Ngoại giao Facebook ở Việt Nam
Hiện nay, nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam xem Facebook là kênh đối ngoại hữu hiệu vì giúp tiết kiệm chi phí và tiếp cận được nhiều người hơn, đặc biệt là giới trẻ.
Ngoại giao Facebook ở Việt Nam
Hiện nay, nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam xem Facebook là kênh đối ngoại hữu hiệu vì giúp tiết kiệm chi phí và tiếp cận được nhiều người hơn, đặc biệt là giới trẻ.
Đại sứ Đan Mạch John Nielsen giới thiệu trang Facebook fanpage của sứ quán – Ảnh: Vân Đỗ |
Theo thống kê của Facebook công bố gần đây, mạng xã hội này hiện có đến 30 triệu người Việt dùng mỗi tháng, trong đó độ tuổi 18 – 34 chiếm 3/4. Ở Việt Nam có một số sứ quán đang dùng Facebook để phổ biến thông tin như Mỹ, Đức, Pháp, Phần Lan, New Zealand, Canada, Úc và Đan Mạch.
Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có trang Facebook chính thức rồi. Tôi biết có thể khó, thậm chí rất khó thay đổi tư duy trong số lãnh đạo Việt Nam về ngoại giao Facebook. Nhưng thay vì luôn phải ở thế phòng bị, tôi tin rằng các chính trị gia Việt Nam sẽ có được rất nhiều bài học nếu dám thử |
Đại sứ Đan Mạch JOHN NIELSEN |
Tìm gặp tại nơi của họ
Trong số các đại sứ quán năng động trong việc sử dụng Facebook để tiếp cận và kết nối với công dân Việt Nam mỗi ngày, phải kể đến sứ quán Đan Mạch với trang chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012.
Lý giải việc đó, đại sứ Đan Mạch John Nielsen kể rằng từ năm 2012 ông đã nhận thấy người Việt Nam tại các đô thị lớn thường “chúi mũi” vào chiếc iPhone hoặc iPad của mình. Thế là đại sứ Nielsen nhận ra cách tốt nhất để giao tiếp với nhiều đối tượng hơn là “tìm gặp họ tại nơi của họ”, đó chính là Facebook.
Cho đến nay, trang Facebook fanpage của sứ quán Đan Mạch đã đón nhận gần 80.000 lượt người theo dõi, xếp thứ hai chỉ sau fanpage của Đại sứ quán Mỹ (gần 110.000 lượt theo dõi).
Đại sứ Mỹ Ted Osius có trang fanpage mang tên mình, hiện thu hút hơn 12.000 lượt like dù chỉ mới thành lập được hơn nửa năm. Đại sứ Ted kể sau khi đọc những tin nhắn, bình luận trên trang, đại sứ nhận ra giới trẻ Việt Nam thường bày tỏ sự lạc quan và hi vọng về một đất nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng hơn trong tương lai.
“Tôi có cảm giác Facebook không chỉ là một nơi để chia sẻ những gì đang làm mà còn là phương tiện để tìm hiểu mọi người đang hi vọng và kỳ vọng gì” – đại sứ Ted Osius chia sẻ.
Ngoại giao không khô khan
Đại sứ Đan Mạch John Nielsen thường nhắc rằng đừng nghĩ Facebook của các sứ quán nước ngoài chỉ toàn chuyện chính trị và kinh tế.
Thật vậy, dạo qua một số trang fanpage của một số sứ quán nước ngoài như Thụy Điển, Canada, New Zealand, ngoài những tin tức về hợp tác kinh tế, chính trị song phương, các sứ quán nước ngoài còn tăng cường quảng bá các hình ảnh và câu chuyện về giáo dục, du lịch, văn hóa, hầu hết được thể hiện bằng song ngữ Anh – Việt.
Sau lễ hội “Thị trấn BUBU” dành cho cộng đồng LGBT (nhóm người có xu hướng tình dục ngoài dị tính) tổ chức tại Câu lạc bộ Mỹ ở Hà Nội vào tháng 5 năm nay, sứ quán Thụy Điển đã đăng tấm hình các đại sứ Hà Lan, Thuỵ Điển, Canada, đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tham gia màn nhảy flash-mob cùng các bạn trẻ Hà Nội nhằm kêu gọi sự tôn trọng, chấp nhận cộng đồng LGBT và giúp những người LGBT hòa đồng với xã hội.
Chia sẻ về kênh ngoại giao Facebook của sứ quán Thụy Điển (hơn 20.000 lượt theo dõi), ông Lâm Phạm, cán bộ báo chí và truyền thông sứ quán, cho biết sứ quán đã thiết lập và duy trì trang Facebook trong hơn hai năm qua. Ông Lâm Phạm tin tưởng Facebook là một kênh truyền thông vô cùng hiệu quả trong việc cập nhật các hoạt động của sứ quán, thông tin về các sự kiện sắp diễn ra, đồng thời chia sẻ về các giá trị và bài học kinh nghiệm của Thụy Điển.
Theo ông Lâm Phạm, với sự phổ biến của Internet ở Việt Nam và thông qua kênh Facebook, sứ quán Thụy Điển mong muốn độc giả Việt Nam, đặc biệt thế hệ trẻ, có điều kiện tìm hiểu sâu thêm về Thuỵ Điển trên cơ sở quan hệ đặc biệt, độc đáo giữa hai nước.
Chẳng hạn, ngoài ban nhạc ABBA, giải thưởng Nobel, đâu là những bí quyết của Thụy Điển trong việc xây dựng một hình mẫu quốc gia thịnh vượng, giàu có, bình đẳng và sáng tạo nhất thế giới.
Công cụ Facebook cũng giúp chia sẻ về nền giáo dục Thuỵ Điển thông qua những cách thức mới, ấn tượng như câu đố và các cuộc thi chẳng hạn, các bạn trẻ có thể học tập, nghiên cứu tại Thụy Điển, đặc biệt là các chương trình sau đại học về y khoa, kinh tế, công nghệ, môi trường… hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, thông qua Facebook, nhiều người cũng biết thêm về cuộc sống cá nhân thú vị của các đại sứ nước ngoài ở Việt Nam, chẳng hạn như biết đại sứ Canada và đại sứ Thuỵ Sĩ cùng thích xe môtô phân khối lớn, trong khi đại sứ Đan Mạch thích xe đạp.
Đại sứ Đan Mạch từng rất phấn khởi giơ điện thoại tự chụp rồi đưa hình nhân viên người Việt ở sứ quán chuẩn bị tham gia chạy marathon vượt núi ở Sa Pa.
Chia sẻ nhiều câu chuyện Đại sứ John Nielsen cho biết sứ quán Đan Mạch chọn cách chia sẻ các câu chuyện để thu hút thêm người theo dõi fanpage. Như dịp kỷ niệm 30-4 vừa rồi, Đại sứ quán Đan Mạch đưa tin về cuộc gặp các cựu phóng viên chiến trường nổi tiếng như Nick Út, Peter Arnett với những câu chuyện thú vị kèm theo. Đứng sau trang Facebook của Đại sứ quán Đan Mạch là đội ngũ những người kể chuyện. Họ tìm và lựa chọn những cách truyền tải thông điệp hiệu quả và trả lời các câu hỏi gửi về đại sứ quán. “Chúng tôi không chọn cách đăng tải ảnh tự chụp (selfie) để có được hàng ngàn like. Chúng tôi muốn truyền tải những câu chuyện thay vì chỉ là những tấm ảnh” – đại sứ John Nielsen nói. |