Tivi, loa thùng… hàng hiệu dỏm
Nhiều cửa hàng điện máy “phù phép” đồ điện tử như tivi, loa thùng, ampli… giá rẻ thành sản phẩm của Sony, Samsung, Panasoic…Sau đó, gắn logo, tung thông tin hàng hiệu giảm giá.
Tivi, loa thùng… hàng hiệu dỏm
Nhiều cửa hàng điện máy “phù phép” đồ điện tử như tivi, loa thùng, ampli… giá rẻ thành sản phẩm của Sony, Samsung, Panasoic…Sau đó, gắn logo, tung thông tin hàng hiệu giảm giá.
Chiếc tivi giả nhãn hiệu Sony bày bán tại cửa hàng điện máy Hoàng Kim ở thị trấn Ba Tri, Bến Tre – Ảnh: V.TR. |
Chỉ cần một cuộc gọi, các đầu nậu tại TP.HCM sẽ gửi xe tải các loại đồ điện tử như tivi, loa thùng, ampli… giá rẻ về tận cửa hàng điện máy ở các tỉnh. Sau đó, chủ cửa hàng điện máy sẽ “phù phép” chúng thành sản phẩm của Sony, Samsung, Panasonic…
Để lừa người tiêu dùng, những cửa hàng này ngoài chiêu gắn logo còn tung ra thông tin hàng hiệu giảm giá.
Giá rẻ bất ngờ
Phía trước cửa hàng điện máy Hoàng Kim trên đường 19-5, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) dựng hai biển hiệu khá to: “Uy tín chất lượng” và “Giá rẻ cực sốc”. Nhân viên bán hàng tên Nguyên dẫn tôi tới kệ xem chiếc tivi có dán logo Sony bằng kim loại màu bạc được bọc nilông cẩn thận.
Ông Nguyên cho biết đây là tivi hàng hiệu bị “rớt đời” nên hãng bán giá rẻ, chỉ bằng 50% giá chính thức. Cụ thể, chiếc tivi hiệu Sony 17 inch giá chỉ 650.000 đồng. Màu sắc và âm thanh cũng tàm tạm đối với nhu cầu của người dân nông thôn.
Tôi yêu cầu xem thùng giấy đựng tivi. Ông Nguyên ra phía sau lấy chiếc thùng giấy có in hình tivi kèm một số thông tin nhưng tuyệt nhiên không có nhãn hiệu, không địa chỉ nhà sản xuất. “Đây không phải tivi Sony. Logo Sony này chắc cửa hàng mới gắn vào?”- tôi đặt nghi vấn.
Ông Nguyên bối rối: “Dạ, tivi này hiệu Panasany. Tụi em đặt mua ở TP.HCM về gắn chữ Sony vào cho dễ bán”.
Theo lời nhân viên này, phần lớn hàng điện tử đang bán tại cửa hàng đều lấy của một người tên Tâm ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Ông Tâm gửi tivi hiệu Panasany về bằng xe tải. Sau đó cửa hàng dùng vật nhọn cạy nhãn hiệu này bỏ, gắn logo Sony, Samsung, Panasonic vào rồi trưng bày bán. Toàn bộ số logo này được mua ở các cửa hàng điện máy khác tại Bến Tre, giá khoảng 30.000 đồng/cái.
Đi một vòng các gian trưng bày sản phẩm, tôi chỉ bộ loa thùng có nhãn hiệu California hỏi giá bao nhiêu. Ông Nguyên nói: “Dạ, 650.000 đồng/cặp”. Nhìn logo California không thật sự sắc nét, tôi nghi ngờ: “Đây có phải loa của California chính hãng?”.
Ông Nguyên đáp lí nhí: “Dạ, không phải. Nếu là hàng chính hãng giá phải trên 1,2 triệu đồng/cặp lận. Trên thành phố gửi về có sẵn logo đó, em chỉ bán thôi”. Trên kệ còn có một số sản phẩm micro hiệu Sonys, nhái nhãn hiệu Sony.
Tại cửa hàng điện máy Tiến Lợi trong khu vực chợ Ba Tri, bà Lê Thanh Thuỷ thừa nhận có bán thùng loa giả nhãn hiệu Arirang và vừa bị Đội quản lý thị trường (QLTT) số 5 tỉnh Bến Tre phát hiện, xử phạt.
Bà Thủy kể khoảng 3 – 4 năm trước có người đến tận cửa hàng bà tiếp thị sản phẩm. Sau đó bà gọi vào số điện thoại in trong tờ rơi thì gặp một cô gái tên Duyên ở TP.HCM trao đổi về sản phẩm, giá, cách thức giao hàng, thanh toán. Hai bên bắt đầu làm ăn từ đó. Khi có nhu cầu đặt mua thùng loa thì bà Thuỷ gọi điện cho Duyên. Cô này gửi hàng cho xe tải chở về thị trấn Ba Tri, bà Thủy ra lấy hàng và gửi tiền nhờ nhà xe đưa cho Duyên.
“Cô Duyên gửi thùng loa hiệu Arirang, California và một số nhãn hiệu khác. Giá một cặp loa 25cm khoảng 650.000 đồng, tôi bán ra 800.000 đồng. Tôi nghe cô Duyên nói loa hàng hiệu loại 2 nên giá rẻ chứ không biết đó là hàng giả” – bà Thủy nói.
Hàng giả tràn lan
Theo ông Hồ Thanh Long – đội phó Đội QLTT số 5 tỉnh Bến Tre, chỉ trong khoảng một tháng qua lực lượng QLTT đã lập biên bản ba cửa hàng điện máy bán tivi, ampli và loa thùng giả các nhãn hiệu nổi tiếng. Cửa hàng điện máy Hoàng Kim mà chúng tôi vừa đề cập đã bị QLTT phát hiện bày bán 15 tivi giả nhãn hiệu Sony, Samsung, Toshiba và 20 loa thùng giả nhãn hiệu Arirang.
“Đại diện cửa hàng này là Bùi Minh Tuấn khai mua số tivi nói trên ở chợ Nhật Tảo (TP.HCM). Còn logo các nhãn hiệu nổi tiếng thì mua trôi nổi các nơi không có địa chỉ rõ ràng. Cửa hàng chỉ gắn logo Sony, Samsung, Panasonic vào vài chiếc tivi trưng bày cho khách xem.
Số tivi còn lại cất ở sau nhà. Nếu khách muốn mua tivi nhãn hiệu nào, cửa hàng lấy logo đó gắn vào, mang ra bán. Người dân ở đây không rành về thiết bị điện tử nên tin tưởng bỏ tiền ra mua” – ông Long cho hay.
Trước đó, cửa hàng điện máy của bà Thủy tại chợ Ba Tri cũng bị QLTT phát hiện quả tang bán 14 loa giả nhãn hiệu Arirang. Một cửa hàng kim khí điện máy Hoàng Kim khác nằm cặp đường tỉnh 885 thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm cũng bị Đội QLTT số 5 phát hiện bày bán 19 tivi giả nhãn nhiệu Sony và Samsung. Giá bán tivi giả chỉ 550.000 – 1,1 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn rất nhiều so với tivi thật.
Thượng tá Trần Minh Điền, trưởng Công an huyện Giồng Trôm, đưa chúng tôi đi xem kho chứa tang vật 23 thùng đựng tivi giả nhãn hiệu Samsung, Panasonic, Toshiba vừa bị công an huyện bắt giữ tại cửa hàng điện máy Thiên Hoà Sài Gòn ở ấp 5, xã Bình Thành (gần trụ sở công an huyện). Theo hồ sơ, khi kiểm tra cửa hàng này công an huyện phát hiện rất nhiều tivi gắn logo các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán. Tuy nhiên, chủ cửa hàng là ông Hoàng Văn An không xuất trình được hoá đơn chứng từ của số tivi này.
Quá trình điều tra, ông An khai gốc gác của số tivi này có nhãn hiệu Panasany do ông Tâm ở TP.HCM cung cấp. Sau khi mua về, ông An đã gỡ bỏ logo Panasany và thay bằng logo Samsung, Panasonic và Toshiba mua ở chợ Nhật Tảo. Mục đích gắn logo các nhãn hiệu nổi tiếng, theo ông An, để dễ bán vì người dân đã quen và tin tưởng các nhãn hiệu này.
“Chủ cửa hàng còn khai trước khi bị công an phát hiện đã bán được ba tivi giả nhãn hiệu nổi tiếng. Đối chiếu với các quy định của pháp luật, chúng tôi xác định hành vi gắn logo nhãn hiệu nổi tiếng vào tivi để đánh lừa người tiêu dùng là một công đoạn sản xuất hàng giả nên đã xử phạt 19,2 triệu đồng, tịch thu toàn bộ 23 tivi giả nhãn hiệu này và đình chỉ kinh doanh mặt hàng tivi trong hai tháng” – thượng tá Trần Minh Điền nói.
Theo ông La Văn Bé – chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bến Tre, tình trạng kinh doanh các sản phẩm điện tử giả nhãn hiệu nổi tiếng đang bùng phát ở nhiều nơi, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Trước đó, Đội QLTT số 4 tỉnh Bến Tre đã phát hiện tại Trung tâm điện máy Hoàng Anh (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành) bán 19 tivi và một số ampli, loa thùng giả nhãn hiệu Panasonic, Sony và Samsung.
Chủ trung tâm này là ông Nguyễn Văn Da khai mua tivi ở TP.HCM không có nhãn hiệu, sau đó mua logo các nhãn hiệu nói trên gắn vào. Ông Da còn in tờ rơi, băngrôn quảng cáo khuyến mãi giảm giá 10-49% nhằm đẩy nhanh tiến độ bán hàng.
Trung tâm điện máy Hoàng Gia ở ngay TP Bến Tre cũng từng bị Đội QLTT số 4 lập biên bản, thu giữ 13 tivi giả nhãn hiệu Sony và Panasonic. Ông Nguyễn Văn Chữ (chủ trung tâm) khai mua tivi và logo nhãn hiệu nổi tiếng tại chợ Nhật Tảo gắn vào nhằm “bán cho được giá”. Chi cục QLTT tỉnh Bến Tre đã xử phạt vi phạm hành chính và đình chỉ kinh doanh mặt hàng tivi trong ba tháng, tháo bỏ logo giả…
Cẩn trọng mua hàng điện tử hết bảo hành chính hãng Trao đổi với Tuổi Trẻ, một trưởng phòng kỹ thuật trung tâm điện máy tại TP.HCM cho rằng tình trạng “lên đời” hàng điện tử cũ để bán lại với giá thấp hơn nhiều so với hàng chính hãng rất dễ thực hiện. Các đơn vị làm giả thu gom tivi cũ của các thương hiệu để sửa chữa, sau đó gắn mác các dòng tivi đang bán chạy để dễ dàng tiêu thụ. Người tiêu dùng không rành kỹ thuật, kiểu dáng các đời sản phẩm sẽ rất dễ bị lừa vì giá rẻ. Theo đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, khá nhiều người tiêu dùng mua phải hàng điện tử kém chất lượng, hết hạn bảo hành chính hãng thông qua kênh bán hàng tại nhà. Phương thức lôi kéo khách hàng chủ yếu đánh vào tâm lý ham rẻ, mua hàng trả góp thông qua việc phát tờ rơi tại nhà. Để tạo uy tín, những người này in tờ rơi, phiếu bảo hành giả mạo, mượn danh các trung tâm điện máy, các hãng điện tử nổi tiếng. Có những trường hợp mua sản phẩm chính hãng nhưng đã hết hạn bảo hành của hãng. Do đó khi tìm đến hãng sản xuất, người tiêu dùng không được bảo hành mà phải tìm đến người bán để yêu cầu bảo hành. Tuy nhiên, các cửa hàng làm ăn bát nháo luôn đùn đẩy trách nhiệm bảo hành, quy lỗi trách nhiệm cho người sử dụng và yêu cầu sửa chữa tính phí. Hội Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo để tránh thiệt thòi, người tiêu dùng nên mua sắm ở những trung tâm điện máy có uy tín, yêu cầu đơn vị bán cung cấp giấy bảo hành chính hãng chứ không chỉ phiếu bảo hành của đơn vị phân phối. |
Xử phạt xong, lại bán tiếp
Ngoại trừ cửa hàng điện máy Thiên Hoà Sài Gòn tại huyện Giồng Trôm bị công an huyện tịch thu hàng hoá giả nhãn hiệu, hầu hết vụ vi phạm còn lại chỉ bị phạt vi phạm hành chính. Trong đó chủ cửa hàng điện máy Hoàng Kim tại xã Mỹ Thạnh chỉ bị phạt 7,5 triệu đồng và cơ quan chức năng bắt gỡ bỏ logo giả (có thu giữ, tiêu hủy) rồi trả lại hàng hóa vi phạm. Cũng vì phạt nhẹ không đủ răn đe nên một số cửa hàng không “ngán”. Bằng chứng là sau khi bị xử phạt chưa được bao lâu thì ngày 8-7, phóng viên Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận tivi giả nhãn hiệu Sony bày bán tại cửa hàng điện máy Hoàng Kim tại thị trấn Ba Tri. Giải thích điều này, ông Hồ Thanh Long (đội phó Đội QLTT số 5, tỉnh Bến Tre) nói: “Đồ điện tử giả nhãn hiệu bây giờ tràn lan, ở đâu cũng có, khó dẹp được do chúng tôi kiểm tra chỗ này thì những chỗ khác đem cất giấu, thấy im thì đem ra bán tiếp”. |