại nhất của Mỹ đều đã được triển khai tại đây. Phần còn lại hiện vẫn đang trong quá trình sản xuất, ví dụ chúng tôi đang đóng ba tàu sân bay mới để đưa đến châu Á” – đô đốc Swift cho biết.

“Vấn đề là kể cả nếu toàn bộ hải quân Mỹ đến đóng ở Biển Đông hoặc biển Hoa Đông thì tôi vẫn sẽ nhận được câu hỏi là tại sao Mỹ không triển khai thêm binh lực tại khu vực” – đô đốc Swift chia sẻ. Theo ông, các nước khu vực nghi ngờ cam kết của Mỹ chủ yếu do sự lo ngại và giận dữ với những động thái gây hấn của Trung Quốc.

Dù vậy, ông cho biết Mỹ vẫn muốn thiết lập quan hệ tích cực với Trung Quốc và có nhiều cơ chế thúc đẩy quan hệ quân sự giữa Washington và Bắc Kinh, ví dụ như quy định quản lý các cuộc chạm trán bất ngờ trên biển.

Phía Mỹ muốn mở rộng cơ chế này với lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc. Ông Swift cho biết phần lớn các cuộc chạm trán trên biển của tàu hải quân Mỹ ở khu vực là với tàu cảnh sát biển Trung Quốc.

“Thông qua mối quan hệ tích cực và sâu sắc, chúng tôi sẽ hiểu Trung Quốc rõ hơn và nắm được rõ hơn các ý định của họ” – đô đốc Swift khẳng định.

4 hành động của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố toàn văn “Chiến lược an ninh hàng hải khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, qua đó nhấn mạnh quyết tâm duy trì an ninh và ổn định cho khu vực này.

Trong văn bản do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, Mỹ nhìn nhận nền hoà bình trong nhiều thập kỷ nay ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang bị đe doạ.

Quá trình hiện đại hoá kinh tế, quân sự cộng với nhu cầu khai thác tài nguyên đang đẩy nhanh nguy cơ xung đột trên các vùng lãnh thổ tranh chấp giữa các nước.

Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục bày tỏ lo ngại về cách ứng xử của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp, trong đó gồm việc cấm đánh bắt cá, thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, cải tạo đất quy mô lớn và đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.

Tất cả hành động này đang tạo ra mối lo ngày càng tăng về ý đồ thật sự của Trung Quốc, đồng thời nhấn chìm các giải pháp ngoại giao mà các bên đưa ra.

Nhìn nhận sự phức tạp ngày càng tăng trên các tuyến hàng hải châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố bốn hành động cụ thể sau trong chiến lược của mình:

– Thứ nhất, Mỹ tiếp tục tăng cường khả năng quân sự để ngăn chặn xung đột trong khu vực và phản ứng dứt khoát trong tình huống cần thiết.

– Thứ hai, Mỹ hợp tác với các đồng minh và đối tác từ Đông Bắc Á cho đến Ấn Độ Dương nhằm giúp họ tăng cường khả năng quân sự đối phó với các thách thức trong lãnh thổ của mình.

– Thứ ba, thông qua ngoại giao quân sự, Mỹ muốn xây dựng sự minh bạch, giảm thiểu rủi ro tính toán sai lầm dẫn đến xung đột.

– Cuối cùng, Mỹ muốn giúp củng cố các tổ chức an ninh khu vực, đồng thời khuyến khích thành lập một cấu trúc an ninh mở hiệu quả hơn.

MINH TRUNG

HIẾU TRUNG ([email protected])