Dù đường chữ U có giá trị ước lệ ra sao, dư luận quốc tế vẫn muốn Trung Quốc công khai quan điểm về vị trí chính xác cũng như quy chế pháp lý của vùng nước bên trong đường chữ U.
Tuy nhiên, công bố của học giả Trung Quốc thể hiện sự lộn xộn và thiếu nhất quán về pháp lý. Việc sử dụng thuật ngữ “biên giới trên biển” hàm nghĩa Trung Quốc có thể đòi hỏi chủ quyền với vùng biển đó giống như lãnh thổ trên đất liền. Tuy nhiên, trong bài báo, các tác giả cho rằng các tàu thuyền có thể “qua lại vô hại ở khu vực này”, hàm ý họ coi khu vực này như là “lãnh hải” của Trung Quốc. Bối rối hơn, trả lời phỏng vấn báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các tác giả lại cho rằng Trung Quốc có quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển, còn các nước khác có quyền “tự do đi lại”, hàm ý vùng nước này có giá trị như “Vùng đặc quyền kinh tế” theo định nghĩa của UNCLOS 1982.
Tất cả các lập luận của Trung Quốc cho đến nay để bảo vệ yêu sách trên đều không có cơ sở pháp lý vững chắc. Dù là đường chữ U được cho là gì và ở đâu, tất cả các diễn giải trên đều không phù hợp luật pháp quốc tế. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã khẳng định yêu sách lịch sử trong phạm vi đường lưỡi bò là trái với UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên. Tiến sĩ Ian J.Storey, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng nếu Trung Quốc chính thức công bố cái gọi là “đường biên giới chữ U nét liền trên Biển Đông” như trong đề xuất của nhóm nghiên cứu này thì sẽ được coi là sự bác bỏ hoàn toàn đối với phán quyết của Tòa Trọng tài vào tháng 7.2016.
“Hỏa mù” và hệ lụy
Câu hỏi lớn nhất là tại sao các học giả và báo chí Trung Quốc lại đưa ra công bố “phát hiện vĩ đại” của họ vào thời điểm này? Mục đích của họ là gì? Sau vụ kiện Philippines -Trung Quốc trên Biển Đông, Trung Quốc một mặt ra sức công kích các thẩm phán và tỏ vẻ “phớt lờ” phán quyết, mặt khác, tìm mọi cách, trong đó có cả việc sử dụng “các nhà khoa học” để tìm cách chứng minh cho yêu sách đã bị phán quyết bác bỏ. Trên thực địa, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quân sự hoá và gia tăng xâm nhập vào vùng biển của các quốc gia khác nhưng âm thầm, lặng lẽ hơn.
Xâu chuỗi các diễn tiến và sự kiện cho thấy phán quyết của Tòa Trọng tài là một trong những trở ngại lớn của Trung Quốc trên con đường tìm cách độc chiếm Biển Đông. Dư luận quốc tế mạnh mẽ buộc Trung Quốc phải chấp nhận cách tiếp cận “thử đẩy” hơn là “quyết đoán” như trước. Việc sử dụng kênh “học giả” để tìm cách “lật lại” quyết định của Toà Trọng tài cho thấy Trung Quốc vẫn tìm cách “hà hơi thổi ngạt” cho đường lưỡi bò phi pháp.
Cũng có nhận định cho rằng đây chỉ là chiêu tung hỏa mù của Trung Quốc giống như các động thái trước. Tháng 9.2017, Trung Quốc cũng đã thử tung ra khái niệm “Tứ Sa” nhằm thăm dò dư luận quốc tế nhưng đã nhận được sự phản đối mạnh mẽ. Hiện nay, Trung Quốc dường như lại đang sử dụng con bài “học giả” để tiếp tục thử chiếc “bình mới” mang tên “bản đồ năm 1951” nhưng thực chất bên trong vẫn chỉ là “rượu cũ” như những gì mà họ từng yêu sách.
Điều đang lo ngại là Trung Quốc có thể trở thành nạn nhân của trí tưởng tượng của chính họ, từ đó có các hành động gây tổn hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực. Về góc độ nội bộ, Trung Quốc có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên để “trang trải” với dư luận trong nước sau thất bại tại Toà Trọng tài. Nhưng một ngày nào đó, Trung Quốc có thể ngộ nhận cái họ nguỵ tạo chi phối tư duy và hành động. Theo đó, có nhận định cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy và chính thức hoá yêu sách đường chữ U liền nét, các nước khác sẽ không còn cách nào khác phải viện đến các công cụ pháp lý để kiện Trung Quốc.
Dưới sự tài trợ và ủng hộ của chính phủ Trung Quốc, các học giả có lẽ sẽ tiếp tục cần mẫn tìm kiếm và ngụy tạo các chứng cứ lịch sử trên danh nghĩa khoa học. Tấm bản đồ năm 1951 không phải lần đầu và cũng có lẽ không phải là điểm chấm hết cho cả một tiến trình đã bắt đầu từ rất lâu. Nếu tiếp tục cố chấp như thế, Trung Quốc sẽ tiếp tục lúng túng và bế tắc, càng cố càng sai, càng giải thích càng đi sâu vào ngõ cụt. Đường chữ U không mang lại chủ quyền và hữu hảo mà chỉ mang lại cho Trung Quốc sự bất mãn của láng giềng và sự ghẻ lạnh của thế giới.
Dù Trung Quốc có cố gắng đến đâu cũng không thể phản bác được các bằng chứng lịch sử thể hiện chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nước biển có thể động nhưng không thể thay đổi sự thật lịch sử rằng Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để cưỡng đoạt Hoàng Sa năm 1974 và một số thực thể ở Trường Sa của VN năm 1988. Dù Trung Quốc có “phát hiện” thêm nhiều di vật lịch sử cũng không thể bác bỏ được chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia khác với vùng biển lân cận theo quy định của UNCLOS 1982. Dù Trung Quốc có thể mạnh, nhưng cũng không thể bẻ cong được luật pháp quốc tế và không thể mua chuộc được dư luận quốc tế.
HOÀNG LAN