28/11/2024

Điện gió vụt sáng… rồi tắt

Điện gió VN được đón nhận với nhiều kỳ vọng, nhưng các nhà đầu tư thất vọng bởi giá mua điện thuộc mức thấp nhất thế giới.

 

Điện gió vụt sáng… rồi tắt

 

 

Điện gió VN được đón nhận với nhiều kỳ vọng, nhưng các nhà đầu tư thất vọng bởi giá mua điện thuộc mức thấp nhất thế giới.


Dự án điện gió của REVN ở H.Tuy Phong

Dự án điện gió của REVN ở H.Tuy Phong – Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo thống kê, hiện tỉnh Bình Thuận có 16 dự án (DA) điện gió với tổng công suất khoảng 1.200 MW. Trong đó, DA của Công ty TNHH MTV năng lượng tái tạo VN (REVN) ở H.Tuy Phong và DA của Tập đoàn EVN ở huyện đảo Phú Quý đã đi vào hoạt động.

 
 

Chỉ có Bạc Liêu được hưởng cơ chế riêng

 
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận Bùi Văn Thịnh, hiện nay chỉ có điện gió ở Bạc Liêu được hưởng cơ chế riêng vì là DA ven biển, được bán với giá 9,8 cent/kWh. “Hiện nay, Cơ quan hợp tác quốc tế của Đức GIZ đã trình một biểu giá điện gió mới là 10,4 cent/kWh lên các bộ ngành liên quan, nhưng chưa có phản hồi. Nếu được đồng ý với giá bán như trên, tôi nghĩ các DA điện gió sẽ khởi sắc ngay”, ông Thịnh cho hay.

 

 
Đầu vào cao hơn đầu ra
Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Năng lượng điện – Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Mỗi năm, REVN phát lên điện lưới quốc gia khoảng 250 triệu KWh điện. Ban đầu DA này hoạt động vẫn phải “ghi sổ” vì chưa có cơ chế giá. Nay Chính phủ ban hành giá chính thức 7,8 cent/kWh nên REVN đã được thanh toán”. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thứ, nguyên Tổng giám đốc REVN, cho hay: “Để có được chính sách giá điện gió như hôm nay đã là quý lắm rồi. Nhưng nếu nói có lãi thì chắc chắn là không”. Theo ông Thứ, cái chính là đầu vào (suất đầu tư) quá cao, nhưng đầu ra (giá bán) được ấn định chỉ 7,8 cent/kWh nên không DA nào có lãi.
Một câu chuyện khác về điện gió trên đảo Phú Quý hiện nay, theo ông Dương Tấn Long, lúc thì thừa, lúc lại thiếu. Trên đảo Phú Quý hiện có tới 3 trụ điện gió với công suất 6 MW (ngoài máy phát điện diesel trên đảo 5 MW) nhưng khi không có gió thì máy chạy phát điện bằng dầu vẫn hoạt động hết công suất để có thể cung cấp điện 24 giờ/ngày cho dân. Khi gió yếu, thì cả hai nguồn điện cũng đều phải hoạt động, vì một mình điện gió không đủ công suất cung cấp. “Như vậy, dù có công suất điện gió tới 6 MW trên đảo, nhưng máy chạy dầu vẫn phải hoạt động là vậy”, ông Long lý giải.
Giá bán thấp nhất thế giới
Phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận Bùi Văn Thịnh (đồng thời là nhà đầu tư điện gió) khẳng định: “Khó khăn nhất của các DA điện gió hiện nay vẫn là giá bán. Giá điện gió do Chính phủ quy định hiện nay là giá điện gió thấp nhất thế giới. Chính từ giá đã được quy định như vậy, nên thực tế các nhà đầu tư điện gió không có lãi. Chưa hết, qua thẩm định thấy DA điện gió không hiệu quả, nên không ngân hàng nào chịu cho vay. Ngoài ra, các DA điện gió không được miễn, mà chỉ được giảm tiền thuế sử dụng đất nên đây cũng là nguyên nhân khiến điện gió bị tê liệt”.
Còn theo ông Dương Tấn Long, các DA điện gió không thuộc diện được vay nguồn vốn ODA do là DA của các công ty tư nhân, không được Chính phủ bảo lãnh. Một nguyên nhân nữa, là vướng vào các DA có titan. “Trước đây khó khăn này đã được tỉnh tháo gỡ. Nhưng nay việc quy hoạch vùng về khai thác và thăm dò titan được phê duyệt chính thức. Có những DA điện gió lại vướng vào titan. Mà đã vướng vào “ông” này thì có khi điện gió sẽ bị loại bởi theo luật thì việc khai thác thăm dò khoáng sản được ưu tiên trước”, ông Long cho biết.
“Ở các nước phát triển, đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió được các ngân hàng ưu tiên. Thực ra ở nước ta các ngân hàng nước ngoài rất ủng hộ các DA điện gió nếu biết tiềm năng gió của DA là tốt. Tôi nghĩ nếu chính sách cho đầu ra của điện gió tốt hơn thì sẽ có nhiều ngân hàng đầu tư, vì điện gió giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ít rủi ro hơn các loại năng lượng điện khác”, ông Nguyễn Đức Thứ phân tích.
Khó khăn cấp than cho nhiệt điện phía nam
Hôm qua, trong cuộc trao đổi nhanh với báo chí, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn than – khoáng sản VN (TKV), cho biết hậu quả trận mưa, lũ lớn tại Quảng Ninh vẫn gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này, đặc biệt là việc cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện của TKV và các tập đoàn khác: Tập đoàn điện lực VN (EVN), Tập đoàn dầu khí (PVN)…
Cập nhật về tình hình “cứu” các nhà máy nhiệt điện, ông Biên cho biết đến sáng qua (4.8), tận dụng thời gian mưa lớn đã ngớt, các công ty khai thác than của TKV đã tranh thủ vận chuyển, rót than xuống tàu cho khách hàng. “Lượng than xuất đi trong ngày đạt khoảng 24.000 tấn nhưng cũng chỉ bằng 20% so với thời gian trước khi có đợt mưa lũ”, ông Biên nói. Hiện nay, các đơn vị khai thác vẫn đang tranh thủ sửa chữa đường vận chuyển than ra cảng để tăng lượng than bán cho khách hàng. TKV còn khoảng 2 triệu tấn than đã khai thác có thể bốc xếp ngay để cung cấp cho khách hàng.
Mạnh Quân

Quế Hà