29/11/2024

Dưới 18 điểm khó vào đại học công

Từ điểm trúng tuyển dự kiến của các trường công bố hôm qua cho thấy với mức điểm dưới 18, khó có cơ hội vào nhiều trường ĐH công lập.

 

Dưới 18 điểm khó vào đại học công

 

 

Từ điểm trúng tuyển dự kiến của các trường công bố hôm qua cho thấy với mức điểm dưới 18, khó có cơ hội vào nhiều trường ĐH công lập.


TS nộp hồ sơ vào một trường ĐH tại TP.HCM vào cuối tuần qua. Dự kiến bắt đầu hôm nay, thí sinh sẽ ào ạt nộp, rút hồ sơ

TS nộp hồ sơ vào một trường ĐH tại TP.HCM vào cuối tuần qua. Dự kiến bắt đầu hôm nay, thí sinh sẽ ào ạt nộp, rút hồ sơ – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bác sĩ đa khoa, tối thiểu 8 điểm/môn
Đến ngày 16.8, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã có được mức điểm trúng tuyển tạm thời sau khi xét tổng thể 4 nguyện vọng (NV) đăng ký của thí sinh (TS). Theo đó, mức điểm xét tuyển tối thiểu với ngành bác sĩ đa khoa 27,75 trở lên. Tuy nhiên, các TS đồng mức điểm 27,75 này phải có điểm môn sinh đạt từ 9,5 điểm trở lên mới có cơ hội trúng tuyển. Kế đến, bác sĩ răng hàm mặt với 27,25 điểm (môn sinh 9 điểm); dược sĩ 26,25 (môn hóa 8,75 trở lên); xét nghiệm y học 25 (môn sinh 8,25 điểm trở lên)… Các ngành còn lại điểm xét tuyển dự kiến trong khoảng 22,25 – 24,5 điểm.

 
 

Tạo điều kiện để thí sinh rút, nộp hồ sơ nhanh chóng

 
Chiều qua (16.8), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát công điện khẩn đến các sở GD-ĐT, học viện, trường ĐH,CĐ. Công điện nêu dự kiến từ ngày 17-20.8, số lượng TS đến các trường để nộp, rút hồ sơ đăng ký xét tuyển rất đông. Bộ đề nghị các trường huy động đủ nhân lực, tập trung phương tiện kỹ thuật, tăng thời gian làm việc hằng ngày… để tiếp nhận, rút đăng ký xét tuyển của TS. Các trường chủ động phân loại, sắp xếp, quản lý hồ sơ của TS có điểm thấp hơn mức điểm trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh để việc rút hồ sơ của TS thuận lợi, nhanh chóng.

 
Nhiên An

 
Tương tự, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) đến nay đã có 95 TS tổng điểm 3 môn từ 25,5 điểm trở lên đăng ký ngành bác sĩ đa khoa (100 chỉ tiêu). Như vậy, trên 50 TS đã nộp hồ sơ vào ngành này với mức điểm từ 21,75 cần xem xét rút hồ sơ để nộp vào trường khác.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngành bác sĩ đa khoa đang có mức điểm xét tuyển dự kiến 24, bác sĩ răng hàm mặt 24,25. Hộ sinh là ngành có điểm xét tuyển thấp nhất hiện nay cũng ở mức 19,5.
“Thí sinh khẩn trương rút hồ sơ…”
Hôm qua, lần đầu tiên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã chạy phần mềm xét tuyển lọc TS ở cả 4 nguyện vọng để xác định điểm xét tuyển tạm thời.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay một số ngành điểm đang dẫn đầu như: báo chí và truyền thông 25,5 (khối C) và 23,5 (khối D1); quan hệ quốc tế, Nhật Bản học 23,5; du lịch 24,5 (khối C) và trên 23 điểm (khối khác); tâm lý học 24,5 điểm (khối C); Hàn Quốc học 23; ngôn ngữ Anh (điểm nhân hệ số môn chính) 31,5…
“TS có mức điểm từ 18 trở lên mới nên nộp hồ sơ vào trường, dự kiến ngày 18.8 trường sẽ công bố chính thức điểm chuẩn dự kiến để TS cân nhắc rút hồ sơ”, tiến sĩ Hạ thông báo.
Tương tự, mức điểm xét tuyển ngành thấp nhất tại Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đến ngày hôm qua đang là 19. Kỹ thuật phần mềm là ngành có điểm xét tuyển cao nhất, đang ở mức 23,5.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có điểm xét tuyển tạm thời ngành ngôn ngữ Anh (điểm nhân hệ số môn tiếng Anh) trên 33 điểm, các ngành còn lại ngưỡng tối thiểu đang là 22,75. Tuy nhiên, với đà tăng khá mạnh điểm như vừa qua, ngưỡng này có thể sẽ không an toàn trong những ngày cuối.
Trong số 16 ngành bậc ĐH của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hiện có 15 ngành mức điểm xét tuyển tạm thời từ 20 điểm trở lên. Nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin tiếp tục tăng lên mức 25 điểm. Chỉ có ngành kỹ thuật trắc địa bản đồ có mức điểm 18 và mới có 39 TS nộp hồ sơ (58 chỉ tiêu). Riêng ngành kiến trúc điểm sau khi nhân hệ số môn toán là 24,42 (mới có 58 hồ sơ/ 69 chỉ tiêu).
Theo dữ liệu xét tuyển tạm thời của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong ngày hôm qua, ngành có điểm xét tuyển cao nhất là sư phạm toán với 34 điểm (nhân hệ số môn chính). Hiện có 6 ngành mức điểm chuẩn dự kiến sau khi nhân hệ số từ 32-34 điểm gồm các ngành sư phạm: toán, hoá, lý, văn, địa và tiếng Anh.
 

Trường thông báo “khẩn” cho thí sinh không đạt nên rút hồ sơ
Theo điểm xét tuyển dự kiến đã công bố lên website, Trường ĐH Sài Gòn có khoảng 3.000 – 4.000 TS không trúng tuyển vào trường. Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết các TS này cần đến trường rút hồ sơ trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM còn ra thông báo “khẩn”: TS không đạt ngưỡng điểm xét tuyển tạm thời khẩn trương làm thủ tục rút hồ sơ xét tuyển. Theo dữ liệu công bố ngày 16.8, điểm xét tuyển vào các ngành của trường đang ở mức 20,63 – 21,06 điểm.

 

Cơ hội còn ở đâu ?
Ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, một số ngành TS đăng ký bằng tổ hợp môn mới không nhiều nên mức điểm chênh lệch giữa tổ hợp mới và tổ hợp truyền thống từ 5-10 điểm. Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo cho rằng một số ngành tổ hợp mới chưa tuyển đủ chỉ tiêu nên TS nếu đăng ký vào các tổ hợp mới, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.
Khác với xu hướng chung của nhiều nhóm trường ĐH công lập, mức điểm xét tuyển tối thiểu của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đang ở mức không cao. Hiện 2 ngành có mức điểm cao nhất (23 điểm) gồm: công nghệ sinh học và kỹ thuật hạt nhân. Khá nhiều ngành mức điểm dự kiến chỉ cao hơn sàn không nhiều như: vật lý học 16,5; kỹ thuật vật liệu 16,5-16,75 (tuỳ khối); địa chất 15,5-17; hải dương học 16-17,5; toán học 17,25.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có một số ngành điểm xét tuyển tạm thời đang ở mức thấp như: công nghệ kỹ thuật môi trường 15,75; công nghệ kỹ thuật hoá học 16,75.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM dù tổng điểm đã nhân hệ số môn toán nhưng mức điểm xét tuyển tạm thời nhiều ngành không cao (trung bình 5 điểm/môn) như: điều khiển tàu biển, vận hành khai thác máy tàu thuỷ, thiết bị năng lượng tàu thuỷ, kỹ thuật tàu thuỷ…

Hà Ánh