Đôi khi phải giấu… cái mác
Khoảng 200 cựu du học sinh VN tại Mỹ qua nhiều thế hệ đã tham gia các cuộc đối thoại về thách thức và cơ hội khi trở lại quê hương làm việc.
Đôi khi phải giấu… cái mác
Khoảng 200 cựu du học sinh VN tại Mỹ qua nhiều thế hệ đã tham gia các cuộc đối thoại về thách thức và cơ hội khi trở lại quê hương làm việc.
Chương trình này diễn ra trong Ngày hội US Alumni VN 2015 (ngày 22.8), do CLB cựu du học sinh (DHS) VN tại Mỹ ở TP.HCM tổ chức, với chủ đề “Cùng nhau xây tương lai”.
“Không ai hiểu mình”
Nhiều cựu DHS VN tại Mỹ đã và đang gặt hái được thành công, thăng tiến trong nghề nghiệp. Tuy nhiên, họ từng trải qua những “cú sốc hoà nhập” khá căng thẳng khi trở về. Những tâm sự, thắc mắc và các thông tin mà DHS nêu ra tại cuộc đối thoại, cho thấy kỹ năng thích ứng môi trường làm việc mới của họ rất đáng học hỏi.
Buổi đối thoại thứ nhất xoáy vào vấn đề: Đâu là những khó khăn và thách thức trong ngày trở về? Cựu DHS Bùi Quang Minh (hiện giữ vị trí trưởng phòng quan hệ khách hàng cho một công ty đến từ Ireland) bộc bạch: “Khi trở về, tôi không tìm được việc làm như mong muốn và không hoà nhập được với mọi người. Người ta đánh giá không dựa vào hiệu quả công việc mà chỉ dựa vào cảm tính… Tôi bị mất phương hướng, lạc lõng vì về đây không ai hiểu mình cả”.
Anh Vũ Tuấn Dũng (làm việc ở Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM) kể: “Tôi từng gặp nhiều vấn đề lắm. Tôi học về ngành chính sách công. Sau khi học xong, tôi hăm hở muốn đem những kiến thức và trải nghiệm phục vụ công việc tốt hơn nhưng người ta không cho làm. Có những điều không thay đổi được thì mình phải chấp nhận và tìm môi trường khác”.
GS Chung Hoàng Chương, giảng viên tại Trường ĐH San Francisco của Mỹ, nay đã về hưu, thắc mắc: “Phần lớn các bạn đi du học trở về đều làm việc cho công ty nước ngoài. Các bạn gặp những bức tường trở ngại gì mà không làm việc cho các công ty trong nước?”.
Chị Nguyễn Thị Nga, chuyên viên cao cấp của một công ty quản lý quỹ đầu tư Hàn Quốc tại VN đáp lời: “Em đang làm cho một công ty Hàn Quốc. Họ đưa quỹ đầu tư vào VN trong khi VN đang kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, tuy đang làm cho công ty nước ngoài nhưng chúng em cũng đang đóng góp vào sự phát triển của đất nước mình”. Câu trả lời của chị Nga nhận được tràng vỗ tay đồng thuận từ nhiều người tham dự.
Làm lại từ đầu
Phiên đối thoại thứ hai mang chủ đề: “Quê nhà – Cơ hội và tương lai”, với sự tham gia của nhiều thế hệ cựu DHS.
Thuộc lứa đầu tiên học ở Mỹ sau chiến tranh theo hình thức tự xin học bổng, ông Nguyễn Hoành Tiến (Phó tổng giám đốc Công ty VNG Corporation) cho hay: “Cái tôi học được ở Mỹ là kỹ năng thích ứng và làm lại từ đầu. Khi thấy những người xung quanh có vẻ khó chịu với cái mác DHS của mình, tôi đã giấu kiến thức và học hỏi lại từ đầu. Chính kỹ năng này giúp tôi tìm được cơ hội tốt để làm. Theo tôi, cơ hội hay khó khăn chỉ là cách nhìn của mỗi người”.
Từng nhận học bổng Fulbright vào năm 2003, nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên (phụ trách chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly – VTV) ví von: “Khi trở về nước, bản thân tôi có giai đoạn căng thẳng như bị stress sau khi sinh con. Tôi muốn áp dụng cái mới, muốn cải tiến cho công việc chung nhưng không được ủng hộ. Sau đó, tôi quyết định bắt đầu thực hiện từ việc rất nhỏ của mình, rồi kết nối nó với hệ thống”.
Cựu DHS Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, chi nhánh Cần Thơ, thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện tỷ lệ DHS làm ở khu vực công không nhiều. Thực tế này có nguyên nhân từ môi trường làm việc, cấu trúc tổ chức chưa phù hợp và mức lương thấp. Lãnh đạo ở một số khu vực vẫn còn mang tâm lý rằng DHS từ những nước tư bản trở về khó làm việc…”.
Sau lần du học đầu tiên ở Mỹ, ông Nguyễn Mạnh Tường (hiện là Phó tổng giám đốc Công ty M-Service JSC) làm việc trong một công ty Mỹ. Tiếp đó, ông sang Mỹ học thạc sĩ quản trị kinh doanh và trở về đầu quân cho một công ty nhà nước. Ông khẳng định: “Tôi không quan trọng làm việc cho công ty nào, miễn sao nơi đó người ta cần mình và mình cần người ta đồng thời tạo ra được nhiều giá trị. Nếu làm công ty nước ngoài mà dật dờ thì nên chọn chỗ làm khác, để có môi trường chia sẻ hoài bão, đam mê và những gì mình có với những người khác”.
Ra mắt ban điều hành
Tối 22.8, CLB cựu DHS VN tại Mỹ ở TP.HCM ra mắt Ban điều hành nhiệm kỳ 2015 – 2020, do ông Đậu Thanh Châu làm chủ tịch. CLB triển khai những hoạt động sắp tới: tăng cường kết nối các cựu DHS tại TP.HCM và những tỉnh thành khác; tìm kiếm cơ hội thực tập, việc làm cho DHS; tổ chức những hoạt động thiện nguyện… Ước tính đến nay đã có khoảng 50.000 người Việt từng du học tại Mỹ theo các chương trình khác nhau.
|
Như Lịch