28/11/2024

IS kiếm bộn tiền từ cổ vật

Lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) không phá huỷ toàn bộ số cổ vật cướp được như cách họ tuyên truyền.

 

IS kiếm bộn tiền từ cổ vật

 

Lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) không phá huỷ toàn bộ số cổ vật cướp được như cách họ tuyên truyền.  


Những chiến lợi phẩm quý giá này đang được cho là nguồn thu tài chính lớn thứ hai của họ.

Hình ảnh tuyên truyền của IS về việc phá hủy cổ vật tại Palmyra (Syria) - Ảnh: AFP
Hình ảnh tuyên truyền của IS về việc phá hủy cổ vật tại Palmyra (Syria) – Ảnh: AFP

Chuyên gia khảo cổ học Mark Altaweel, làm việc tại Viện Khảo cổ học, Đại học London, cho rằng có rất nhiều kênh để các lực lượng IS tuồn cổ vật ra khỏi Iraq và Syria. Điểm đến là các nước châu Âu rồi từ đó đi ra khắp thế giới.

Trao đổi với Cơ quan thông tấn Deutsche Welle (Đức), chuyên gia Mark Altaweel nhận định: “Chắc chắn là cổ vật đang được vận chuyển với số lượng khá lớn, có thể tới châu Âu cũng như Bắc Mỹ, thậm chí cả ở Nhật Bản”.

Cổ vật đã xuất hiện ở châu Âu

Theo chuyên gia khảo cổ, hai thị trường chính tiêu thụ cổ vật do IS cướp đi là Anh (ở London) và Đức. Đã có báo cáo cho biết ở Ý cũng xuất hiện những cổ vật của Iraq và Syria. Khu vực Bắc Mỹ, nhất là Mỹ, cũng trở thành thị trường cổ vật hàng đầu IS nhắm tới.

Tuy nhiên, cũng như việc giới chuyên gia chưa thể nắm bắt được sự vận hành của mạng lưới giao dịch, tới nay họ cũng chưa thể nắm được thông tin toàn diện và chính xác về việc các cổ vật đã được tuồn đi những đâu.

Giới chuyên gia cũng không loại trừ khả năng ngoài việc là thị trường tiềm năng, Thụy Điển còn trở thành điểm trung chuyển của nhiều cổ vật bị IS cướp bán vì giữa các cộng đồng ở Trung Đông và Thuỵ Điển có rất nhiều liên hệ.

Thời gian qua cảnh sát Thuỵ Điển cũng đang điều tra xem có tình trạng cổ vật Trung Đông bị tuồn bán vào quốc gia này không. Họ nghi ngờ lực lượng phiến quân hồi hương từ Syria có thể mang theo các vật quý cướp được.

Thêm nữa, một khi cổ vật đã được tuồn vào khu vực Liên minh châu Âu (EU), chúng được vận chuyển giữa các nước trong khối dễ dàng do đặc thù kết nối đường bộ. Giới buôn cổ vật thường khai thác mạng xã hội kiểu như WhatsApp và nhiều ứng dụng công nghệ khác trong các giao dịch kiểu này.

Tuy nhiên, hai thị trường chính đang diễn ra nhiều giao dịch liên quan tới cổ vật Syria vẫn là Đức và Anh. Ở Đức có những cộng đồng người nước ngoài và có nhu cầu mua bán cổ vật. Nước Anh lâu nay vẫn luôn là thị trường cổ vật lớn của thế giới nên chuyện cổ vật chiếm đoạt từ Syria có mặt tại đây cũng chẳng là chuyện lạ.

Khó khăn trong việc giải quyết tình trạng chảy máu cổ vật Syria và Iraq ở chỗ lực lượng chức năng không thể kiểm soát được về mặt quy mô. Nếu cổ vật được phát hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc xung quanh biên giới Syria hay thậm chí ở Libăng, dù sao vẫn còn dễ thu hồi.

Nhưng một khi chúng đã vượt qua biên giới các nước thì khó có thể lần theo dấu vết vì khi đó việc giấu giếm chúng dễ hơn rất nhiều.

Giá trị 
hàng trăm ngàn USD

Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên Hiệp Quốc (UNESCO) từng nói IS đã và đang cướp bóc cổ vật tại các di tích cổ xưa trên “quy mô công nghiệp” để bán cho giới trung gian và tăng thu tiền mặt.

Một số chuyên gia ước tính dòng tiền này có thể chiếm vị trí thứ hai của Nhà nước Hồi giáo, sau dầu mỏ. Mặc dù chưa thể xác định nhận định này nhưng rõ ràng dòng tiền từ cổ vật có vị trí quan trọng trong việc duy trì ngân sách hoạt động của IS.

Vài tuần trước, binh sĩ Mỹ đã mở cuộc truy quét một khu căn cứ IS ở Syria và tìm được rất nhiều cổ vật, sau đó đã được trả về cho Iraq. Điều đó cho thấy rõ đây là phương diện tài chính rất quan trọng của tổ chức khủng bố.

Nếu nhìn vào quy mô các cuộc phá hoại của IS và số cổ vật bị cướp đi, có thể hình dung ra mức lợi nhuận khổng lồ từ việc đem bán chúng. Chuyên gia Mark Altaweel nói ông từng trò chuyện với những người đang ở Thổ Nhĩ Kỳ và họ bảo rằng một cái đầu bức tượng cổ đẹp thôi đã có giá lên tới 250.000 USD.

Không chỉ trộm cắp, cướp bóc cổ vật, IS cũng tổ chức thuê người đào bới trái phép các khu lăng mộ cổ để tìm kiếm thêm các món đồ giá trị.

Hai cách ngăn chặn

Theo chuyên gia Mark Altaweel, có hai cách có thể góp phần hạn chế tình trạng giao dịch cổ vật của Iraq và Syria. Thứ nhất là kêu gọi người sưu tập tẩy chay các cổ vật “đẫm máu người” này và thứ hai, những nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Libăng cần nghiêm cấm tiếp nhận các cổ vật này tại biên giới nước họ.

 

D.KIM THOA