Cần sòng phẳng với doanh nghiệp
Trong khi doanh nghiệp nợ thuế có thể bị phong toả tài khoản và thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng, việc xử lý trách nhiệm với cơ quan thuế lại chưa rõ ràng.
Cần sòng phẳng với doanh nghiệp
Trong khi doanh nghiệp nợ thuế có thể bị phong toả tài khoản và thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng, việc xử lý trách nhiệm với cơ quan thuế lại chưa rõ ràng.
Theo Cục Hải quan Nghệ An, Công ty cổ phần sữa TH đã nộp toàn bộ số tiền nợ thuế vào sáng 17-7 nên công ty này đã được giải toả cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan – Ảnh: Doãn Hoà |
Bộ Tài chính vừa có công văn thúc cơ quan thuế các địa phương xử lý nghiêm hàng trăm doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế. Ngoài việc công khai danh tính các doanh nghiệp nợ thuế, các cục thuế để xảy ra tình trạng nợ thuế kéo dài cũng bị bêu tên.
Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp nợ thuế có thể bị phong toả tài khoản và thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng, việc xử lý trách nhiệm với cơ quan thuế lại chưa rõ ràng.
Theo Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế của 600 doanh nghiệp tính đến ngày 30-6 lên đến trên 12.600 tỉ đồng. Trong danh sách 63 cục thuế địa phương, Hà Nội đứng đầu với số tiền nợ thuế gần 4.700 tỉ đồng. Tiếp đến là TP.HCM với hơn 3.500 tỉ đồng…
Trong một chính sách thuế chung, việc một số doanh nghiệp không nộp thuế mà không bị xử lý mạnh, để dây dưa kéo dài, ở khía cạnh nào đó đã tạo sự không công bằng cho các doanh nghiệp khác.
Mặc dù trách nhiệm chính ở doanh nghiệp nhưng việc để có những khoản nợ lớn kéo dài, theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, chắc chắn có trách nhiệm của các cục thuế địa phương do chưa thực hiện nghiêm túc quy định.
Bởi Luật quản lý thuế nêu rất rõ doanh nghiệp có khoản nợ quá 121 ngày phải bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp đình chỉ hoá đơn và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, thời gian qua số doanh nghiệp bị đình chỉ hoá đơn, công khai lại… không nhiều. Đây là lý do Bộ Tài chính lần này quyết tâm công khai tại trang web của bộ.
“Không thể để người xấu như người tốt được. Thêm nữa, động thái này đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh chứ không phải vì nhiệm vụ thu ngân sách” – một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính khẳng định.
Việc bêu tên và phong toả tài khoản, đình chỉ hoá đơn đối với 600 doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế là cần thiết, đã là quy định thì phải chấp hành. Tuy nhiên đây sẽ là khó khăn lớn, thậm chí có doanh nghiệp sẽ “chết lâm sàng” nếu bị cưỡng chế bằng biện pháp đình chỉ hóa đơn.
Người hiểu doanh nghiệp nhất không ai khác là cơ quan thuế. Bởi cơ quan thuế mới biết doanh nghiệp khó khăn thật hay giả, chỉ cần đối chiếu hóa đơn bán hàng.
Vì thế bên cạnh chế tài, nên chăng cơ quan quản lý cần có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp khó khăn tạm thời. Thực tế, nhiều doanh nghiệp không có tiền nộp thuế vì bị ngân hàng thu hồi tiền gốc và lãi vay khi tiền vừa về tài khoản.
Nên để nuôi dưỡng nguồn thu, cơ quan thuế cần cương quyết với các doanh nghiệp cố tình trốn tránh không nộp thuế, song cũng cần có giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp đang có khó khăn mang tính ngắn hạn, tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp được tồn tại, nộp thuế.
Đặc biệt, cũng cần công bằng hơn, “bình thường hoá” mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Doanh nghiệp chậm nộp thuế thì bị phạt, chế tài nhưng hiện tại có nhiều doanh nghiệp phát… khóc vì bị Nhà nước chậm hoàn thuế.
Doanh nghiệp chậm nộp thuế bị tính tiền lãi chậm nộp từng ngày. Thế nhưng cơ quan thuế chậm trả tiền hoàn thuế lại không bị xử lý gì, ít nhất là bêu tên cũng chưa thấy.
Vì vậy, công khai minh bạch doanh nghiệp nợ thuế cũng nên công khai cả những cục thuế nợ tiền hoàn thuế của doanh nghiệp. Bởi đó là vốn, là cơ hội kinh doanh, là khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, cũng là việc làm của người dân…
Bộ Tài chính lần này tỏ rõ quyết tâm với các doanh nghiệp nợ thuế thì cũng cần mạnh tay công khai hơn với các chi cục thuế có trách nhiệm trong việc để doanh nghiệp chây ỳ mà không có giải pháp…