29/11/2024

Lao động tại UAE phải về trước hạn

Đầu tháng 7, gần 1.300 lao động VN đang làm việc cho Công ty EGSS, chuyên quản lý lao động vệ sĩ, tại Abu Dhabi (UAE), bất ngờ nhận thông báo sẽ phải về nước từ ngày 1.8.

 

Lao động tại UAE phải về trước hạn

 

 

Đầu tháng 7, gần 1.300 lao động VN đang làm việc cho Công ty EGSS, chuyên quản lý lao động vệ sĩ, tại Abu Dhabi (UAE), bất ngờ nhận thông báo sẽ phải về nước từ ngày 1.8.

 

 

Lao động VN đi làm việc tại UAE - Ảnh: V.Xuân

Lao động VN đi làm việc tại UAE - Ảnh: V.Xuân

Anh Nguyễn Văn Bằng, quê Lạng Giang (Bắc Giang), cho hay trong thông báo ngày 1.7, Công ty EGSS chỉ nói chung chung rằng công việc của các anh không còn cần thiết và phải kết thúc vào 30.7. Mặc dù công ty đã đưa ra lời xin lỗi và bày tỏ sự cảm ơn tới từng người, nhưng nhiều lao động cho rằng việc công ty đơn phương phá vỡ hợp đồng mà không nói rõ lý do và không đưa ra các khoản bồi thường là chưa thỏa đáng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: “Do chương trình đưa lao động sang UAE làm vệ sĩ sẽ kết thúc vào tháng 8.2015 và chưa có kế hoạch gia hạn nên vừa qua Công ty EGSS đã bắt đầu làm thủ tục về nước cho toàn bộ lao động vệ sĩ, trong đó có 1.286 người chưa kết thúc hợp đồng 3 năm tính đến tháng 8.2015”.
Về việc Công ty EGSS đơn phương chấm dứt hợp đồng gây khó khăn cho các lao động, ông Hương cho biết phía VN đã có cuộc làm việc với đại diện UAE tại Hà Nội. Trước mắt, người lao động sẽ được hoàn trả phí đào tạo ban đầu 200 USD (khoảng 4,3 triệu đồng), hoàn lại tiền vé máy bay khoảng 500 USD (gần 11 triệu đồng) từ VN sang UAE, ngoài ra còn được thêm 500 USD tiền thưởng (dù hết thời hạn hay chưa cũng được hưởng như nhau). Toàn bộ số tiền này được chuyển qua tài khoản của người lao động. “Cục đề nghị phía đối tác xem xét bồi thường tiền chấm dứt hợp đồng trước hạn cho người lao động theo luật Lao động UAE, dự kiến đề xuất ngoài khoản tiền trên có thể hỗ trợ thêm ít nhất 1 tháng lương là 600 USD. Phía đối tác hứa sẽ nghiên cứu và trả lời cho phía VN”, ông Hương cho biết thêm.
Theo ông Hương, cuối năm 2014, khi có thông tin phía UAE sẽ dừng tiếp nhận vệ sĩ VN, Bộ LĐ-TB-XH đã báo cáo và kiến nghị Chính phủ có các biện pháp vận động để phía UAE tiếp tục chương trình. “Thủ tướng gửi thư cho Thái tử kiêm Phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang UAE. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo cấp cao của UAE vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc này”, ông Hương nói.
Chương trình vệ sĩ UAE được thực hiện từ năm 2009 thông qua Bản ghi nhớ ký giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước và Tập đoàn IGG của UAE, có thời hạn 3 năm và được ký gia hạn vào tháng 8.2012. Đến nay đã có 5.000 lao động (đa phần là bộ đội xuất ngũ) được đưa sang làm vệ sĩ tại UAE với thu nhập 600 USD/tháng.
Bắt giữ 7 đối tượng kích động đình công
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đêm 26.6, tại Trại lao động bảo vệ G2, Abu Dhabi, một số người đã đành một phiên dịch do thắc mắc về các khoản tiền được lĩnh trước khi về nước.
Sự việc sau đó được tung lên mạng Facebook để kích động bạo động, đình công trong trại G2 và các trại khác thuộc dự án lao động bảo vệ. Công ty sử dụng lao động EGSS đã phải có các biện pháp thắt chặt an ninh, giám sát đảm bảo an toàn cho phiên dịch và tiến hành điều tra, xử lý vụ việc.
Theo điều tra ban đầu, 7 người cầm đầu đã có hành vi đe doạ giết người, đánh phiên dịch, gây bạo động, rối loạn, kích động đình công… Đại sứ quán VN tại UAE đã chuyển hồ sơ của 7 người trên về nước để các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật. Hiện nay, tình hình các trại đã trở lại bình thường.

Thu Hằng