Cô học trò nghèo nhường học bổng cho bạn
Cô học trò ấy vừa đạt 25,25 điểm khối D trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 với một học bổng được đề xuất dành cho cô từ năm lớp 10.
Cô học trò nghèo nhường học bổng cho bạn
Cô học trò ấy vừa đạt 25,25 điểm khối D trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 với một học bổng được đề xuất dành cho cô từ năm lớp 10.
Thanh Thảo đang ở Đà Lạt chăm sóc cho chị sinh con và chờ kết quả xét tuyển – Ảnh: M.Vinh |
“Còn rất nhiều bạn khuyết tật, sống ở vùng sâu vùng xa cần được giúp đỡ. Em cảm thấy bản thân chưa xứng đáng để nhận được học bổng” – đó là tâm sự của Lê Đỗ Thanh Thảo, Trường THPT chuyên Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Đó là câu trả lời của cô học trò ấy vừa đạt 25,25 điểm khối D trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 với một học bổng được đề xuất dành cho cô từ năm lớp 10.
Còn có rất nhiều bạn khuyết tật, sống ở vùng sâu vùng xa cần được giúp đỡ, em cảm thấy bản thân chưa xứng đáng để nhận được học bổng |
LÊ ĐỖ THANH THẢO |
Thảo và suất học bổng nhường lại
Bố và mẹ đều đã qua đời vì tai nạn giao thông, ba anh em Thảo phải ly tán mỗi người một phương để lao vào kiếm sống. Chị gái đã lập gia đình, còn anh trai của Thảo vừa làm thêm vừa học tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Thảo ở nhờ nhà cậu mợ suốt những năm học cấp III. Khó khăn chồng chất nhưng cô học trò chưa bao giờ kêu than về hoàn cảnh, chỉ âm thầm chịu đựng mọi nỗi đau và vươn lên. Hiện Thảo đang ở chăm một người chị nghỉ sinh tại Đà Lạt.
Suất học bổng mà Thảo từ chối có giá trị 1 triệu đồng/tháng do nhóm cựu học sinh của trường cấp và sẽ nhận liên tục trong suốt ba năm học cấp III. Thảo biết rõ đấy là số tiền lớn, nhất là với một người không còn cha mẹ và phải ở nhờ nhà cậu mợ.
Ngày đó Thảo cũng đã nghĩ rằng mình sẽ xin nhận suất học bổng, nếu số tiền đó cô không dùng thì cũng có ích đối với người chị thời điểm ấy đang học ĐH Nông lâm TP.HCM.
Tuy nhiên, Thảo suy nghĩ rồi thưa với cô Trần Thị Hiệp, giáo viên dạy sử Trường THPT chuyên Nguyễn Du, là người giới thiệu học bổng cho Thảo, rằng: “Con sẽ không nhận suất học bổng”.
Cô Hiệp gặng hỏi một hồi Thảo mới nói: “Con còn may mắn, những bạn khác còn khó khăn hơn con”. Rồi Thảo kể ra hàng loạt học sinh đồng lứa đang cần sự giúp đỡ vì ba mẹ đau ốm lâu năm không có tiền chữa bệnh, hay có cô bạn mồ côi cha mẹ phải tự làm vườn kiếm sống đến trường…
“Phải động viên để Thảo thấy mình xứng đáng”
Cô Phạm Thị Thanh Mai – tổ trưởng tổ sử – địa – giáo dục công dân Trường THPT chuyên Nguyễn Du, giáo viên dạy Thảo lớp 12 – cho biết ba anh em Thảo sống nhờ vào tiền bảo hiểm khi cha mẹ qua đời là chính. Nhưng đến nay đã năm năm, số tiền cũng cạn kiệt. “Thảo là cô bé học rất tốt, học sinh giỏi toàn diện của trường, điểm tổng kết mỗi năm học rất cao”.
Cô Nguyễn Thị Bích Vân – giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Thảo – nói: “Khi biết mình được nhận học bổng do cựu học sinh Nguyễn Du trao, Thảo đã từ chối. Thảo có viết cho tôi một bức thư tay, trong thư em tâm sự còn có rất nhiều bạn khuyết tật, sống ở vùng sâu vùng xa cần được giúp đỡ, em cảm thấy bản thân chưa xứng đáng để nhận được học bổng”.
Cô Vân cho biết thêm ngày Thảo từ chối nhận học bổng, thầy cô trong trường phải trò chuyện, tâm sự với Thảo rất nhiều. Cuối cùng, học kỳ I năm lớp 11 Thảo cũng đồng ý nhận học bổng vượt khó do hội khuyến học của nhà trường trao tặng, một suất 500.000 đồng/học kỳ.
“Từ đó về sau, các thầy cô trong trường khi hỗ trợ một bộ đồng phục hay cuốn từ điển đều có những điều kiện nhất định về thành tích học tập với Thảo. Việc làm này để em hiểu mình thật sự xứng đáng được nhận, không phải vì lòng thương hại của người khác” – cô Vân nói.
Còn cô Trần Thị Hiệp tâm sự: “Khi một cựu học sinh của trường quyết định trao học bổng cho em, sợ em tổn thương vì hoàn cảnh gia đình, tôi đã nói với em đừng buồn, đừng giận cô. Nếu em nhận suất học bổng này, ít ra em có thể trang trải những dụng cụ học tập cho riêng mình. Nhưng cuối cùng Thảo vẫn từ chối nhận”.
Bạn Vũ Thị Châu Anh – học cùng lớp, bạn thân của Thảo – chia sẻ: “Đó là người bạn giàu nghị lực và hiền lành. Thảo luôn sợ nếu mình dừng lại thì ước mơ của bạn cũng sẽ trôi mất và anh chị sẽ buồn lòng. Năm nào Thảo cũng nằm trong top 5 của lớp. Điểm tổng kết của bạn khiến ai cũng phải ngưỡng mộ”.
Dù vậy, Châu Anh cũng tâm sự thêm: “Tuy là bạn thân nhưng về gia đình Thảo rất ít khi tâm sự. Mỗi người có những câu chuyện riêng nên mình rất ít khi đề cập đến việc Thảo muốn quên. Hai đứa chỉ giúp nhau cố gắng trong học tập”.
Lê Đỗ Thanh Thảo: làm đúng với những gì cha mẹ dạy
Sau những mất mát tưởng chừng như khiến một người trưởng thành cũng khó đứng vững nhưng cô học trò nhỏ vẫn còn đủ sức tự động viên rằng mình còn quá may mắn. May mắn mà Thảo nhìn thấy được đó là ân tình của những người quanh Thảo và đủ lớn để Thảo thiết tha nhường một cơ hội vượt khó cho người bạn nghèo.
Thảo kể về những may mắn: “Cậu mợ cưu mang em và lo cho em chu đáo, trường miễn học phí cho em, thầy cô thương nên em không tốn tiền học thêm. Ở tuổi em vậy là đủ rồi. Khi em thấy đủ rồi thì em không nên nhận thêm. Bạn em cũng cần như em nhưng chưa có may mắn đón nhận những ân nghĩa đó. Em nhường là đúng với những gì cha mẹ em dạy khi còn sống”.
Khi đứng trước ngưỡng cửa vào đại học, nhớ lại những khó khăn đã tự vượt qua để học tốt trong những năm học cấp III, Thảo nhận ra rằng những điều không may mắn đã xảy ra trong gia đình là chuyện của quá khứ. Những thương yêu của người xung quanh không khỏa lấp được sự mất mát nhưng khiến mình thấy được chia sẻ và là động lực để vượt khó. Nhường suất học bổng với Thảo là cách san sẻ yêu thương để gửi cho người bạn mình động lực cùng đi tới.
Chuyện nhường cơ hội học bổng cho bạn, Thảo không kể cho ai nghe nhưng câu chuyện đến tai người cậu đang nuôi Thảo đi học. Cậu hỏi, Thảo đáp: “Con có làm sai không cậu, chứ con thấy mình dù sao cũng có người nuôi nấng. Còn nhiều bạn khác khổ lắm!”.
Người cậu nhìn cháu rồi đáp: “Còn biết người khác khổ hơn mình là tốt”.
Sẽ cố gắng vượt qua khó khăn Một giáo viên cho biết ban đầu khi nghe việc Thảo từ chối nhận học bổng, nhiều người nghĩ rằng đó là tâm lý trẻ con “cảm thấy mắc cỡ khi phải đứng trước toàn trường và ngại mọi người biết về hoàn cảnh khó khăn của mình”. Nhớ lại chuyện này, cô Hiệp nói thêm: “Lúc đó tôi giận lắm. Sau này khi có cơ hội dạy em năm lớp 11, 12 tôi mới hiểu không đúng như vậy, mà đây là một cô bé thật sự chăm chỉ, hiền lành”. Cô Hiệp cũng kể: “Hiện Thảo vẫn hay liên lạc với tôi. Em tâm sự vì muốn giảm bớt chi phí học tập, với số điểm 25,25, ban đầu em đã đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, nhưng đến phút cuối em quyết định nộp hồ sơ vào một trường kinh tế tại TP.HCM. Dù biết khó khăn nhưng Thảo nói em sẽ cố gắng vượt qua”. |