Ấn Độ, Nhật Bản: Tận dụng từng tia nắng, từng mét đất
Để giải quyết vấn đề điện và nước, Ấn Độ và Nhật Bản có sáng kiến khai thác điện mặt trời một cách hiệu quả, bền vững.
Ấn Độ, Nhật Bản: Tận dụng từng tia nắng, từng mét đất
Để giải quyết vấn đề điện và nước, Ấn Độ và Nhật Bản có sáng kiến khai thác điện mặt trời một cách hiệu quả, bền vững.
Đoạn kênh đã được che phủ các tấm thu điện mặt trời tại bang Gujarat của Ấn Độ – Ảnh: AFP |
Với hàng ngàn kilômet kênh đào, vấn đề bay hơi nước gây cạn kiệt hệ thống tưới tiêu và sinh hoạt trở thành mối quan tâm bức thiết lâu nay của Chính phủ Ấn Độ. Không chỉ thế, tại nhiều khu vực của quốc gia Nam Á, thiếu điện vẫn đang là “chuyện thường ngày ở huyện”, chưa tìm được giải pháp phù hợp, bền vững.
Che phủ 19.000km kênh đào
Nhằm giải quyết tình trạng điện và nước với tầm nhìn lâu dài, chính quyền New Delhi đã triển khai dự án khai thác điện từ năng lượng mặt trời (điện mặt trời) tại bang Gujarat.
Dự án này là kết quả hợp tác giữa chính phủ và Công ty SunEdison India (thuộc Tập đoàn năng lượng Mỹ SunEdison). Theo đó, họ sẽ đặt các tấm thu năng lượng mặt trời che phủ lên hơn 19.000km chiều dài kênh đào ở bang Gujarat.
Theo kế hoạch, khi toàn bộ dự án hoàn thành, Ấn Độ chắc chắn sẽ tạo ra nguồn điện năng đủ lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng của đông đảo người dân.
Không chỉ tạo ra nguồn điện, các tấm thu điện mặt trời còn góp phần quan trọng trong việc giảm bốc hơi nước tại các dòng kênh. Khi dự án hoàn thành, dự kiến Ấn Độ tiết kiệm được khoảng 90 triệu lít nước không bị bốc hơi dưới nắng.
Tuy nhiên ngay tại thời điểm này, dự án mới đang trong giai đoạn thí điểm với 750m kênh đào đã được lắp đặt tấm thu, sản xuất 1 MW điện.
Mô hình dự án điện mặt trời trên sân golf của Tập đoàn Kyocera – Ảnh: Kyocera |
Tận dụng các sân golf bỏ trống
Tuần trước, Tập đoàn Kyocera (Nhật) vừa công bố chương trình khai thác, tận dụng một sân golf không còn hoạt động thành nhà máy sản xuất điện mặt trời 23 MW ở Kyoto.
Theo báo Independent, sau khi hoàn tất việc lắp đặt và đi vào hoạt động (dự kiến tháng 9-2017), nhà máy điện mặt trời này sẽ tạo ra hơn 26.000 MW mỗi năm, đủ dùng cho 8.100 hộ gia đình.
Tuy nhiên Tập đoàn Kyocera không dừng ở sân golf đầu tiên. Theo báo QZ, vào cuối tháng 5 vừa qua, tập đoàn này công bố một dự án thậm chí còn lớn hơn dự án đầu tiên sẽ triển khai xây dựng trong năm tới tại tỉnh Kagoshima.
Lần này, nhà máy điện mặt trời được xây dựng trên khu đất vốn được quy hoạch làm sân golf từ 30 năm trước nhưng rốt cuộc sau đó bị cấm triển khai.
Nhà máy này sẽ đặt 340.740 tấm thu năng lượng mặt trời phủ trên diện tích 2 triệu m2, dự kiến khi hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2018 sẽ tạo ra 99.230 MW mỗi năm, đủ điện dùng cho khoảng 30.500 hộ gia đình.
Sau hai kế hoạch cụ thể, chắc chắn sẽ còn nhiều sân golf khác được nhắm tới bởi lẽ vào những năm 1990, Nhật từng bị “bùng nổ sân golf”: hơn 2.000 sân golf mới được xây dựng chỉ trong vài năm. Nhưng khi cơn sốt qua đi, nay hàng trăm sân golf rơi vào tình trạng đất bỏ hoang.
Rõ ràng các nhà sản xuất điện mặt trời đã nhìn thấy những đặc thù lý tưởng của các sân golf với bề mặt địa hình rộng và bằng phẳng, rất phù hợp để lắp đặt các tấm thu năng lượng mặt trời.
Sáng kiến của Tập đoàn Kyocera được công luận Nhật tán thưởng. Trên thực tế quốc gia này vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế năng lượng hạt nhân, đặc biệt từ sau thảm hoạ xảy ra năm 2011 tại Fukushima.
Cách làm của Tập đoàn Kyocera sẽ khiến nhiều chính phủ lưu tâm. Riêng ở Mỹ, sau giai đoạn suy thoái kinh tế năm 2008 cũng có nhiều sân golf bị bỏ hoang.
Theo TrueActivist, các thành phố tại bang New York, Florida, Utah, Kansas và Minnesota đang bàn bạc việc áp dụng ý tưởng biến các sân golf không sử dụng thành các nhà máy sản xuất điện mặt trời.