Theo đuổi con chữ đến cùng
Dù hoàn cảnh nào đi nữa cũng chưa bao giờ lấn át được giấc mơ của nhiều cô cậu học trò nghèo giàu nghị lực.
Vượt khó vào đại học: Theo đuổi con chữ đến cùng
Dù hoàn cảnh nào đi nữa cũng chưa bao giờ lấn át được giấc mơ của nhiều cô cậu học trò nghèo giàu nghị lực.
Lê Văn Luôn trên đường đi bán vé số chờ ngày nhập học – Ảnh: Quốc Sử |
Nuôi ước mơ đại học từ tờ vé số
Lê Văn Luôn, học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh), có gia cảnh thuộc diện “có sổ nghèo trung ương”, ở đậu trong căn chòi canh rẫy cao su “nắng rọi, mưa lùa” tứ phía.
Vì một biến cố mà cha mẹ Luôn phải xa xứ mưu sinh cách đây ba năm. Là anh cả Luôn buộc phải trưởng thành sớm để gánh vác gia đình, nuôi ba đứa em cùng bà nội đã ngoài 70 tuổi. Vừa bán vé số vừa đi học, vậy mà cậu học trò nhỏ vẫn học giỏi, đạt 25 điểm khối B trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
“Chỉ có cố gắng học tập tốt mới mong thoát cảnh nghèo này. Em muốn học dược để trước hết sau này giúp gia đình, sau đó giúp bà con nghèo quê em” – Luôn chia sẻ với xấp vé số còn trên tay.
Từ ngày nhận giấy báo điểm, mỗi ngày em bán 200 tờ vé số, kiếm lời được 200.000 đồng. Chắt góp để dành đến nay được 2,8 triệu đồng. “Em nghe nói học dược một năm phải đóng hơn 10 triệu đồng, rồi ăn ở chi phí nữa… – Luôn ngập ngừng lâu- Nhưng em sẽ không bỏ cuộc. Em sẽ tìm chỗ vay tạm, vào được đại học em sẽ đi làm để trả lại”.
Từ ngày mẹ lâm bệnh, mọi việc trong nhà đều do Hiền gánh vác – Ảnh: Thanh Ba |
Cô bé chăn bò là thủ khoa khối C
Mồ côi cha ngay từ thuở mới lọt lòng, bao năm trời thay mẹ đảm đương chuyện đồng áng, nhưng Huỳnh Nguyên Ngọc Hiền (lớp 12/3 Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Hội An, Quảng Nam) đã đạt kết quả xuất sắc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và đang đứng trước ngưỡng cửa thủ khoa đại học với số điểm khối C được xếp vào loại cao (văn: 8,25; địa lý: 9,75; lịch sử: 9).
Trong suốt 12 năm từ tiểu học đến THPT chưa năm nào Hiền để vuột mất danh hiệu học sinh giỏi. Riêng năm lớp 12, Hiền còn đoạt giải nhì môn địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Hiền nói: “Chính tình thương vô ngần em dành cho mẹ là động lực giúp em cố gắng không ngừng, còn bí quyết học tốt có lẽ là sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Em tranh thủ học mọi lúc mọi nơi. Những hôm đi làm đồng, chăn bò em cũng tranh thủ mang tập sách theo học bài”.
Đến thời điểm hiện tại, với số điểm 27 thì Hiền đang đứng vị trí thứ nhất trong tất cả hồ sơ dự tuyển vào ngành sư phạm địa lý (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) và chắc như đinh đóng cột về khả năng đậu đại học, thậm chí ngưỡng cửa thủ khoa đại học cũng đang dần hé mở với cô học trò mồ côi này.
Chia sẻ về chặng đường phía trước, Hiền cho hay: “Ban đầu em dự tính ra ngoài đó sẽ vừa học vừa làm thêm kiếm tiền trang trải học tập nhưng bệnh tim của mẹ đang ngày một trầm trọng, em thật sự rất lo nếu mình trọ học ở xa. Nhưng dù hoàn cảnh có nghiệt ngã đến đâu thì em vẫn quyết tâm theo đuổi con chữ đến cùng vì đó là nguồn vui lớn nhất của mẹ”.
Nghe con nói vậy, bà Huỳnh Thị Vân (mẹ Hiền) dự tính: “Con bò là tài sản lớn nhất của hai mẹ con. Tôi sẽ bán nó để trả nợ ngân hàng, còn một ít làm lộ phí cùng cháu khăn gói ra Đà Nẵng nhập học. Tôi tính xin vào quán ăn rửa chén, lau dọn kiếm tiền lo luôn bốn năm học cho cháu”.
Cô Dương Mỹ Phương (giáo viên chủ nhiệm ba năm THPT của Hiền) chia sẻ: “Nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa cho Hiền yên tâm học tập với những suất học bổng giúp em sắm sửa tập sách, quần áo. Bây giờ hay tin em thi đạt số điểm cao, thầy cô ai nấy lấy làm tự hào và mong em sẽ nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để tiếp tục vững bước chinh phục ước mơ”.
Ôn thi dưới gốc cao su Kể từ khi nhận được kết quả xét tuyển khối A 23 điểm, Trần Thị Giào (học sinh lớp 12C2 Trường THPT Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh) quyết lấy đêm làm ngày. Giào nhận chăm sóc và thu hoạch hơn 1.000 gốc cao su cho chủ vườn gần nhà. Công việc này tưởng chừng chỉ dành cho thanh niên khỏe mạnh, nhưng với cô học trò thấp bé, nhẹ cân thì đã quá quen thuộc và thành thạo như một công nhân lành nghề. Ít ai biết Giào làm công việc này từ năm lớp 9 và hành trình tiếp cận tri thức của bạn gắn liền với gốc cao su. “Đến hết tháng này em lĩnh lương rồi vay thêm chút nữa chắc cũng đủ để đi học tiếp. Sau đó em nhập học rồi cố gắng làm thêm để trả nợ. Còn nếu thiếu tiền em xin bảo lưu lại, đi làm dành dụm rồi đi học” – Giào chia sẻ với đôi mắt buồn lắm ưu tư. Ước mơ trở thành kỹ sư cơ khí vì thế cũng ngập ngừng với Giào. Bạn tâm sự sẽ nộp đơn xét tuyển ngành cơ khí của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM để trở thành kỹ sư cơ khí giúp bà con quê mình cải thiện công việc canh tác còn nhọc nhằn. |