28/11/2024

Vụ Philippines kiện Trung Quốc ‘tác động toàn cầu’

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario yêu cầu Toà trọng tài thường trực tuyên bố yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị.

 

Vụ Philippines kiện Trung Quốc ‘tác động toàn cầu’

 

 

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario yêu cầu Toà trọng tài thường trực tuyên bố yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị.

 

 

Vụ Philippines kiện  Trung Quốc 'tác động toàn cầu'Phái đoàn và các luật sư đại diện cho Philippines tại phiên toà ở PCA – Ảnh: Bộ Ngoại giao Philippines
Ngày 8.7, website Bộ Ngoại giao Philippines đăng tải bài phát biểu của Ngoại trưởng Albert del Rosario trước Toà trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) vào chiều 7.7 (giờ địa phương), với nội dung chỉ ra những lý do Manila tiến hành kiện Bắc Kinh về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, theo tờ The Philippine Star.
Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không tham gia vụ kiện và cho rằng Toà trọng tài thường trực không có quyền phán quyết theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS), vì vụ việc liên quan đến chủ quyền và phân định biển. Nhưng tại phiên toà, phía Philippines khẳng định họ không yêu cầu toà án đưa ra phán quyết về phương diện chủ quyền lãnh thổ và phân định biển trong tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc ở Biển Đông. “Chúng tôi có mặt ở đây vì muốn làm rõ những quyền về biển của chúng tôi ở Biển Đông, một vấn đề mà toà án có quyền phán quyết. Đây là vấn đề quan trọng không chỉ đối với Philippines mà còn đối với tất cả quốc gia xung quanh Biển Đông và thậm chí đối với tất cả quốc gia thành viên của UNCLOS. Đó là tranh chấp chạm tới phần trọng tâm của UNCLOS”, ông del Rosario nhấn mạnh trước Toà trọng tài thường trực.
Vi phạm UNCLOS
Trong bài phát biểu, ông khẳng định “đường chín đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và Trung Quốc vi phạm UNCLOS thông qua việc cản trở Philippines thực hiện quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán và làm tổn hại môi trường biển khu vực bằng cách phá huỷ các rạn san hô ở Biển Đông… “Đáng buồn là Trung Quốc tranh chấp việc này trong cả lời nói và hành động”, ông del Rosario nói.
Ngoại trưởng Philippines cũng lên án Trung Quốc “hành động bạo lực” để áp đặt cái gọi là quyền của họ ở Biển Đông bằng cách khai thác tài nguyên trong khu vực vượt quá giới hạn của UNCLOS, đồng thời dùng vũ lực ngăn chặn các quốc gia ven biển khác, kể cả Philippines, khai thác trong khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ.
“Nếu Trung Quốc có thể bất chấp những giới hạn được đặt ra bởi UNCLOS liên quan đến các quyền về biển ở Biển Đông và coi nhẹ quyền của Philippines theo UNCLOS thì giá trị của công ước này dành cho các quốc gia thành viên nhỏ là gì?”, ông del Rosario đặt vấn đề trước Toà trọng tài thường trực.
Theo phó phát ngôn viên Tổng thống Philippines Abigail Valte, thành viên trong phái đoàn đến Toà trọng tài thường trực, Ngoại trưởng del Rosario đã kêu gọi toà tuyên bố có quyền phán quyết vụ kiện về Biển Đông vì vụ này “có tác động đối với toàn cầu và đối với việc áp dụng quy tắc luật pháp trong các tranh chấp biển”, theo The Philippine Star.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, sau phần phát biểu của ông del Rosario, trưởng đoàn luật sư biện hộ cho Manila Paul Reichler và giáo sư luật người Anh Philippe Sands đã trình bày những luận cứ cho thấy PCA có quyền phán quyết đối với vụ kiện theo UNCLOS.
Phiên toà dự kiến tiếp tục kéo dài đến ngày 13.7 trước khi Toà trọng tài thường trực đưa ra phán quyết liệu họ có quyền xét xử hay không. Nếu Toà trọng tài thường trực tuyên bố toà không có quyền phán quyết, vụ kiện sẽ kết thúc ngay sau đó. Còn nếu Toà trọng tài thường trực quyết định ngược lại, Philippines sẽ tiếp tục tranh luận những vấn đề mấu chốt của vụ kiện.
Theo The Strait Times, cho dù Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, thắng lợi này chỉ mang tính biểu tượng, vì Trung Quốc từng tuyên bố không chấp nhận phán quyết đó. Tuy nhiên, thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng một phán quyết có lợi cho Manila sẽ khiến Bắc Kinh bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế. Còn theo CNN, nếu Bắc Kinh bác bỏ một phán quyết có lợi cho Philippines, cộng đồng quốc tế có thể sẽ gây áp lực để buộc họ tuân theo.

Văn Khoa