28/11/2024

Thảm hoạ rơi máy bay ở Indonesia: Số người chết tăng cao

Số người thiệt mạng trong vụ máy bay vận tải quân sự Indonesia rơi xuống khu dân cư ở thành phố Medan ngày 30.6 đã lên đến 142.

 

Thảm hoạ rơi máy bay ở Indonesia: Số người chết tăng cao

 

 

Số người thiệt mạng trong vụ máy bay vận tải quân sự Indonesia rơi xuống khu dân cư ở thành phố Medan ngày 30.6 đã lên đến 142.

 

Vụ tai nạn khiến Indonesia phải xem xét vấn đề hiện đại hóa trang thiết bị của quân đội nước này - Ảnh: ReutersVụ tai nạn khiến Indonesia phải xem xét vấn đề hiện đại hóa trang thiết bị của quân đội nước này - Ảnh: Reuters
BBC dẫn lời phát ngôn viên không quân Indonesia, Dwi Badarmanto ngày 1.7 cho biết chiếc Hercules C-130 gặp nạn khi đang chở theo 122 người, bao gồm 12 thành viên phi hành đoàn, và không người nào sống sót. Cho đến nay, 62 người trong số 142 nạn nhân đã được nhận dạng.
“Quá giang” máy bay quân sự
Việc quân đội Indonesia liên tục điều chỉnh danh sách hành khách trên chiếc Hercules C-130 (con số được đưa ra trước đó là 113 người) cho thấy họ không nắm rõ số người lên máy bay. Phát ngôn viên Badarmanto ngày 1.7 thông báo trong số các nạn nhân có nhiều người là binh sĩ và thân nhân của họ, nhưng cũng xác nhận quân đội Indonesia đang điều tra khả năng chiếc máy bay gặp nạn chở theo hành khách trả tiền – hành động bị nghiêm cấm theo quy định hiện hành.
“Quá giang” máy bay quân sự để đến những nơi xa xôi là chuyện phổ biến ở Indonesia, vốn là một quần đảo trải rộng hơn 5.000 km. Đó cũng là một thói quen đối với giới chức chính phủ và người thân của các quân nhân, với sự chấp thuận của chỉ huy căn cứ. Tờ The Guardian dẫn các nguồn tin Indonesia cho biết chiếc C-130 đã bay từ thủ đô Jakarta và dừng lại ở 2 địa điểm trước khi đến căn cứ không quân Suwondo ở Medan.
Theo AFP, hiện chưa rõ bao nhiêu người thiệt mạng trên mặt đất. Tuy nhiên, liên tục có thêm thi thể nạn nhân được chuyển đến một bệnh viện ở Medan. Căn cứ vào thông báo mới nhất của quân đội Indonesia về số người có mặt trên máy bay, ít nhất 20 người trên mặt đất đã thiệt mạng. Ngày 1.7, tiếp tục có thêm những lời kể mới của nhân chứng về vụ tai nạn kinh hoàng. Tumpak Naibaho, một người vá xe, cho biết: “Mọi người hoảng loạn và gào thét. Cá nhân tôi nghĩ đó là một vụ tấn công khủng bố hay đại loại như thế. Tôi chưa bao giờ sợ hãi đến vậy và đã nghĩ rằng mình sẽ không thể sống sót”. Cũng theo lời kể của Naibaho với AFP, có hàng trăm người tại hiện trường khi tai nạn xảy ra.
Đội máy bay cũ kỹ
Vụ việc ngày 30.6 là tai nạn chết người thứ 6 liên quan đến máy bay của không quân Indonesia trong thập niên qua, theo Tổ chức Mạng lưới an toàn hàng không. Không quân nước này hiện đã mất tổng cộng 4 chiếc C-130, ảnh hưởng đáng kể khả năng bao quát lãnh thổ. Chiếc máy bay rơi ngày 30.6 được sản xuất từ năm 1964 nhưng giới chức Indonesia khẳng định nó vẫn còn hoạt động tốt và thường xuyên chuyên chở các quân nhân.
Ngày 1.7, ông Supiadin AS, thành viên Uỷ ban Hạ viện I chuyên trách các vấn đề quốc phòng, tình báo và đối ngoại, đã lên tiếng kêu gọi chính phủ xét lại chính sách nhận vũ khí viện trợ của nước ngoài. Tờ The Jakarta Post dẫn lời ông Supiadin nhấn mạnh vụ chiếc C-130 rơi là một “sự cảnh báo rõ ràng” về việc phải ngừng chính sách trên, do hầu hết các máy bay mà Indonesia được viện trợ đều đã cũ kỹ và lỗi thời.
Về phần mình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua cho biết đã ra lệnh điều tra cặn kẽ nguyên nhân tai nạn và cam kết sẽ rà soát lại đội máy bay già cỗi của lực lượng không quân cũng như kế hoạch hiện đại hoá quốc phòng của nước này.
Điện chia buồn của Việt Nam
Được tin một máy bay vận tải quân sự C130 của Indonesia gặp nạn ngày 30.6.2015 tại thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra, làm nhiều người thiệt mạng, ngày 1.7.2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi.
Theo TTXVN

Trùng Quang