28/11/2024

“Ép” nông dân vay với lãi suất khủng

Mặc dù có quy định cho vay để sản xuất với lãi suất ưu đãi 7%/năm nhưng nông dân thường phải chịu mức lãi suất “khủng” do một số ngân hàng tự áp đặt kỳ hạn nợ, xếp loại khách hàng, làm sai lệch mục đích vay vốn…

 

“Ép” nông dân vay với lãi suất khủng

Mặc dù có quy định cho vay để sản xuất với lãi suất ưu đãi 7%/năm nhưng nông dân thường phải chịu mức lãi suất “khủng” do một số ngân hàng tự áp đặt kỳ hạn nợ, xếp loại khách hàng, làm sai lệch mục đích vay vốn…

 

Chỉ còn căn nhà lụp xụp cùng mấy công đất, ông Nguyễn Văn Bài phải vay vốn nuôi bò với lãi suất 13%/năm - Ảnh : Đ.VỊNH
Chỉ còn căn nhà lụp xụp cùng mấy công đất, ông Nguyễn Văn Bài phải vay vốn nuôi bò với lãi suất 13%/năm – Ảnh : Đ.VỊNH

Việc vừa đá bóng vừa thổi còi đó khiến nhiều nông dân thuộc diện ưu tiên khi vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, trồng trọt phải chịu mức lãi 12-15%/năm.

Lời không đủ đóng lãi

Sau buổi đi cắt cỏ cho bò, ông Nguyễn Văn Bài (huyện Chợ Mới, An Giang) trở về căn nhà sàn lụp xụp của mình nằm khuất sau mảnh vườn tạp ở xã An Thạnh Trung.

Theo ông Bài, qua nhiều vụ trồng màu thua lỗ phải bán bớt đất để trả nợ ngân hàng, giờ gia đình ông chỉ còn mấy công ruộng và trông mong vào năm con bò đang nuôi.

 
 

 

Để có vốn chăn nuôi, năm ngoái ông vay Ngân hàng TMCP phát triển Mê Kông (MDB) 90 triệu đồng thời hạn 14 tháng với lãi suất 15%/năm. Sau khi trả nợ và lãi, ông vừa vay 100 triệu đồng ở Quỹ tín dụng Mỹ Bình, lãi suất 1,2%/tháng.

“Với mức lãi quá cao, trong khi giá bò thịt và hoa màu liên tục giảm, tiền lời chắc không đủ đóng lãi”- ông Bài lo lắng.

Hiện vợ con ông vừa rời quê đi làm thuê ở xa, trong gian nhà trống trước hở sau chỉ mỗi mình ông Bài thui thủi sớm hôm.

Do thiếu vốn đầu tư cho vườn xoài, ông Lê Văn Lộc (xã An Thạnh Trung) vay 300 triệu đồng của Sacombank trong ba năm được giải ngân theo từng đợt có kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 1,2%/tháng. Mỗi đợt tới hạn, ông Lộc phải vay nóng bên ngoài để trả nợ, cứ 100 triệu đồng phải đóng lãi 300.000 đồng/ngày.

“Trồng cây ăn trái mất nhiều năm mới có thu hoạch, chưa biết lời lỗ thế nào nhưng cứ đóng lãi đều đều cho ngân hàng với lãi suất cao, nhưng cũng còn thấp hơn lãi quỹ tín dụng có lúc tới 1,6%/tháng. Mình cần vốn đành phải chịu vậy”, ông Lộc nói.

Để có tiền mua vật tư phân bón, ông Thái Văn Nhẫn (xã Bình Phước Xuân) hai lần vay của Agribank chi nhánh Mỹ Luông, mỗi lần 100 triệu đồng nhưng cán bộ tín dụng ghi trong hợp đồng là vay… mua xe máy. Do đó, mức lãi suất thoả thuận mà ngân hàng này áp cho hai khoản vay của ông đều là 12%/năm. Hàng loạt nông dân khác vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng đều được chuyển mục đích sang tiêu dùng nên phải chịu lãi suất cao.

Chẳng hạn, ông Nguyễn Hùng Cường (xã Long Kiến) vay 60 triệu đồng từ Quỹ tín dụng Mỹ Bình với lãi suất 13,2%/năm, hộ Trần Thanh Tâm (xã Tấn Mỹ) vay Quỹ tín dụng Tấn Mỹ 30 triệu đồng với lãi suất 1,3%/tháng…

“Vay phục vụ sản xuất nông nghiệp lẽ ra được hưởng mức lãi ưu đãi chỉ 7%/năm, nhưng nếu không chuyển mục đích trong hợp đồng thì rất khó được duyệt nên tụi tui đành chấp nhận và lãi suất thường từ 12-15%/năm”, một nông dân bức xúc.

Chuyển mục đích vay của nông dân để áp lãi cao

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hồng Nho, chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang, cho biết trường hợp hộ ông Bài thuộc đối tượng được vay với mức lãi suất ưu đãi theo nghị định 41.

Tuy nhiên, Ngân hàng MDB nhận định ông Bài nuôi bò giống thành bò thịt cần vay từng đợt có chu kỳ 14 tháng nên thuộc khoản vay trung hạn. Ngân hàng cũng tự xếp hạng khách hàng theo quy định nội bộ, hộ ông Bài chỉ đạt loại AA buộc phải vay theo lãi suất thỏa thuận 15%/năm.

Trường hợp ông Lộc, dù thuộc diện được vay vốn lãi suất ưu đãi, nhưng điều kiện cho vay lĩnh vực ưu tiên do Sacombank xếp hạng tín dụng theo tiêu chí riêng. “Khách hàng phải xếp từ loại AA theo tiêu chí xếp loại này mới được hưởng lãi suất ưu đãi. Do chưa đáp ứng nên hộ ông Lộc vay theo lãi suất thỏa thuận”, ông Nho giải thích.

Đối với trường hợp phải chịu lãi suất vay 12%/năm do ngân hàng tự “chuyển” mục đích vay sản xuất qua… vay tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Sơn – giám đốc Agribank An Giang – cho biết chi nhánh Agribank Mỹ Luông đã thừa nhận sai sót trong việc áp dụng mức lãi suất đối với ông Nhẫn và một số trường hợp khác. Ban giám đốc đã cho họp kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan, chỉ đạo thoái thu lãi những trường hợp như ông Nhẫn.

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát, điều chỉnh lại lãi suất đối với tất cả các khoản vay áp dụng mức lãi sai quy định”, ông Sơn nói.

Theo ông Lê Trọng Nghĩa – giám đốc Ngân hàng Nhà nước An Giang, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn những tổ chức tín dụng chưa nghiêm túc chấp hành áp dụng mức lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lách các quy định để cho vay lãi suất cao.

Cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải rà soát chấn chỉnh lại mức lãi suất cho vay tối đa đối với đối tượng ưu tiên, đồng thời tự khắc phục, điều chỉnh lại những trường hợp áp dụng vượt mức trần lãi suất.

Theo đó, đối với hợp đồng tín dụng đang còn dư nợ, phải khấu trừ lại số tiền lãi đã thu vượt trần. Đối với hợp đồng tín dụng đã thanh lý, ngân hàng phải thoái thu số tiền đã thu lãi vượt trần và hoạch toán treo ở khoản tài sản phải trả để chờ xin xử lý.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, hiện vẫn còn đối tượng thuộc diện được vay ưu tiên phải chịu mức lãi suất cao.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ thanh tra toàn diện và đột xuất đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện chính sách lãi suất ưu tiên theo quy định của Chính phủ để tiếp tục chấn chỉnh, xử lý”, ông Nghĩa cho hay.

Phải sửa cơ chế để ngăn việc 
cho vay lãi suất cao

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang, đối với các lĩnh vực ưu tiên, thông tư 08/2014/TT-NHNN đưa ra lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 7%/năm, riêng quỹ tín dụng tối đa 8%/năm.

Tuy nhiên, do quy định chỉ áp dụng mức lãi suất này với các khoản vay không quá 12 tháng nên các tổ chức tín dụng né cơ chế này bằng cách tự… áp đặt định kỳ hạn nợ hoặc buộc khách hàng phải chấp nhận định kỳ hạn nợ trên 12 tháng để cho vay với lãi suất thỏa thuận.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng tự xây dựng, đặt ra tiêu chí đánh giá xếp loại để xác định, phân loại đối tượng vay nên đa số khách hàng không đủ điều kiện vay lãi suất ưu đãi.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước VN hướng dẫn cụ thể để các tổ chức tín dụng thực hiện theo đúng quy định nhưng chưa được xem xét sửa đổi.

 

ĐỨC VỊNH