Ông Trần Bá Dương - Ảnh: Đ.Đ.M
|
Nhưng bản thân ông cũng không thể ngờ được, đây chính là cột mốc chấm dứt sự yên ổn mà ông thiết lập gần 20 năm kinh doanh xe hơi, bởi chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm từ khi bước chân sang lĩnh vực này, Công ty Đại Quang Minh (ĐQM) mà ông làm Tổng giám đốc đã gặp không ít tin đồn ác ý. Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Trần Bá Dương xung quanh vấn đề này.
* Bỗng nhiên bị tung đủ thứ thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, theo ông động cơ của việc này là gì?
|
|
|
Trường Hải vẫn đang phát triển rất tốt theo đà hồi phục của kinh tế. Năm nay chúng tôi tiêu thụ 78.000 xe, kế hoạch 2018 sẽ đạt được 100.000 xe và chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì phát triển sản xuất lắp ráp ô tô. Còn với Thủ Thiêm, tôi mong Sala trở thành khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại. Khi hoàn thành, Thủ Thiêm sẽ phát triển như mơ ước của người dân cũng như chính quyền thành phố
|
|
|
Ông Trần Bá Dương
|
|
|
– Theo những bài viết trên mạng mà chúng tôi dẫn về phân tích thì các tin đồn này xuất phát từ động cơ chủ yếu là cạnh tranh không lành mạnh, tập trung vào ĐQM và Khu đô thị Sala. Cạnh tranh trên thị trường bất động sản (BĐS) rất khắc nghiệt. Ví dụ sản xuất, sản phẩm không tốt, có thể ngưng lại để làm sản phẩm mới tốt hơn nhưng BĐS thì vị trí, quy mô… đã cố định. Nếu các lợi thế về vị trí, quy mô, giá… không cạnh tranh được thì sẽ dẫn đến dự án này bán được, dự án kia không bán được trong khi vốn bỏ ra lớn và không thể ngưng lại được. Điều này rất khắc nghiệt với các chủ đầu tư.
* Chứ không phải là do ĐQM là “lính mới” trên thị trường nhưng lại được ưu ái giao cho một dự án có nhiều lợi thế mà doanh nghiệp khác mong muốn?
– Nếu thực sự có ưu ái thì cá nhân tôi, tôi khẳng định sẽ không làm. Bởi kinh doanh chỉ vì được ưu ái không phải là bản chất của kinh doanh và không phải là văn hoá kinh doanh của con người tôi. Thực tế năm 2012 khi chúng tôi đầu tư sang BĐS, đó cũng là thời kỳ khủng hoảng kinh tế VN đang ở giai đoạn trầm trọng, mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng trong đó BĐS là nặng nề nhất. Thủ Thiêm thời gian đó hầm chưa xây dựng xong, mới chỉ có cầu Thủ Thiêm 1. Dự án cầu Thủ Thiêm 2 và 4 tuyến đường chính chưa khởi động. Thực ra những dự án hạ tầng này thành phố đã giao cho các doanh nghiệp nhà nước theo hình thức BT nhưng lúc đó lấy đất mà bán thì rất khó. Nên chúng tôi đề đạt với thành phố một phương án, chúng tôi sẽ đàm phán với các đối tác này để nhận lại hợp đồng BT, đặc biệt là 2 dự án chính: 4 tuyến đường trong nội khu và cầu Thủ Thiêm 2, nối với khu đô thị. Đồng thời chúng tôi cũng chia sẻ và nộp cho ngân sách thành phố hơn 3.200 tỉ đồng tiền mặt.
* Tức là mấu chốt để công ty ông nhận được dự án này là do mạnh về tài chính?
– Đúng. Chúng tôi có 2 cái cam kết. Thứ nhất là chúng tôi nộp một khoản tiền lớn ngay trong thời điểm lãi vay là 25%. Tại thời điểm đó tất cả các công ty BĐS khác đang trong giai đoạn tồn kho nhiều và đối diện với khó khăn nên không ai nhận. Doanh nghiệp nước ngoài cũng “ngán” vì khi đầu tư họ tính rất kỹ. Nếu thị trường đầu ra không có và kinh tế đang xuống thì họ không bao giờ bỏ tiền ra. Ngay cả lãnh đạo thành phố cũng nói với chúng tôi, đầu tư dự án này là mạo hiểm và có tinh thần yêu nước.
* Thực ra, tài chính cũng là dấu hỏi với nhiều người vì khi kinh tế khó khăn thì không chỉ các doanh nghiệp BĐS mà hầu hết cộng đồng doanh nghiệp thời gian đó đều sức tàn lực kiệt. Vậy Thaco lấy đâu một số vốn lớn thế để đổ qua BĐS?
– Vốn của ĐQM là 4.200 tỉ đồng, trong đó Trường Hải chiếm 45%, tương đương khoảng 2.000 tỉ đồng, tất cả chúng tôi nộp đủ. Chúng tôi cũng chưa bao giờ chậm trễ trong việc thanh toán cho các đối tác, đơn vị tham gia xây dựng ĐQM. Còn tiền của Trường Hải thì tôi cũng nói thẳng, vào năm 2012 dù tiêu thụ xe chậm lại do kinh tế đi xuống và có tồn kho linh kiện nhưng vốn đầu tư dài hạn của Trường Hải vay rất ít. Chính vì vậy, chúng tôi đã chuyển vay dài hạn bằng thế chấp các tài sản đầu tư. Khi đó, các ngân hàng cũng rất muốn cho vay nếu các khách hàng khả thi. Và các khoản đầu tư của chúng tôi đến năm 2015 đã không còn vay dài hạn nữa.
Tôi xin nói thêm là tất cả các quyết định của tôi đều được tính toán kỹ lưỡng với 3 mục tiêu là đảm bảo sự an toàn, có chiến lược bền vững nhưng khác biệt và phải có một sự chuẩn bị về năng lực chuyên môn, quản trị, ý chí để thực hiện chiến lược đó. Điều này đã được chứng minh từ năm 2001, khi tôi tham gia sản xuất lắp ráp xe. Khi đó, nhiều người can tôi rằng nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn không sống nổi, sao tôi làm được. Nhưng tôi đã đưa ra một chiến lược thử thách và kiên trì với chiến lược này. Đến năm 2003, tôi ra Chu Lai (Quảng Nam) xây khu liên hiệp sản xuất và lắp ráp xe, người ta nghĩ tôi điên vì nhân lực, hạ tầng… mọi cái ở đây đều thiếu. Nhưng đến giờ này, Trường Hải đã trở thành một công ty hàng đầu tại VN. Năm 2014, chúng tôi đứng đầu thị trường ô tô và người “lật đổ” Toyota ở VN là Trường Hải, một doanh nghiệp Việt. 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi bán gần 33.000 xe nhưng Toyota chỉ bán khoảng 24.000. Đó là một sự bứt phá không hề đơn giản mà chúng tôi đã thành công.
Dự án khu đô thị Sala của Công ty Đại Quang Minh gặp không ít tin đồn ác ý – Ảnh: Đ.Đ.M
* Vậy lý do gì đang là “ông trùm” xe hơi, đến lúc chỉ ngồi thu lợi nhuận ông lại rẽ ngang sang BĐS để phải đối mặt với thị phi như vậy?
– Thực ra, trong chiến lược, mà trước mắt là hội nhập ASEAN, chúng tôi đã xác định Trường Hải phải là tập đoàn đa ngành, nằm trong tốp 50 của ASEAN. Phát triển đa ngành là tất yếu của các tập đoàn cùng với sự phát triển của đất nước. Hyundai, Samsung, Daewoo, Mishubishi… và tất cả các tập đoàn lớn mạnh đều đầu tư đa ngành. Nhưng cái khác của họ với đa ngành ở VN là họ có và giữ một ngành nghề cốt lõi rất mạnh, rồi trong quá trình phát triển, tích luỹ được tài chính, kinh nghiệm… thì mới đầu tư sang các ngành khác. Còn ở VN mà đỉnh điểm là giai đoạn 2005 – 2010 rất nhiều doanh nghiệp “nhảy” sang chứng khoán, BĐS mà bỏ quên cả ngành nghề chính nên dẫn đến bong bóng ở các thị trường này và nhiều doanh nghiệp cũng đã phải trả giá. Theo tôi, muốn đa ngành phải có ngành nghề cốt lõi thì mới phát triển bền vững. Chúng tôi cũng vẫn chọn kinh doanh ô tô là cốt lõi. May mắn là ngành này còn rất nhiều tiềm năng. Với đất nước đang phát triển, nhu cầu xe các loại rất lớn nên dư địa để tăng trưởng của ngành còn rất nhiều, tạo nền tảng vững chắc trong chiến lược trở thành tập đoàn đa ngành của chúng tôi.
* Nhưng nhiều người lại cho là ông đang tìm cứu cánh ở BĐS bởi đến năm 2018 ngành ô tô trong nước nói chung và Thaco nói riêng sẽ khó khăn khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào VN bằng 0%?
– Có nhiều người đã nghĩ như vậy, nhưng tôi khẳng định chúng tôi có một chiến lược rất rõ ràng, cụ thể và đầy tự tin cho hội nhập và cả sau hội nhập. Trường Hải vẫn đang phát triển rất tốt theo đà hồi phục của kinh tế. Năm nay chúng tôi tiêu thụ 78.000 xe, kế hoạch 2018 sẽ đạt được 100.000 xe và chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì phát triển sản xuất lắp ráp ô tô. Còn với Thủ Thiêm, tôi mong Sala trở thành khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại. Khi hoàn thành, Thủ Thiêm sẽ phát triển như mơ ước của người dân cũng như chính quyền thành phố và các công trình này có đóng góp nỗ lực của cá nhân tôi, của ĐQM, một doanh nghiệp 100% vốn VN. Như Trường Hải đã làm được cho ngành ô tô hiện nay.
Mục đích lớn nhất là muốn có dấu ấn
Khi được hỏi về lợi thế của ĐQM, ông Trần Bá Dương nói: “Tôi phải nhắc lại là bước chân qua lĩnh vực BĐS, mục đích lớn nhất của tôi là tôi muốn có dấu ấn, tham gia đóng góp xây dựng khu đô thị và hạ tầng chính yếu của Thủ Thiêm. Vì thế, trong mấy năm đầu chúng tôi chuẩn bị tài chính để đầu tư, xây dựng chứ không nói tới bán hàng. Minh chứng là năm 2012 – 2013 chúng tôi âm thầm xây dựng rất nhiều nhưng phải vào hẳn bên trong Sala mới biết chứ nhìn ngoài không thấy. Tôi đã nói với nhiều người, nếu làm BĐS chỉ để kiếm lời thì tôi không làm. Đã làm thì phải để lại dấu ấn, chí ít là có sự thay đổi cho một cái ngành nghề nào đó tôi mới làm. Đối với thị trường ô tô, chúng tôi có thể hãnh diện là Trường Hải, một doanh nghiệp Việt đã chiếm 37% thị phần. Chúng tôi có ảnh hưởng nhất định khi đưa ra giá bán xe… Đây là một trong những điều tôi thấy tâm đắc và hạnh phúc nhất”.
Trở lại vấn đề BĐS, ông Dương chia sẻ: “Tôi cũng nghiên cứu kỹ và nhận thấy, các vấn đề môi giới, truyền thông, cách tổ chức, bán hàng trên thị trường BĐS cần phải lập lại trật tự, hướng về giá trị thật cho khách hàng. Tôi là người đi theo xu hướng này. Nên chúng tôi không bán hàng khi chưa xây, không bán hàng qua các sàn giao dịch mà tự tổ chức bộ máy bán hàng… Chúng tôi chấp nhận có thể bán chậm, có thể nhiều người không biết chúng tôi, nhưng tôi nghĩ rằng BĐS muốn phát triển bền vững trong thời gian tới, phải quay lại vấn đề căn bản, phải xác định lại triết lý kinh doanh bất di bất dịch. Đó là tạo ra giá trị cho khách hàng, cho xã hội thông qua sản phẩm của mình”.
|