28/11/2024

Đột kích kho ma tuý 5,5 tấn trong rừng Lào

Để có cuộc đột nhập thành công mỹ mãn này, lực lượng biên phòng Hà Tĩnh và công an nước bạn Lào phải dày công, gian khổ trong nhiều tháng trời.

 

Đột kích kho ma tuý 5,5 tấn trong rừng Lào

 

Để có cuộc đột nhập thành công mỹ mãn này, lực lượng biên phòng Hà Tĩnh và công an nước bạn Lào phải dày công, gian khổ trong nhiều tháng trời.



Các lực lượng chức năng thu giữ một lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay - Ảnh: VŨ TOÀN
Các lực lượng chức năng thu giữ một lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay – Ảnh: VŨ TOÀN

Một trận đánh chỉ diễn ra gần một giờ, không một tiếng súng nhưng thu được một khối lượng “khủng” 5,5 tấn ma tuý, lớn nhất trong các chuyên án ở khu vực Đông Nam Á từ trước tới nay.

Đầu năm 2015, liên tục tin tức của trinh sát ngoại tuyến từ Lào báo về ban trực chiến Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đều nhằm vào “nhân vật nổi cộm” Xa Lam Phun Xi La (47 tuổi, trú tỉnh Nong Khai, Thái Lan).

Lần theo manh mối

Nhân vật này từ Thái Lan sang Lào làm ăn khá kín kẽ, kể cả khi cặp bồ với cô gái Ma La Văn Thom Ma Vong (24 tuổi, trú tỉnh lỵ Bolikhamxay). Cô bồ nhí thường được người tình chỉ đạo đi tìm người thuê đóng than.

Một nguồn tin khác cho hay Xa Lam Phun Xi La không thuê đóng than một nơi cố định thay vì di chuyển nhiều vị trí khác nhau từ tỉnh lỵ vào rừng sâu.

Nguồn tin thứ ba do Trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) nghi vấn khi thấy Xa Lam Phun Xi La thi thoảng lái xe than sang bán tại VN – một loại hàng xuất khẩu không có lợi nhuận cao.

Sau nhiều cuộc trao đổi kín với ban trực chiến, thượng tá Võ Trọng Hải – chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh – khoanh tròn bút màu đậm tại vùng rừng sâu của bản Buavengkham, huyện Paksan, tỉnh Bolikhamxay, nơi Xa Lam Phun Xi La vừa di chuyển đến.

Mãi đến tháng 4, các mũi trinh sát nội, ngoại tuyến phát hiện chính xác những mối quan hệ của nhân vật này với từng người, địa chỉ cụ thể kể cả khi chở than qua cửa khẩu vào đất VN.

Đến khi biết y có quá khứ xấu, liên quan đến một số đối tượng ma tuý ở thủ đô Vientiane thì ban tác chiến phối hợp với Công an tỉnh Bolikhamxay bắt đầu lên kế hoạch lần theo từng hành tung và quyết định đưa y vào “tầm ngắm”.

Trên bản đồ tác chiến, vùng rừng có bản Buavengkham được khoanh tròn thêm hai vòng bút màu đậm.

Trinh sát biên phòng Hà Tĩnh trên đường rừng ém quân - Ảnh: SA TRUNG KIM
Trinh sát biên phòng Hà Tĩnh trên đường rừng ém quân – Ảnh: SA TRUNG KIM

Chân dung trùm ma tuý

Lần lượt chân dung của Xa Lam Phun Xi La được các trinh sát “vẽ” lại, nhất là khi biết nhân vật này chịu trách nhiệm chính trong việc nhận tiền từ nước ngoài để thu gom cần sa của dân bản dọc tuyến biên giới Lào – Việt và tiền chất sản xuất ma tuý tổng hợp.

Đây là thời điểm Xa Lam Phun Xi La thuê một nhà kho cũ chứa nông sản của một ông chủ người Vientiane ở bản Buavengkham để đóng than. Ban tác chiến chỉ đạo soát xét thận trọng chi tiết mới này rồi phối hợp với Công an tỉnh Bolikhamxay bắt đầu vào cuộc.

Thượng tá Võ Trọng Hải – một trong những “khắc tinh” của lực lượng biên phòng đối với các đường dây ma tuý lớn xuyên Việt khu vực biên giới Hà Tĩnh – nghiêm nét mặt chữ điền sạm nắng khi mô tả lại chuyện hàng chục trinh sát ngoại tuyến chia làm bốn mũi bám riết từng dấu vết nhỏ nhất của Xa Lam Phun Xi La.

Anh nói: “Hàng tháng trời lần theo những manh mối làm ăn, sinh sống không đàng hoàng của nó đã mất quá nhiều công sức, giờ tiếp tục “quây” nó thật không đơn giản. Nhưng khi chân dung kẻ xấu dần hiện rõ thì sự “quây” đối tượng này như một thách thức đầy hứng thú của nghề nghiệp. Đây là con thú nậy (lớn) nên dồn sức làm một vụ cho thật nậy luôn”.

Bốn mũi trinh sát ngoại tuyến đều được bổ sung lực lượng vừa giỏi tiếng bản địa vừa vào vai dân bản y chang. Họ trở thành nhiều dạng dân hành nghề thu gom phế liệu, bán đồ nhựa và đi đóng than thuê.

Đồng nghiệp “làm thuê” của họ là những trinh sát của công an Lào cùng trà trộn với dân bản Buavengkham. Hơn hai tháng thâm nhập, các nguồn tin về trùm ma túy Xa Lam Phun Xi La càng hiện rõ và thắt chặt dần.

Thượng tá Hải hé lộ sào huyệt bí mật của đường dây: “Ngoài Xa Lam Phun Xi La còn có một nhóm thanh niên thân cận chuyên hành nghề ở một gian kho riêng biệt trong nhà kho rộng khoảng 800m2. Ngoài khuôn viên nhà kho có một tốp thanh niên khác làm nhiệm vụ canh gác nghiêm ngặt.

Tất cả cận vệ này đều sử dụng vũ khí nóng. Mỗi khi xe bán tải của Xa Lam Phun Xi La hoặc các loại xe tải chở hàng đến đều đi thẳng vào kho rồi có người đóng cửa cẩn thận.

Chúng tôi cùng Công an tỉnh Bolikhamxay bàn phương án xâm nhập kho hàng sào huyệt này nhưng rất nguy hiểm vì ngoài nhóm người thân cận, Xa Lam Phun Xi La tuyệt đối không để một người làm thuê nào vào”.

Tình thế đã đến lúc buộc các trinh sát “người nhái” (toàn thân phủ xanh lá cây) trườn từ vùng rừng sâu, tiếp cận phía sau bức tường gian kho sào huyệt cạy từng viên gạch đủ nghiêng người chui lọt vào trong.

“Đã quyết thì khó mấy cũng phải làm được. Sau khi lọt vô, trinh sát bàng hoàng thấy ngoài than, chè đã đóng sẵn trong hộp cactông là vô số can nhựa trắng loại 24 lít xếp hàng san sát” – thượng tá Hải kể lại.

Công việc đầu tiên là trinh sát chớp (chụp) toàn bộ hình ảnh trong gian kho. Sau đó mở nắp can gấp rút lấy mẫu phẩm.

Đó là loại chất lỏng màu vàng dạng tinh dầu nhưng mùi rất khó chịu. Lấy xong, trinh sát được lệnh lùi ra ngay.

Kết quả giám định tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho biết đây là tiền chất ma túy (safrole) dùng sản xuất ma tuý tổng hợp.

Lúc này Xa Lam Phun Xi La mới lộ nguyên hình một tên trùm đường dây sản xuất ma túy lớn nhất khu vực Đông Nam Á. “Thế là yên tâm về con thú này rồi” – thượng tá Hải thở phào vì thấy được cái đích của cuộc chiến cam go đang chờ phía trước.

Vây bắt

Ngày 18-6, thượng tá Võ Trọng Hải điện mời đại tá Thoong Đeng – giám đốc Công an Bolikhamxay – sang thảo luận để thành lập án chung 466 LV.

Sau đó, họ báo cáo Bộ An ninh Lào, tỉnh Bolikhamxay và Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 4, thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh để xin chủ trương.

Cùng lúc, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Phòng phòng chống ma tuý biên phòng Hà Tĩnh tuyển chọn 20 trinh sát đặc nhiệm để tôi luyện một phép thử mới.

Theo đó, hằng ngày các trinh sát phải tập nằm bất động giữa bụi rậm, không ăn, không uống (chỉ ăn uống ban đêm). Tập trong vòng một tháng có giám sát chặt chẽ. Cuối cùng trong 20 người chọn được ba người.

Ba trinh sát này sẽ là ba “người nhái” tiếp cận vòng một, cách kho hàng 500m. Vòng hai là hàng chục trinh sát biên phòng và công an Lào trong vai dân bản đi làm thuê. Vòng ba, hàng chục trinh sát khác bảo vệ khi có sự cố.

Dự báo trận đánh diễn ra sáng 16-7 khi trùm Xa Lam Phun Xi La đến đưa xe vào kho. Toàn bộ lực lượng tác chiến vào vị trí mai phục lúc 3g ngày 15-7. Nhưng thật không ngờ, tên trùm không có mặt.

Xử lý tình huống này, thượng tá Hải nói: “Hai điện thoại di động luôn nóng ran trong tay. Trận đánh đã cận kề. Các di biến động thay đổi liên tục. Rất may lực lượng ta và bạn đều được huấn luyện cẩn thận nên ai cũng kiên nhẫn chờ thời cơ.

Riêng anh em trinh sát phải nhịn đói, nhịn khát nằm cùng sên vắt qua ngày đến đêm mới được ăn vắt xôi chấm muối hoặc ổ bánh mì nguội”.

Trung tá Nguyễn Văn Giáp – phó Phòng phòng chống ma túy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, người trực tiếp thức ngủ với anh em – nói: “Vào trận, chúng tôi ém quân ban đêm. Từng nhóm nhỏ đi đều có công an Lào dẫn đường. Nếu gặp dân bản trong rừng thì họ lên tiếng.

Súng AK báng gấp giấu trong bao xác rắn gùi sau lưng. Vị trí các tuyến nằm phục cách mục tiêu một khoảng an toàn. Nghĩa là nó không phát hiện mình, nhưng mình phải nhìn thấy nó.

Khổ nỗi trận đánh phải lùi lại một tuần mà tuần đó mưa rơi tầm tã cả ngày lẫn đêm, anh em phải án binh bất động vì một sơ xuất sẽ phá hỏng trận đánh lớn. Sên vắt nhiều đến nỗi bôi thuốc đặc sệt cũng không trụ nổi, rồi không ai để ý chuyện sên vắt cắn nữa.

Ngày nhịn đói chờ đêm mới có tiếp tế. Ăn đêm đó lại nhịn qua hôm sau. Trong cái khổ có cái may là do trời mưa nên dân ít đi rừng và bí mật của cuộc vây bắt được đảm bảo”.

Đúng 14g ngày 23-7, xe bán tải của trùm Xa Lam Phun Xi La đi trước vào kho ngay. Một xe tải đi sau vào kho đổ hàng rồi quay ra. Ba trinh sát “người nhái” phát hiện vóc dáng cao to của tên trùm thì phát tín hiệu.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của bốn mũi đồng loạt đánh thẳng vào kho. Xa Lam Phun Xi La và các đối tượng bị động không kịp phản ứng.

Lực lượng đánh án bắt 11 đối tượng (một người Thái Lan, 10 người Lào) và một kho ma túy gồm 1.998 bánh cần sa gắn nhãn hiệu “con hổ” (tương đương 2 tấn) và 2.880 lít tinh dầu có chứa tiền chất sản xuất ma tuý tổng hợp (tương đương 3,5 tấn).

Thượng tá Hải hé một lời khai ban đầu hết sức nguy hiểm của các nghi can: “Nếu mọi chuyện trót lọt thì số lượng ma tuý này sẽ chuyển qua biên giới sang VN và một số nước châu Âu”.

Khen thưởng

– Sau vụ án, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh gửi thư khen hai lực lượng chuyên án Việt – Lào. Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh tặng bằng khen, thưởng nóng ban chuyên án 200 triệu đồng.

– Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng VN và nước Lào tổ chức sơ kết chuyên án 466 LV, phổ biến kinh nghiệm hợp tác quốc tế, nhất là với các nước có chung đường biên giới Việt – Lào trong đấu tranh với tội phạm ma tuý xuyên quốc gia.

Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đang đề nghị Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba cho tập thể, cá nhân tiêu biểu tham gia thành công chuyên án.

Trùm ma túy Xa Lam Phun Xi La (thứ tư từ phải sang) sau khi bị bắt và tang vật “khủng” của vụ án - Ảnh: SA TRUNG KIM
Trùm ma tuý Xa Lam Phun Xi La (thứ tư từ phải sang) sau khi bị bắt và tang vật “khủng” của vụ án – Ảnh: SA TRUNG KIM

Phá gần 1.000 chuyên án buôn bán ma tuý xuyên Việt

Từ năm 2010 đến nay, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã phá thành công gần 1.000 chuyên án. Nổi bật là vụ Xiêng Pênh (nguyên tử tù trong vụ án Vũ Xuân Trường) thu 39 bánh heroin.

Năm 2014 phá chuyên án 460 LV bắt 4 đối tượng, thu 48 bánh heroin và chuyên án 461 LV 2014 bắt 6 đối tượng, thu 92 bánh heroin. Trong gần 1.000 chuyên án này, chưa một cán bộ, chiến sĩ nào bị thương hoặc hi sinh.

 

SA TRUNG KIM