28/11/2024

Không đổi mới, nông nghiệp không phát triển

Nông nghiệp đã đạt đến điểm tới hạn, nếu không đổi mới không thể tiếp tục phát triển, trong đó quan trọng nhất là đổi mới tư duy.

 

Không đổi mới, nông nghiệp không phát triển

 

Nông nghiệp đã đạt đến điểm tới hạn, nếu không đổi mới không thể tiếp tục phát triển, trong đó quan trọng nhất là đổi mới tư duy.


 

Khó áp dụng khoa học công nghệ vào đồng ruộng manh mún như hiện nay - Ảnh: Chí Nhân

Khó áp dụng khoa học công nghệ vào đồng ruộng manh mún như hiện nay – Ảnh: Chí Nhân

Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp (DN) trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, do Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN tổ chức sáng qua tại TP.HCM.
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng: “Trong 40 năm qua, động lực phát triển của chúng ta là Khoán 10. Nó đã đến điểm tới hạn của sự phát triển. Chính vì vậy để tiếp tục phát triển, chúng ta cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng, nếu cứ giữ như hiện nay thì không thể phát triển được”.
TS Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN T.Ư, dẫn chứng: trong giai đoạn 2007 – 2013, số DN trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản đang có xu hướng giảm từ 1,6% xuống còn 1% (trong tổng số DN của VN). Điều này cho thấy sự phát triển của các DN trong ngành này kém hơn các lĩnh vực khác của ngành kinh tế. Mặt khác, đa số chỉ là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Đối với khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài còn chưa đến 1% tổng số DN của nền kinh tế, với tổng số vốn chưa vượt quá 4%, tổng số vốn FDI đầu tư vào VN.
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, tính theo đầu DN thì chúng ta có 1% trong tổng số các DN của cả nước nhưng nếu kể ra những DN có “thực lực” thật sự thì con số chắc chưa tới 0,01%. “Nguyên nhân là do nền nông nghiệp của chúng ta không phải là nền nông nghiệp mang tính thị trường, thiếu tính cạnh tranh. Chúng ta thấy rằng chỉ có một DN như CP của Thái Lan mà họ chi phối cả lĩnh vực chăn nuôi của chúng ta, chứng tỏ họ quá giỏi. Sắp tới đây không phải chỉ có một mình CP hay các DN của Thái Lan mà chúng ta sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ nhiều DN của nhiều nước khác”, TS Thiên nhận định. Theo ông, chính sách sở hữu ruộng đất hiện nay cũng đang “trói” người nông dân. Cần phải xây dựng chính sách làm sao “để xem nó là tài sản của nông dân, DN”.
TS Thành thì cho rằng: luật Đất đai mới đã quy định rõ ràng về quyền sở hữu đất đai. Vì là luật nên rất khó thay đổi và tạm thời không bàn tới nữa, tuy nhiên để phát triển nông nghiệp thì cần phải cải cách về đất đai, làm sao phải để cho nông dân tích tụ được đất đai quy mô lớn. Có như vậy nông nghiệp mới hấp thụ được khoa học công nghệ vào sản xuất, mới thúc đẩy nông nghiệp phát triển được. Ông Thành dẫn lời thầy mình – một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới chỉ ra 4 bài học cần phải thay đổi để nông nghiệp VN phát triển là: cải cách đất đai, áp dụng khoa học công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng, hạn chế sự méo mó của giá cả, thị trường.

 

Chí Nhân