Lưu ý khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển
Sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia năm 2015, các hội đồng thi do trường ĐH chủ trì sẽ gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đã đăng ký dự thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ trước ngày 30-7.
Lưu ý khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển
Sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia năm 2015, các hội đồng thi do trường ĐH chủ trì sẽ gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đã đăng ký dự thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ trước ngày 30-7.
Thu thập thông tin đầy đủ, bình tĩnh và không vội vã, đó là lời khuyên mà các chuyên gia dành cho thí sinh khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký xét tuyển.
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Ảnh Như Hùng |
* TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM):
Năm điểm cần biết khi đăng ký xét tuyển
1) Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều đổi mới, trong đó thay đổi lớn nhất là tách khâu thi và khâu tuyển. Khác với những năm trước, thí sinh biết điểm trước khi đăng ký xét tuyển (xem như ván bài lật ngửa). Trong những ngày sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phổ điểm để thí sinh tham khảo và tự lượng sức mình.
2) Năm nay không chỉ xét tuyển theo các khối thi truyền thống mà còn xét tuyển theo rất nhiều tổ hợp môn. Hiện nay hầu hết các ngành đều xét tuyển từ 2-4 tổ hợp, rất ít ngành chỉ xét tuyển một tổ hợp. Do vậy thí sinh cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ hợp các môn xét tuyển của ngành mà mình dự định đăng ký xét tuyển.
3) Với các thí sinh dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, mỗi thí sinh được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi, nhưng đừng nhầm tưởng là được sử dụng cùng một lúc. Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (từ ngày 1 đến 20-8), thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, và trong đợt này thí sinh được đăng ký bốn ngành của cùng một trường. Chiến lược chọn ngành đăng ký phải ưu tiên cho tổ hợp các môn thi phù hợp với ngành đăng ký với mức điểm cao nhất.
4) Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, tuy được phép rút hồ sơ từ trường này để nộp qua trường khác khi cảm thấy nguy cơ bị rớt, nhưng không vì thế mà thí sinh nộp vội vã, không cân nhắc. Vì đối với các thí sinh ở xa, việc rút hồ sơ từ trường này chuyển sang trường khác không phải có thể thực hiện dễ dàng trong một thời gian ngắn 1-2 ngày. Phải thường xuyên theo dõi thông tin xét tuyển được công bố công khai trên website của nhà trường để kịp thời điều chỉnh khi thật sự cần thiết và dự đoán được hiệu quả.
5) Phải thu thập thông tin về ngành mình muốn đăng ký xét tuyển (tổ hợp các môn xét tuyển, điểm chuẩn trúng tuyển những năm trước đây, chỉ tiêu tuyển, ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển…) thật đầy đủ, không vội vã, sao cho cơ hội trúng tuyển theo nguyện vọng 1 là cao nhất. Vì thường khoảng 70% tổng chỉ tiêu đã được dành cho xét tuyển nguyện vọng 1, thậm chí đối với các trường lớn, các ngành thu hút thí sinh thì tỉ lệ này có thể là 100% (không xét tuyển nguyện vọng bổ sung).
TS Lê Chí Thông – Ảnh Như Hùng |
* TS LÊ CHÍ THÔNG (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM):
Không nhất thiết phải ghi đủ bốn nguyện vọng
Theo quy định, thí sinh chỉ được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký vào một trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Thực tế, nhiều thí sinh đang hiểu quy định này theo cách sau: nguyện vọng 1 là ngành thí sinh ưu tiên lựa chọn, ba nguyện vọng còn lại chỉ đăng ký dự phòng. Thí sinh cần lưu ý: các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau.
Nếu thí sinh đăng ký vào ngành mình không mong muốn, nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Ví dụ: thí sinh mong muốn vào ngành điện (nguyện vọng 1), nguyện vọng thứ 2 vào ngành hoá, nhưng kết quả lại trúng tuyển nguyện vọng thứ 2 vào ngành hoá, thí sinh buộc phải học ngành này. Nếu phải học ngành mình không yêu thích thì sẽ rất khó học và không thể học tốt được. Vì vậy, thí sinh không nhất thiết phải ghi đủ bốn nguyện vọng.
Năm nay, “tỉ lệ chọi” không đóng vai trò quan trọng đối với thí sinh như mọi năm. Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.
Thí sinh có thể biết được thứ hạng của mình bằng cách theo dõi thông tin trên website các trường để quyết định việc nộp hay rút hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Thí sinh yêu thích ngành nào cần cân nhắc kỹ mức điểm của mình và thường xuyên theo dõi thứ hạng. Nếu thứ hạng nằm ở phía trên thì yên tâm, còn nếu thứ hạng ở phía dưới thì phải rút hồ sơ ra để nộp sang trường khác.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Ảnh N. Khánh |
* PGS.TS HOÀNG MINH SƠN (phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội):
Nên nhất quán trong sự lựa chọn của mình
Với những điểm mới của kỳ thi năm nay thì thí sinh sẽ cần phải cân nhắc thận trọng, nhưng tôi nghĩ các em không nên đứng núi này trông núi nọ. Hôm nay muốn đăng ký ngành này nhưng mai thấy ngành kia “có vẻ hay hơn, dễ đậu hơn” lại rút hồ sơ thay đổi, như thế chưa chắc đã có hiệu quả.
Các em nên kiên định bám sát những ngành mình đã tìm hiểu, yêu thích và có định hướng lựa chọn từ trước, để chờ đợi xem điều kiện xét tuyển liệu có thích hợp với kết quả thi của mình không. Các em chỉ nên rút hồ sơ khi thấy cơ hội trúng tuyển không rõ rệt hoặc không có hi vọng.
Từ thông tin về chấm thi ở các cụm thi thì thấy phổ điểm năm nay tập trung nhiều ở quãng giữa, 5-7 điểm, nên có thể điểm chuẩn nói chung của các trường sẽ cao hơn một chút. Nhưng điểm của các trường tốp trên có thể sẽ không cao hơn năm trước vì tỉ lệ điểm khá, giỏi không nhiều.
Thí sinh vẫn có thể tham khảo điểm chuẩn của các trường năm trước, coi như một kênh để cân nhắc lựa chọn đăng ký xét tuyển. Nhưng các em nên chờ công bố điểm thi xong và có sự so sánh chênh lệch giữa các ngành đào tạo, theo dõi biến động của việc đăng ký xét tuyển được các trường cập nhật thường xuyên để có sự lựa chọn đúng đắn nhất cho mình.
* PGS-TS TRẦN VĂN NGHĨA (phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD-ĐT): Căn cứ vào điểm thi của mình để lựa chọn xét tuyển Một quy luật chung là những trường có uy tín, trong nhiều năm điểm trúng tuyển của những trường đó luôn ở mức cao; những trường tốp giữa điểm luôn ở mức trung bình, và những trường tốp dưới điểm trúng tuyển luôn ở mức sàn. Như vậy, thí sinh phải căn cứ vào điểm thi của mình, phổ điểm toàn quốc và điểm trúng tuyển vào các trường những năm trước để dự đoán mức điểm trúng tuyển của các trường, các ngành để đăng ký. Việc xác định hợp lý hệ số an toàn sẽ giảm rủi ro khi chọn ngành. Thêm vào đó các em có thể chọn thêm một số ngành thấp hơn để đảm bảo an toàn cho mình khi không may ngành thứ nhất điểm quá cao. Với phương thức tuyển sinh mới, thí sinh vẫn phải chọn trường phù hợp (để không phải rút hồ sơ), tuy nhiên khác trước kia là các em đã biết điểm thi và có cơ sở tốt hơn để chọn trường. Thêm vào đó nếu chọn sai, các em còn ba ngành khác để dự trữ, và cuối cùng mới dùng đến giải pháp cuối cùng là rút hồ sơ. |
Từ 1-8 nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 Theo Bộ GD-ĐT, trước ngày 1-8 Bộ GD-ĐT sẽ xử lý xong dữ liệu để công bố tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Căn cứ vào đó, các trường ĐH-CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1-8 đến hết 20-8. Đến trước 25-8, các trường ĐH-CĐ công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1. Từ ngày 25-8 đến hết ngày 15-9, các trường ĐH-CĐ sẽ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung của thí sinh. Trước ngày 20-9, các trường công bố kết quả trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1. Từ ngày 20-9 đến hết ngày 5-10, các trường nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2. Trước ngày 10-10, các trường công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2. Đợt 3 xét tuyển bổ sung sẽ nhận hồ sơ từ ngày 10-10 đến hết 25-10, và thông báo kết quả trước 31-10. Đợt 4 nhận hồ sơ từ 31-10 đến hết 15-11 và thông báo kết quả trước ngày 20-11. Chậm nhất là ngày 31-12, các trường ĐH-CĐ phải báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2015 về Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT.(Nguồn Bộ GD-ĐT) |