Luật chờ hướng dẫn: Doanh nghiệp gặp khó với thủ tục
Các doanh nghiệp ngành giấy và thép hiện đang điêu đứng do vừa phải lo tiền nhập nguyên liệu, vừa lo tiền ký quỹ với tỉ lệ khá lớn trong điều kiện sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, trong khi các quy định về ký quỹ theo luật vẫn chưa được hướng dẫn.
Luật chờ hướng dẫn: Doanh nghiệp gặp khó với thủ tục
Các doanh nghiệp ngành giấy và thép hiện đang điêu đứng do vừa phải lo tiền nhập nguyên liệu, vừa lo tiền ký quỹ với tỉ lệ khá lớn trong điều kiện sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, trong khi các quy định về ký quỹ theo luật vẫn chưa được hướng dẫn.
Doanh nghiệp ngành giấy và thép cho biết đang gặp khó với quy định ký quỹ. Trong ảnh: cho giấy nguyên liệu vào chế biến tại Công ty cổ phần giấy An Bình – Ảnh: HỮU KHOA |
Nhiều doanh nghiệp bức xúc cho rằng đến nay các bộ ngành liên quan vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định liên quan đến vấn đề nhập khẩu phế liệu – vốn là nguyên liệu để sản xuất, trong khi xung quanh câu chuyện ký quỹ và thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (GNKPL) vẫn còn nhiều tranh cãi.
Doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép
Đến hết ngày 1-7, hơn 4.500 tấn giấy phế liệu của Công ty CP Giấy Sài Gòn (SGP), tương đương 178 container 40 feet, vẫn chưa làm xong thủ tục thông quan tại cảng Cát Lái, dù lô hàng đã cập cảng từ hôm 25-6.
Theo quy định mới ban hành của nghị định 38/2015/NĐ-CP (NĐ 38) có hiệu lực từ ngày 15-6-2015, các doanh nghiệp ngành giấy muốn được thông quan các lô hàng là phế liệu giấy nhập khẩu bắt buộc phải tiến hành ký quỹ, dù thời hạn của GNKPL vẫn còn hiệu lực.“Điều vô lý là dù NĐ 38 vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, ngành hải quan vẫn buộc doanh nghiệp phải ký quỹ trước 15 ngày kể từ ngày thông quan. Trong khi từ ngày ký hợp đồng đến ngày hàng về tới cảng chỉ khoảng 10 ngày, nên hàng phải lưu container tại hải quan ít nhất thêm năm ngày, làm phát sinh chi phí” – ông Phạm Văn Trung, phó tổng giám đốc SGP, bức xúc.
Theo tính toán của ông P.B.T. – phụ trách xuất nhập khẩu Công ty giấy AB (Bình Dương), chi phí lưu container, lưu bãi sẽ phát sinh khoảng 40 USD/container/ngày sau khi số ngày nằm trong quy định bốc dỡ hàng hoá kết thúc.
“Doanh nghiệp còn mất thêm hai ngày hoàn tất thủ tục ký quỹ do lại phải đi… công chứng giấy xác nhận này để nộp hải quan sau khi được ngân hàng xác nhận đã ký quỹ. Doanh nghiệp giữ bản chính để còn lấy lại tiền ký quỹ ở ngân hàng. Thật khổ hết sức!” – ông P.B.T. nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thép tại Bà Rịa – Vũng Tàu than thở: “Để có nguyên liệu sản xuất, chúng tôi phải vay 100% vốn ngắn hạn ngân hàng, nay phải è cổ chịu thêm lãi suất của số tiền ký quỹ, sao chịu thấu?”. Theo tính toán của doanh nghiệp này, lô hàng thép phế liệu nhập khẩu có khối lượng lớn nhất của họ trị giá lên tới 220 tỉ đồng.
Với quy định phải đóng tương đương 20% giá trị lô hàng, số tiền ký quỹ là 44 tỉ đồng, con số không hề nhỏ đối với doanh nghiệp hiện nay. Hiện tại, doanh nghiệp thép này nhập khẩu xấp xỉ 400.000 tấn phế liệu/năm, nên tiền lãi ngân hàng phải chi cho tiền ký quỹ lên tới hàng chục tỉ đồng/năm là điều khó tránh.
“Sống chết mặc bây”?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau hơn một tháng khi Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực (ngày 1-1-2015), ngày 9-2 Công ty giấy AB (Bình Dương) đã nhận được công văn của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thông báo ngưng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp GNKPL với lý do “Luật bảo vệ môi trường đã có hiệu lực nên chi cục đề nghị văn phòng Sở TN&MT không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, chờ đến khi có các quy định hoặc hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”.
Lo ngại GNKPL sẽ hết hạn vào thời điểm 30-6 nên ngày 18-3-2015, Công ty giấy AB đã có công văn gửi Tổng cục Môi trường đề nghị được hướng dẫn thủ tục gia hạn cấp GNKPL.
“Mãi đến ngày 7-4-2015 chúng tôi mới nhận được công văn trả lời của cơ quan này, trong đó nói rõ không gia hạn GNKPL vì Bộ TN&MT đang trình Chính phủ ký ban hành nghị định về quản lý chất thải và phế liệu (tức NĐ 38, ban hành ngày 24-4-2015) nên cũng chỉ biết chờ” – đại diện doanh nghiệp AB cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Bảo, phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy VN (VPPA), cho biết khi nhận được phản ảnh của doanh nghiệp trong ngành về câu chuyện này, VPPA đã lập tức làm công văn gửi Bộ Công thương và Bộ TN&MT, trong đó có đề nghị Bộ TN&MT tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như sớm có thông tư hướng dẫn NĐ 38 để doanh nghiệp an tâm sản xuất nhưng không có kết quả.
“Tôi cũng xin nói thẳng Bộ TN&MT đã không làm tròn trách nhiệm” – ông Bảo bức xúc.
Chưa hết, ngay cả khi đích thân Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa ký văn bản gửi Bộ TN&MT hôm 6-5 đề nghị “quý bộ sớm nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường”, và “trong khi chưa kịp ban hành thì có văn bản hướng dẫn việc thực hiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất khi GNKPL của doanh nghiệp đã hết hạn, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp” cũng không thu được kết quả gì!
Ngày 12-5, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến có công văn phúc đáp Bộ Công thương, cho biết “đang khẩn trương xây dựng thông tư hướng dẫn”, đồng thời cam kết “dự kiến ban hành thông tư vào tháng 6-2015”. Nhưng đã qua tháng 7-2015, thông tư hướng dẫn vẫn chưa thấy đâu.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một số doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện phải đóng tiền ký quỹ cho hải quan.
Giải thích về việc buộc doanh nghiệp đóng tiền ký quỹ, ông Nguyễn Thanh Sang, chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng cửa khẩu Phú Mỹ, cho biết “theo Luật bảo vệ môi trường, ký quỹ môi trường là bắt buộc”.
Cũng theo ông Sang, dù chưa có hướng dẫn thi hành NĐ 38 nhưng luật và nghị định đã rõ. Hơn nữa, đến nay chưa có văn bản nào yêu cầu dừng thu tiền ký quỹ, nên hải quan không thể không thực hiện.
Tiền hậu bất nhất Điều 64 NĐ 38/2015/NĐ-CP có quy định điều khoản chuyển tiếp “Tổ chức, cá nhân đã được cấp GNKPL trước khi NĐ này có hiệu lực được phép tiếp tục nhập khẩu phế liệu đến hết thời hạn có hiệu lực của GNKPL”, nhưng Tổng cục Hải quan vẫn không áp dụng quy định này cho doanh nghiệp. Ngày 26-5-2015, khi trả lời Bộ Công thương về thủ tục nhập khẩu phế liệu, Bộ TN&MT cho rằng vẫn áp dụng… thông tư 34 (!?) đến khi có thông tư hướng dẫn NĐ 38. Mà theo thông tư 34/2012/TTLT-BCT-BTN&MT, muốn nhập khẩu phế liệu, doanh nghiệp phải có giấy phép với thời hạn trong sáu tháng và không phải đóng tiền ký quỹ. Trong khi đó theo NĐ 38, khi nhập khẩu phế liệu doanh nghiệp chỉ cần đóng tiền ký quỹ. Còn thực tế hiện nay doanh nghiệp vừa phải có GNKPL, vừa phải ký quỹ mới được nhập nguyên liệu là phế liệu về sản xuất. |
Lúng túng vì thiếu hướng dẫn luật Ngày 2-7, trong khi các bàn đăng ký tại Sở Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM vắng vẻ hơn mọi ngày, các bàn giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp lại khá đông đúc. Phần lớn thắc mắc của doanh nghiệp đều tập trung về những quy định trong luật mới (Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp) có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng chưa có nghị định hay thông tư hướng dẫn. Chị Nguyễn Tường Vân (Công ty Phú Phát) cho biết đã chờ đến sau ngày 1-7 để làm thủ tục thành lập công ty trong lĩnh vực xây dựng, vì nghĩ thủ tục sẽ đơn giản hơn do luật mới cho phép hoạt động những ngành không cấm. Thế nhưng khi chị Vân vào trang web của Sở KH&ĐT lấy biểu mẫu đăng ký thành lập mới thì chưa có. Chiều 2-7, chị Vân đến sở này tìm hiểu thông tin thì được một nhân viên tại đây hướng dẫn lấy biểu mẫu tại trang web của Cục Đăng ký kinh doanh. “Tưởng dễ hóa khó hơn. Do các thông tư hướng dẫn chưa ban hành nên ngay cả các thủ tục về con dấu, mẫu biểu thuế doanh nghiệp thành lập mới cũng rất lúng túng” – chị Vân nói. Tại Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza), anh Hoàng Văn Phi Sửu – nhân viên Công ty TNHH Avery Dennison (100% vốn Mỹ) – cho biết đã phải lên xuống cơ quan này nhiều lần trong hai ngày qua làm thủ tục thay đổi thông tin doanh nghiệp, nhưng vẫn không được vì thiếu thông tư hướng dẫn. Theo anh Sửu, công ty mở rộng quy mô nhà máy lên gấp đôi nhưng chưa thể thay đổi thông tin được do các quy định trong luật mới về vấn đề môi trường chưa có hướng dẫn thực hiện. Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết Bộ KH&ĐT sẽ có văn bản tạm thời để hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh trong lúc chờ thông tư và nghị định, nhưng đến nay văn bản hướng dẫn tạm thời này vẫn chưa có. Được áp dụng luật cũ nhưng không trái luật mới Đó là hướng dẫn của Bộ Xây dựng trong văn bản gửi các bộ, ngành, UBND và sở xây dựng trong thời gian chờ ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 (vừa có hiệu lực từ ngày 1-7-2015). Theo đó, Bộ Xây dựng hướng dẫn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật nhà ở năm 2005 và Luật kinh doanh bất động sản 2006 nhưng không trái với quy định của Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản năm 2014. |