Iran – Mỹ vượt qua cấm kỵ
Một cảm giác nhẹ nhõm lan toả trên truyền thông thế giới khi đưa tin về việc đã đạt được thoả thuận khép lại “vấn đề hạt nhân” gây tranh cãi của Iran.
Iran – Mỹ vượt qua cấm kỵ
Một cảm giác nhẹ nhõm lan toả trên truyền thông thế giới khi đưa tin về việc đã đạt được thoả thuận khép lại “vấn đề hạt nhân” gây tranh cãi của Iran.
Người dân Iran ăn mừng thỏa thuận vào tối 14-7 ở thủ đô Tehran – Ảnh: Reuters |
Cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận này diễn ra suốt từ cuối năm 2009 đến nay, giữa một bên là nhóm P5+1 (gồm năm quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an và Đức) với bên kia là Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Nhưng công luận vẫn nhận thấy vai trò chủ chốt của P5+1 là Mỹ – đối thủ luôn bị Iran, kể từ sau cách mạng Hồi giáo năm 1979, coi là “quỷ sa tăng đầu sỏ”!
Giới bình luận quốc tế hầu như thống nhất nhận định rằng thoả thuận giữa P5+1 và Iran ngày 14-7 không chỉ khép lại “vấn đề hạt nhân Iran” mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn là chấm dứt giai đoạn Iran bị cô lập với thế giới bên ngoài hơn 35 năm qua, mà trước mắt là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế cô lập quốc gia Hồi giáo này.
Lằn ranh đỏ của đại giáo chủ
Riêng với Iran, đây là một sự kiện thật sự độc đáo đối với một quốc gia đã kiên trì đối đầu ở mức “không đội trời chung” với Mỹ và đồng minh số một của họ ở Trung Đông là Israel.
Việc ông Hassan Rouhani trở thành tổng thống vào giữa năm 2013 báo hiệu một sự chuyển mình sâu sắc về đường lối chính trị, hướng tới thoát khỏi hoàn cảnh bị bao vây cô lập với thế giới, để mở đường cho nước này trở lại vị thế đáng có của mình cả trong khu vực Trung Đông và trên thế giới.
Nhưng thoát ra thế nào, cởi mở đến đâu, với ai… là những vấn đề tranh cãi gay gắt giữa một bên là chính quyền của Tổng thống Rouhani với bên kia là hệ thống giáo quyền do đại giáo chủ Ali Khamenei đứng đầu.
Trong cấu trúc nền cộng hòa Hồi giáo của Iran (do cố đại giáo chủ Ruhollah Khomeini sáng lập năm 1979), ngoài hệ thống nhà nước tương tự với khuôn mẫu nền dân chủ phương Tây, còn có hệ thống giáo quyền gồm các giáo sĩ cao cấp của dòng Hồi giáo Shiite.
Hệ thống giáo quyền này không chỉ nắm vai trò “lãnh đạo tối cao” đối với hệ thống nhà nước, mà còn được tổ chức như một thế lực trùm lên nhà nước, với lực lượng vũ trang hùng mạnh (Vệ binh cách mạng) độc lập với quân đội, điều hành những lĩnh vực kinh tế thiết yếu của đất nước và nắm quyền phán quyết cuối cùng đối với những vấn đề đối ngoại hệ trọng đến an ninh quốc gia.
Phái đoàn của Iran tham gia đàm phán với P5+1 do bộ trưởng ngoại giao đứng đầu, nhưng quyền phán quyết cuối cùng đối với phái đoàn này là Hội đồng an ninh quốc gia, do lãnh tụ tối cao Khamenei chỉ đạo trực tiếp.
Bởi thế, diễn tiến đàm phán của phái đoàn Iran không thể vượt qua “lằn ranh đỏ” do ông Khamenei xác định từ trước. “Lằn ranh đỏ” mà ông Khamenei đặt ra cho đoàn Iran giai đoạn đầu là phải bảo vệ được quyền của Iran sở hữu công nghệ hạt nhân “vì hoà bình”.
Nguyên tắc tối thượng này đối đầu gay gắt với chủ đích của Mỹ là xoá bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng “thoả thuận khung” đạt được ngày 2-4-2015 đã chứng minh chính Iran là bên bảo vệ được nguyên tắc của mình, và Mỹ cùng P5+1 chính là bên phải nhượng bộ cơ bản hơn.
Đến giai đoạn đàm phán “thoả thuận sau cùng”, “lằn ranh đỏ” do ông Khamenei chỉ đạo là không được cho phép thanh sát quốc tế đối với các căn cứ quân sự (bị nghi ngờ có chương trình hạt nhân bí mật), không được cho tiếp xúc các nhà khoa học hạt nhân của Iran cũng như bộ hồ sơ nghiên cứu công nghệ hạt nhân của Iran; đồng thời phải dỡ bỏ trừng phạt quốc tế cùng lúc với việc Iran thực thi thoả thuận.
Chờ thời gian trả lời
Nay, “thoả thuận sau cùng” đã đạt được. Chưa rõ các chi tiết của thoả thuận này. Dường như Iran buộc phải chấp nhận chịu thanh sát các cơ sở quân sự bị tình nghi, nhưng P5+1 lại phải chấp nhận “phối hợp trước” với chính quyền Iran khi thanh sát các cơ sở quân sự này. Giới bình luận Ả Rập và Israel cho rằng nếu đúng như thế thì thanh sát cũng bằng không!
Đến ngày 11-7, có lẽ lãnh tụ tối cao Khamenei đã “bật đèn xanh” cho đoàn Iran chấp nhận ký thỏa thuận với P5+1, nên ông kịp thời chỉ đạo chính quyền cũng như công luận Iran về “nguyên tắc bất di bất dịch” của cách mạng Hồi giáo là “hãy sẵn sàng chiến đấu chống lại quỷ sa tăng ngay cả sau khi ký thoả thuận hạt nhân”.
Ông Khamenei khẳng định đối đầu với Mỹ “là nguyên tắc cơ bản của cách mạng Hồi giáo mà chúng ta tuyệt đối không được lơ là”. Và “ngưng đối đầu với ác quỷ có nghĩa là từ bỏ con đường mà kinh Koran đã vạch ra”. Chỉ đạo của ông Khamenei cho thấy quá trình triển khai thực hiện thỏa thuận này tại Iran không hề đơn giản và tiến trình mở cửa của Iran cũng không thể suôn sẻ chóng vánh.
Nhưng bên trong Iran cũng có những tiếng nói khác thể hiện sự vui mừng thật sự cho một tương lai tươi sáng của đất nước sau khi thoát được tình cảnh bị cô lập ngặt nghèo.
Ông Akbar Hashemi Rafsanjani – vị cựu tổng thống đang giữ ghế chủ tịch Hội đồng thẩm định lợi ích của chế độ (một cơ chế quyền lực thuộc hệ thống giáo quyền) – tuyên bố: “Iran đã vượt qua mọi sự cấm kỵ với phương Tây và Mỹ”.
Theo ông, thỏa thuận bãi bỏ trừng phạt quốc tế có thể dẫn đến mở cửa lại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Điều này vượt qua những nguyên tắc của cách mạng Hồi giáo đặt ra từ năm 1979 là cấm không quan hệ với “ác quỷ lớn nhất” (Mỹ).
Nhưng thoả thuận khép lại “vấn đề hạt nhân Iran” đang gặp những phản ứng gay gắt và quyết liệt từ phía Israel và khối Ả Rập do dòng Hồi giáo Sunni cầm quyền. Chẳng những thế, Mỹ cũng có bất đồng không kém nghiêm trọng giữa bên chính quyền Obama chủ trương ký cho được thoả thuận này, với bên kia là Quốc hội với Đảng Cộng hoà chiếm đa số.
Đạt được thỏa thuận đã là một thành công không dễ dàng. Nhưng để thoả thuận này trở thành một yếu tố cơ bản tạo đà cho Iran chuyển mình, đồng thời đem lại hoà bình, ổn định và hợp tác thân thiện tại Trung Đông thì còn cần thời gian kiểm chứng.
Trang mạng alarabiya.net còn coi việc ký thoả thuận này là một bước nữa trong chủ trương của Tổng thống Barack Obama “chuyển đối thủ thành đối tác”, khởi đầu bằng quyết định bình thường hoá quan hệ với Cuba, rồi chính thức đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng, và nay là mở đường để nối lại quan hệ với Iran. |