Lợi thế khi tuyển dụng
Cách để trở thành người lao động có chất lượng gia nhập vào Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) là chủ đề “nóng” được sinh viên, chuyên gia bàn luận sôi nổi trong chương trình toạ đàm được tổ chức tại TP.HCM sáng 24.7.
Lợi thế khi tuyển dụng
Cách để trở thành người lao động có chất lượng gia nhập vào Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) là chủ đề “nóng” được sinh viên, chuyên gia bàn luận sôi nổi trong chương trình toạ đàm được tổ chức tại TP.HCM sáng 24.7.
Nói về hội nhập AEC, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng nhiều người hướng tầm nhìn đi rất xa tới các nước Âu Mỹ, mà không biết tìm kiếm cơ hội trong khối kinh tế gần 600 triệu dân này.
Bà Ninh đề xuất lãnh đạo các trường ĐH nên đưa vào chương trình đại cương môn học ASEAN Study. Nếu SV được trải qua các tín chỉ của môn học này thì không chỉ có kiến thức mà còn nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của hội nhập khu vực.
Từ kinh nghiệm bản thân, cựu SV Trường ĐH Quốc tế Vũ Thị Hoài Thương cho biết, rất khó khăn về giao tiếp khi tham gia môi trường làm việc tại Malaysia. Việc giao tiếp trong môi trường thực tế khác rất nhiều so với ngôn ngữ chính thống được học trong trường bởi những tác động văn hoá và phải mất một thời gian để có thể thích nghi với đồng nghiệp.
Từ góc nhìn của SV năm nhất, Lê Ngọc Thuỳ Trang, Trường ĐH Quốc tế lo lắng: “Để hội nhập, mình dự định sẽ học thêm tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật bên cạnh học tiếng Anh”.
Tuy nhiên, bà Ninh cho rằng tại sao không có SV nào có suy nghĩ rằng tiếng Anh đã phổ biến nên cần học thêm tiếng Thái để tạo ra sự khác biệt?. “Nếu có thêm một ngôn ngữ của các nước trong khu vực, SV sẽ có lợi thế lớn trong thị trường lao động rất cạnh tranh của khu vực trong thời gian tới”, bà Ninh nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, nhiều đại diện doanh nghiệp đã nêu ra yêu cầu tuyển dụng từ các tập đoàn đa quốc gia và môi trường làm việc đa văn hóa.
Theo ông Tôn Thất Anh Vũ, Giám đốc quản lý nguồn nhân lực Ngân hàng HSBC, thực tập tại các tập đoàn đa quốc gia là sự cạnh tranh rất lớn không chỉ với SV trong nước mà còn nhiều SV đang học tập tại nước ngoài. Vì vậy, SV cần có sự hoạch định rất sớm về thời gian, thực tế nhiều SV nước ngoài chuẩn bị xin thực tập từ trước đó 4 – 5 tháng.
Cũng theo ông Vũ, để hội nhập, điều đầu tiên cần phải giỏi là tiếng Anh. Ông Vũ nhấn mạnh: “Giỏi tiếng Anh ở đây là có đủ khả năng giải thích điều mình mong muốn, nói và viết thông thạo. Còn về kỹ năng, SV cần tập trung vào các kỹ năng mà khi di chuyển từ công ty này qua công ty khác, từ nước này qua nước khác đều có thể sử dụng được”.
Về điểm này, bà Ninh chia sẻ câu chuyện về mình: “Tôi chưa học 1 ngày về quan hệ quốc tế và ngoại giao nhưng khi cơ hội đến thì mất không nhiều thời gian để thích nghi với công việc. Từ đây có thể thấy, cái cần là nhà trường phải trang bị cho SV khả năng thích nghi và SV phải tự trang bị những thứ mình cần khi có sự thay đổi của môi trường”.
Câu chuyện thật của người tuyển dụng, bà Văn Thị Anh Thư, Phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách nhân sự Suntory Pesico VN nhìn nhận: “Có những SV không vượt qua mục tiêu nghề nghiệp đã đặt ra từ đầu, nên khiến nhà tuyển dụng rất băn khoăn. Chẳng hạn, một SV cho biết yêu thích ngành marketing nhờ xem quảng cáo từ nhỏ, nhưng khi được hỏi mẩu quảng cáo thích nhất gần đây thì SV trả lời đã 3 năm nay không xem quảng cáo vì bận học. Vì vậy, nếu đã yêu thích một công việc thì phải đầu tư mọi tâm huyết cho niềm đam mê đó, thì sẽ giỏi và có lợi thế cạnh tranh khi tuyển dụng”.
Bà Thư nói thêm: “Gần đây, khả năng học hỏi là một tiêu chí mới và rất quan trọng đang được các doanh nghiệp tìm kiếm khi tuyển dụng ứng viên vào vị trí lãnh đạo”.
Ý kiến
Mình nghĩ, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì chìa khoá để tham gia hội nhập vào thị trường lao động quốc tế là ngoại ngữ. Vì vậy bên cạnh tiếng Anh, mình đã theo học thêm ngoại ngữ thứ hai là tiếng Nhật. Ngoài ra, việc hiểu rõ về văn hoá các nước cũng cần thiết để hoà nhập vào môi trường làm việc sau này.
NGUYỄN ĐÌNH HIỆU (SV Trường ĐH Mở TP.HCM)
Trường mình đã tuyên truyền khá nhiều về việc VN sẽ gia nhập vào Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Điều quan trọng mình nghĩ là SV cần có tâm thế chủ động để đón nhận và chuẩn bị. Nếu chỉ học tốt về điểm số thôi chắc chưa đủ để cạnh tranh.
LẠI THỊ THANH HUYỀN (SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Ngay năm nhất mình đã đăng ký theo học các khoá ngắn hạn về PR tại một doanh nghiệp. Tuy nhiên, công việc này còn đòi hỏi kiến thức về thiết kế để chăm sóc các sản phẩm truyền thông, vì vậy mình sẽ đi học một khoá cơ bản về thiết kế.
LÊ NGỌC THUỲ TRANG (SV Trường ĐH Quốc tế TP.HCM)
|
Hà Ánh