28/11/2024

Học trường làng, điểm thi cao nhất nước

Với kết quả điểm thi khối B đạt 29,25 điểm (toán 10; hóa 10; sinh 9,25), Kiều Quốc Sang, học sinh Trường THPT Ba Gia (Quảng Ngãi), là thí sinh có điểm cao nhất ở Quảng Ngãi và là một trong 4 thí sinh đạt điểm cao nhất nước trong kỳ thi THPT quốc gia.

 

Học trường làng, điểm thi cao nhất nước

 

 

Với kết quả điểm thi khối B đạt 29,25 điểm (toán 10; hóa 10; sinh 9,25), Kiều Quốc Sang, học sinh Trường THPT Ba Gia (Quảng Ngãi), là thí sinh có điểm cao nhất ở Quảng Ngãi và là một trong 4 thí sinh đạt điểm cao nhất nước trong kỳ thi THPT quốc gia.


 

Sau giờ học, Kiều Quốc Sang phụ gia đình chăn bò - Ảnh: Hiển CừSau giờ học, Kiều Quốc Sang phụ gia đình chăn bò – Ảnh: Hiển Cừ
Bị teo cơ từ nhỏ
Nằm lẩn khuất sau con đường đất ngoằn ngoèo, ngôi nhà của Sang ở khu dân cư số 5, thôn Minh Long, xã Tịnh Minh (H.Sơn Tịnh) mấy ngày qua lúc nào cũng ngập tràn niềm vui. Rất đông người thân, bạn bè, thầy cô đến hỏi han, chúc mừng gia đình Sang. Khi nghe người bác trong họ khen: “Thằng Sang nhìn người nó còi thế mà học giỏi dữ hè” thì khuôn mặt của vợ chồng ông Kiều Tấn Sơn và Phạm Thị Hồng Phúc (ba mẹ của Sang) rạng rỡ nụ cười mãn nguyện.
 
 

Sang cho hay, nghề bác sĩ là niềm ao ước từ lâu nên em sẽ nộp hồ sơ vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, với mong mỏi sau khi học sẽ chữa trị bệnh teo cơ cho chính mình cũng như cho những người có cùng cảnh ngộ.

 

 

Ông Sơn cho biết, khi bước vào lớp 1 Sang bỗng dưng bị căn bệnh teo cơ hành hạ, nhưng cuộc sống gia đình quá khó khăn, không có điều kiện để chữa trị hết bệnh nên chân phải của Sang cứ dần teo tóp. “Nhìn con bị tật đi khập khiễng đến trường, vợ chồng tui thương đứt ruột nhưng cái may mắn nhất là thấy sức học của nó rất tốt nên cũng phần nào yên tâm”, ông Sơn thổ lộ. Đến cuối năm lớp 9, dù rất muốn con thi vào trường chuyên của tỉnh để có điều kiện học tập tốt hơn nhưng cũng vì gia cảnh nghèo nên vợ chồng ông Sơn đành để con thi và học tại Trường THPT Ba Gia, cách nhà chừng hơn 3 km.

Suốt 12 năm học ở “trường làng”, năm nào Sang cũng đạt thành tích cao trong học tập và luôn được bạn bè, thầy cô quý mến, thán phục. “Biết năng lực của mình nên khi đi thi em tự tin sẽ đạt kết quả cao, song không hề nghĩ mình là một trong 4 thí sinh có điểm cao nhất nước. Thật bất ngờ và sung sướng vô cùng”, Sang bày tỏ niềm vui.
Theo Sang, học bài nhiều chưa chắc đã đem lại hiệu quả và thành công. Vì thế, mỗi đêm Sang chỉ học bài chừng 2 – 3 tiếng đồng hồ, buổi sáng thức dậy xem lại bài 1 tiếng nữa là đến trường. “Em thấy có bạn cứ vùi đầu học bài rất khuya nên khi đến lớp bị ảnh hưởng rất nhiều. Còn em cứ để cho đầu óc thảnh thơi vì như thế mới tiếp thu tốt bài giảng của thầy cô trên lớp. Muốn học tốt, đạt điểm cao thì điều quan trọng là phải có nghị lực và niềm đam mê”, Sang chia sẻ và cho biết phương pháp học tập mà mình đã áp dụng là ngoài kiến thức từ sách giáo khoa, từ sự truyền thụ của thầy cô thì phải tìm tòi trên internet thật nhiều đề bài toán hay và khó rồi tự mày mò, nghiên cứu cách giải. Nhiều bài khó giải không được thì nhờ bạn bè, thầy cô giúp đỡ hoặc tra cứu đáp án trên internet để rút kinh nghiệm. Học theo cách này sẽ vừa áp dụng được cả lý thuyết lẫn thực hành.
Do điều kiện gia đình chưa sắm nổi máy vi tính nên để tự học trên mạng, Sang phải lặn lội sang nhờ “ké” nhà của bạn bè. “Ở làng quê này, học sinh chỉ học trên lớp, hoặc nhà trường phụ đạo thêm chứ làm gì có chuyện học thêm. Do vậy, mỗi lần đến nhà bạn bè để vào mạng thấy bất tiện lắm, nhưng vì nhà nghèo nên đành chịu, nếu không làm như thế thì làm sao học giỏi, điểm cao được”, Sang bày tỏ.
Rảnh rỗi là đi… chăn bò
Không chỉ là học sinh giỏi, Sang còn là đứa con ngoan, chăm làm. Ngoài giờ học ở trường, thời gian rảnh rỗi Sang còn phụ giúp gia đình chăm sóc mấy con bò và công việc đồng áng. “Thấy ba mẹ cực khổ, lam lũ để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày nên hễ thả quyển vở là thằng Sang ra đồng cắt cỏ, chăn bò. Đôi lúc thấy sức khoẻ nó yếu nên vợ chồng tui khuyên bảo việc đó đã có cha mẹ lo nhưng nó vẫn cứ làm”, ông Sơn nói.
Đến gia đình Sang mới thấu hiểu hết những khó khăn, nhọc nhằn mà cha mẹ em đã chịu đựng suốt bao năm qua. Quanh năm suốt tháng trông chờ vào 2 sào lúa và 2 sào hoa màu nên ngày ngày ông Sơn phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Dù thế, cuộc sống của gia đình vẫn luôn thiếu trước, hụt sau. Năm 2013, ngôi nhà tạm bợ bị lũ tàn phá nên vợ chồng ông Sơn phải vay mượn người thân dựng lại căn nhà mới vài chục mét vuông để ở. “Con thi điểm cao vợ chồng tui vui lắm, nhưng tính qua, tính lại đâm ra lo, không biết có làm ra đủ tiền để chu cấp cho thằng Sang theo học ĐH nữa hay không. Thôi thì lo được đến đâu hay đến đó”, ông Sơn nói.

Hiển Cừ