28/11/2024

Đột kích “sào huyệt” sản xuất chất cấm

Công ty hoạt động kín kẽ, tường cao cửa kín, những sản phẩm được bí mật phân phối cho các cơ sở kinh doanh nên cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ mới được sào huyệt này.

 

Đột kích “sào huyệt” sản xuất chất cấm

 

Công ty hoạt động kín kẽ, tường cao cửa kín, những sản phẩm được bí mật phân phối cho các cơ sở kinh doanh nên cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ mới được sào huyệt này.



Đột kích “sào huyệt” sản xuất chất cấm
Đột kích “sào huyệt” sản xuất chất cấm

Trong số trên 300 sản phẩm không nằm trong danh mục thuốc thú y được phép sản xuất tại VN, cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm của một công ty có chất cấm thuộc họ beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine), vốn bị nghiêm cấm sử dụng 
trong chăn nuôi.

Bước đầu, cơ quan chức năng tiến hành niêm phong để tiếp tục truy xuất các địa chỉ phân phối nhằm xử lý.

Vụ việc trên vừa được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường phía Nam (C49), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT “đột kích” bắt quả tang Công ty TNHH sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (đường Âu Cơ, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM) sáng 19-8.

Lần theo chất cấm

Ông Nguyễn Xuân Thành (phó trưởng phòng 4, C49) cho biết khoảng 9g30 sáng 19-8, sau nhiều ngày trinh sát, lần theo nguồn gốc chất cấm, cơ quan chức năng đã ập vào Công ty Khoa Nguyên (do ông Nguyễn Thanh Tuấn, P.Tân Định, Q.1, làm giám đốc) bắt quả tang hàng chục công nhân đang sản xuất khối lượng lớn thuốc thú y “lậu”.

Cụ thể, khoảng 10 công nhân đang vận hành hệ thống máy sản xuất, dán nhãn, đóng gói bao bì các sản phẩm thuốc để tung ra thị trường.

“Công ty này hoạt động kín kẽ, tường cao cửa kín, những sản phẩm này bí mật phân phối cho các cơ sở kinh doanh nên phải phối hợp rất chặt chẽ giữa các lực lượng mới có thể bắt quả tang” – ông Thành nói.

Theo quan sát của chúng tôi, nơi công ty này hoạt động là ngôi nhà gồm một trệt, hai lầu. Tầng trệt là nơi tập kết hàng trăm sản phẩm đã qua đóng gói, chờ xuất bán.

Tầng 1 và tầng 2 là nơi đặt hệ thống máy móc sản xuất, bao bì, chai lọ, nhãn mác, dây nhợ và hàng loạt hoá chất để pha chế sản phẩm. Ngoài một số loại hoá chất có ghi xuất xứ từ Trung Quốc, phần lớn đều không nhãn mác rõ ràng theo quy định.

Đặc biệt, tại các phòng đều có ghi những bộ phận chuyên môn rất “chuyên nghiệp” như “phòng hấp tiệt trùng”, “phòng súc rửa”, “phòng vô trùng”, “phòng pha chế, đóng hàn”… Tuy nhiên, tất cả các phòng đảm trách những khâu sản xuất này đều không đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Nơi sản xuất dơ bẩn, các loại hóa chất sắp xếp ngổn ngang, thậm chí một số công đoạn sản xuất quan trọng được thực hiện ngay trong các phòng… vệ sinh.

Trong số trên 300 sản phẩm không nằm trong danh mục thuốc thú y được phép sản xuất, cơ quan chức năng phát hiện một khối lượng lớn bột trộn chuẩn bị xuất ra thị trường có tên “KN – Samurai” – “chất tạo nạc, bung đùi, nở mông vai”.

Loại bột trộn này được đóng từng gói, trọng lượng 1 kg/gói và bỏ trong thùng giấy. Trên bao bì sản phẩm này còn “quảng cáo” dùng được cho cả heo, gà, vịt, cút, dê, cừu, bò… nhằm hấp thu tốt các dinh dưỡng, chuyển hoá thức ăn giúp gia súc nở mông vai, da hồng hào.

Ngoài ra, còn hướng dẫn cách dùng là pha trộn từ 0,5 – 0,7 kg/tấn thức ăn, dùng liên tục trong thời gian nuôi thịt!? Trên bao bì của một số sản phẩm còn sử dụng số đăng ký ảo, nhãn mác giả.

“Bình thường công ty có khoảng 10 người đảm nhiệm pha chế, đóng gói sản phẩm, công nhân làm việc tại đây chỉ là anh em họ hàng vì mướn người ngoài không an toàn, dễ bị lộ.

Việc sản xuất các loại thuốc này tôi biết là sai nhưng vì chưa có điều kiện nên vẫn phải hoạt động” – một trong số những người đang làm việc tại đây cho biết.

Theo một cán bộ điều tra, qua xác minh ban đầu những sản phẩm trên sẽ được công ty phân phối ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Thái Bình, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu…

“Truy xét tới cùng”

Đó là khẳng định của ông Phạm Tiến Dũng – trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT – về việc những sản phẩm do Công ty Khoa Nguyên sản xuất được tung ra thị trường, đặc biệt có các chất cấm thuộc họ beta-agonist.

Theo ông Dũng, hạn sử dụng của sản phẩm “KN – Samurai” trên bao bì đến năm 2016, tức là sản phẩm này đã và đang được tung ra thị trường một lượng lớn chất cấm nên phải truy tới cùng.

“Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian qua đã đến mức báo động, đặc biệt là ở Đồng Nai và TP.HCM.

Vì vậy, Bộ NN&PTNT cử tổ công tác đặc biệt vào phối hợp với các cơ quan chức năng tại bốn tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An nhằm phát hiện người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thương lái ép trang trại sử dụng chất cấm và các công ty sản xuất phân phối chất cấm.

Đặc biệt, tìm ra được đường dây tuồn chất cấm salbutamol vào ngành chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng” – ông Dũng khẳng định.

Theo ông Dũng, qua truy xuất, cơ quan chức năng xác định sản phẩm “KN – Samurai” (sản phẩm thức ăn bổ sung được phép sản xuất nhưng có chất cấm) của Công ty Khoa Nguyên đã được phân phối sử dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Qua đợt thanh tra vừa qua, Thanh tra Sở NN&PTNT Đồng Nai đã kiểm tra ở đại lý phân phối, phát hiện trong thành phần sản phẩm này có chất cấm sử dụng salbutamol và xử phạt. “Và đó cũng là cơ sở để chúng tôi truy xét tới nơi sản xuất sản phẩm độc hại, nguy hiểm này” – ông Dũng nói.

Được biết, dù đang sản xuất thuốc thú y nhưng Công ty Khoa Nguyên không có giấy phép sản xuất thuốc thú y do Bộ NN&PTNT cấp phép.

Mặt khác, trụ sở công ty hoạt động ở nhà dân trong khu dân cư, tất cả công đoạn sản xuất đều dùng tay, không có phòng bảo quản nguyên liệu, cũng như phòng vô trùng sản xuất theo quy định.

“Sai phạm của công ty này rất lớn, qua kiểm đếm sơ bộ chúng tôi xác định có trên 300 mặt hàng thuốc thú y sản xuất trái quy định.

Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an tiếp tục truy xuất tới cùng đường đi của các loại sản phẩm này: đến đại lý phân phối nào, trang trại nào để từ đó thu hồi, tiêu huỷ toàn bộ các sản phẩm này” – ông Dũng cho biết.

Kết quả thanh tra của Chi cục Thú y TP.HCM về việc sử dụng chất cấm beta-agonist (chất tạo nạc, tăng trọng cho heo) tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.HCM (thuộc các quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn) từ đầu tháng 6-2015 cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm có nguồn gốc nhiều nhất từ Đồng Nai, đứng sau là Long An, Tiền Giang.

Theo đó, kiểm tra 222 mẫu nước tiểu trên 51 lô heo tại 8 cơ sở giết mổ, kết quả có 31 mẫu dương tính chất cấm. Trong đó, lượng heo xuất phát từ Đồng Nai chiếm lượng tồn dư chất cấm “áp đảo” với 20/31 mẫu, Long An 3/31 mẫu, Tiền Giang 8/31 mẫu.

 

HOÀNG LỘC