Thí sinh ưu tiên ngày càng nhiều
Một hiện tượng đáng lưu ý trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay với kết quả vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ là tỷ lệ thí sinh hưởng điểm ưu tiên trúng tuyển vào các trường lớn tăng mạnh. Điều này đã phá vỡ sự công bằng trong giáo dục.
Thí sinh ưu tiên ngày càng nhiều
Một hiện tượng đáng lưu ý trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay với kết quả vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ là tỷ lệ thí sinh hưởng điểm ưu tiên trúng tuyển vào các trường lớn tăng mạnh. Điều này đã phá vỡ sự công bằng trong giáo dục.
Nhiều ngành y trên 90% thí sinh được hưởng điểm ưu tiên
Thống kê số thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho thấy, trong tổng 5.442 TS có tới 5.037 người được cộng điểm ưu tiên (đối tượng và khu vực) từ mức 0,5 điểm trở lên. Như vậy, tỷ lệ TS được ưu tiên khi đăng ký xét tuyển vào trường này chiếm tới 93%. Có 2.040 TS được ưu tiên từ 1,5 điểm trở lên (chiếm 41%), đặc biệt có tới 465 TS được ưu tiên ở mức tối đa tới 3,5 điểm.
Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, số TS không được hưởng ưu tiên chiếm tỷ lệ rất thấp. Tính trong nguyện vọng đầu tiên, ngành bác sĩ đa khoa chỉ có 12% TS không được hưởng ưu tiên nào trong tổng số 347 TS có điểm thi từ 28 trở lên. Tương tự, ngành bác sĩ răng hàm mặt chưa tới 10% không được hưởng ưu tiên trong số 89 TS đạt từ 25 điểm trở lên. Ngành dược sĩ ĐH tỷ lệ này cũng chưa tới 15% trong tổng số 256 TS từ 25 điểm trở lên…
Theo tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, trong số 227 TS trúng tuyển vào 2 ngành y đa khoa và điều dưỡng bậc ĐH Khoa Y – Dược ĐH Đà Nẵng, chỉ có 29 người không cộng điểm ưu tiên nào.
Một cán bộ Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho biết theo danh sách TS đăng ký xét tuyển vào trường này xếp từ cao xuống thấp thì điểm cao nhất là 33,25, trong đó điểm thi của TS này chỉ là 27,75. Trong số 110 TS đạt điểm xét tuyển từ 29 trở lên ngành y đa khoa chỉ có 6 người không được cộng điểm nào. Do có rất nhiều người được cộng điểm nên hai TS thủ khoa (đều đạt điểm thi 29,5 điểm) trong kỳ xét tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội năm nay chỉ đạt vị trí thứ 10 và thứ 31 trong danh sách TS đăng ký xét tuyển vào trường.
Số lượng TS được hưởng ưu tiên tại Trường ĐH Y Dược Huế ngành y đa khoa, tính đến TS thứ 600 (theo chỉ tiêu), có đến 575 người được hưởng ưu tiên các loại, chiếm 95,8%. Tương tự, có 172 TS được ưu tiên ngành y học dự phòng, chiếm 95,5%. Ngành dược chỉ có 1 TS xét tuyển không được hưởng ưu tiên.
Trường càng lớn, càng nhiều thí sinh ưu tiên
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thống kê ở các trường lớn thì các ngành “nóng” có những số liệu rất đáng quan tâm. Chẳng hạn, trong 100 TS có điểm thi cao nhất đăng ký xét tuyển vào ngành điện – điện tử của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, có tới 93% TS được ưu tiên khu vực và đối tượng.
Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM ngành kinh tế đối ngoại có khoảng 94% TS được hưởng ưu tiên trúng tuyển, ngành kinh doanh quốc tế, tỷ lệ này khoảng 95%.
Thống kê từ danh sách TS trúng tuyển vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng thấy hiện tượng tương tự. Chỉ tính riêng ưu tiên khu vực, trong số 2.117 TS trúng tuyển nhóm ngành kinh tế – kinh doanh – quản lý thì có tới 1.714 người được cộng điểm ưu tiên từ 0,5 điểm trở lên (chiếm tỷ lệ 81%). Ngành ngôn ngữ Anh cũng có 117 TS được hưởng ưu tiên khu vực trong tổng 170 người trúng tuyển (chiếm 69%). Ngành luật kinh tế có 139 TS được ưu tiên trong số 156 người trúng tuyển (chiếm 90%)…
Số TS không được hưởng bất kỳ chế độ ưu tiên nào trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (trừ ngành tiếng Anh thương mại) theo danh sách công bố của trường chỉ là 1.119 trên tổng số 4.435 TS (chưa đến 1/4). Nghĩa là số lượng TS được hưởng ưu tiên tại trường này chiếm đến 74,77%.
Nhiều cán bộ phòng đào tạo những trường có đông TS điểm cao nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, năm nay số TS không được ưu tiên gì ít hơn hẳn mọi năm. “Không chỉ trường tôi mà các trường bạn cũng nhận xét là những em điểm xét tuyển ở vị trí cao hầu hết là nhờ được cộng thêm điểm ưu tiên”, ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, nói. Một cán bộ tham gia công tác tuyển sinh của Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết chỉ 446 TS không được ưu tiên gì trong tổng số 3.500 TS trúng tuyển vào trường này năm nay.
Nếu như ngành tài chính ngân hàng của Trường ĐH Tài chính – Marketing, tỷ lệ được ưu tiên ở tốp 100 là 83% thì cũng ngành này ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ còn khoảng 50 – 55% (cho tất cả các tổ hợp môn) và ở Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học còn 30%. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, rõ ràng là với cách thi và cách xét tuyển như hiện nay (đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi), TS có điểm cao sẽ tìm kiếm cơ hội ở những trường lớn và những ngành hấp dẫn. Và các TS điểm cao lại được ưu tiên đối tượng hoặc khu vực (hoặc cả hai) sẽ càng tận dụng ưu thế của mình.
Điểm ưu tiên cao nhất là 3,5 hay 6,5?
Vừa qua, nhiều người cho rằng năm nay có nhiều trường hợp tổng điểm ưu tiên cao nhất lên tới 6,5 thay vì 3,5 điểm như mọi năm.
Cụ thể, tại Trường ĐH Y Hà Nội, có TS được cộng đến 6,5 điểm ở ngành bác sĩ đa khoa. Tuy nhiên, trên thực tế, TS này được cộng 3,5 điểm ưu tiên khu vực (KV1) và đối tượng (dân tộc thiểu số). Bên cạnh đó, TS được cộng 3 điểm khuyến khích vì theo quy định tuyển thẳng của trường này, ngành bác sĩ đa khoa chỉ tuyển thẳng đối với TS đoạt giải nhất quốc gia các ngành toán, hoá, sinh. TS nêu trên chỉ đoạt giải nhì quốc gia môn sinh học, đủ điều kiện tuyển thẳng vào các ngành khác trừ ngành bác sĩ đa khoa. TS đã từ bỏ quyền tuyển thẳng của mình để nộp đơn xét tuyển ngành bác sĩ đa khoa. Vì vậy, trường cộng 3 điểm khuyến khích cho TS này.
Tương tự, ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM có điểm khuyến khích dao động từ 1 – 2 điểm. Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, điểm này dành cho đối tượng học sinh diện tuyển thẳng nhưng không sử dụng quyền này, khi xét tuyển vào trường bằng kết quả thi THPT quốc gia được cộng thêm 1 điểm (giải ba); 1,5 (giải nhì) và 2 (giải nhất).
Một số thắc mắc khác xoay quanh mức điểm ưu tiên 4,67 mà nhiều trường ĐH đang áp dụng cho TS. Tuy nhiên, theo quy định năm nay của Bộ GD-ĐT, đối với các ngành có nhân hệ số 2 môn thi chính, các trường có thể quy về thang điểm 40 để tính tổng điểm xét tuyển. Cụ thể là áp dụng công thức: Tổng điểm = điểm thi đã nhân hệ số + 4 x DQc : 3 (DQc là điểm ưu tiên xác định theo quy chế). Như vậy, TS được ưu tiên tối đa 3,5 điểm sẽ được tính thành 4,67 điểm nếu tính theo thang điểm 40.
Đ.Nguyên – H.Ánh
|
Thanh Niên