28/11/2024

Điều chỉnh đề theo hướng dễ trước, khó sau

Sáng nay 1-7, thí sinh bước vào làm bài thi môn toán (thời gian 180 phút), buổi chiều thi môn ngoại ngữ (90 phút).

 

Điều chỉnh đề theo hướng dễ trước, khó sau

 

Sáng nay 1-7, thí sinh bước vào làm bài thi môn toán (thời gian 180 phút), buổi chiều thi môn ngoại ngữ (90 phút).


 

 

Sáng 30-6, tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, rất nhiều thí sinh phải chỉnh sửa lại hồ sơ. Đa số các hồ sơ sai ngày, tháng, năm sinh, khu vực, môn thi… Ảnh: Hữu Khoa
Sáng 30-6, tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, rất nhiều thí sinh phải chỉnh sửa lại hồ sơ. Đa số các hồ sơ sai ngày, tháng, năm sinh, khu vực, môn thi… Ảnh: Hữu Khoa

Theo thông tin nhanh từ Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2015, trong ngày 30-6 có 957.529 thí sinh (trong số hơn 1.006.000 thí sinh đăng ký dự thi) đến các điểm thi làm thủ tục dự thi.

Theo thông tin từ các cụm thi, số thí sinh vắng mặt trong ngày làm thủ tục dự thi chủ yếu là thí sinh tự do, đã từng thi các năm trước. Do đó, dự kiến số thí sinh thực tế dự thi từ ngày 1-7 sẽ cao hơn số thí sinh đã làm thủ tục dự thi vào ngày 30-6.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 lần đầu tiên tổ chức đã được Bộ GD-ĐT chuẩn bị rất kỹ. Đến nay, tất cả các cụm thi trên cả nước đều đã sẵn sàng cho kỳ thi.

Để giảm áp lực tinh thần, làm sao cho thí sinh cảm thấy yên tâm, thoải mái nhất khi tham dự kỳ thi quan trọng, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia để thí sinh tham khảo.

Sau khi công bố đề thi minh hoạ này, bộ đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của học sinh, giáo viên cũng như các chuyên gia giáo dục và đã có sự điều chỉnh thứ tự các câu hỏi trong đề thi chính thức.

Theo đó, trong đề thi minh họa trước đây các câu dễ, khó được bố trí lẫn lộn. Nhưng hiện nay bộ đã quyết định điều chỉnh theo hướng 60% câu cơ bản trước, để các thí sinh có học lực trung bình có thể làm được, sau đó 40% câu hỏi còn lại là những câu hỏi khó để phân loại thí sinh.

 
 

 

“Với sự điều chỉnh này, những học sinh có học lực trung bình có thể làm được phần đầu, không mất nhiều thời gian tìm kiếm câu hỏi dễ trong đề thi” – ông Ga nói.

Bộ đã quyết định điều chỉnh theo hướng 60% câu cơ bản trước, để các thí sinh có học lực trung bình có thể làm được, sau đó 40% câu hỏi còn lại là những câu hỏi khó để phân loại thí sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Hà Nội: tập trung sửa sai sót

Hơn 100.000 thí sinh dự thi tại tám cụm thi do các trường ĐH chủ trì (dành cho thí sinh của TP Hà Nội và năm tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Bắc Ninh) và một cụm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì đã bước vào ngày làm thủ tục dự thi trong tiết trời cực kỳ nắng nóng.

Kèm theo thời tiết khắc nghiệt, nhiều tuyến đường đổ về các điểm thi đã xảy ra tình trạng tắc đường, ùn ứ cục bộ. Nhiều thí sinh phải thay đổi phương tiện di chuyển để kịp đến trường làm thủ tục dự thi. Do thời tiết quá nóng bức, chiều 
30-6, nhiều cụm thi phải lắp thêm rèm cửa trong các phòng thi để “chống nóng” cho sĩ tử trong những ngày thi sắp tới.

Sáng 30-6, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, dù thống kê chưa đầy đủ, số lượng thí sinh đề nghị được sửa sai sót thông tin dự thi cũng đã lên đến 300 – 400 thí sinh. Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, số thí sinh phải chỉnh sửa sai sót lên đến hơn 200.

Ông Kiều Xuân Thực – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội – cho biết riêng những trường hợp đề nghị điều chỉnh chế độ ưu tiên để hưởng ưu tiên trong xét tốt nghiệp THPT, cụm thi không thể can thiệp dữ liệu để chỉnh sửa, nên đã hướng dẫn thí sinh liên hệ với sở GD-ĐT – nơi sẽ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh – để bổ sung.

Cụm thi tại Trường ĐH Y dược Thái Bình cũng tiếp nhận gần 100 trường hợp thí sinh cần chỉnh sửa sai sót trên giấy báo dự thi do sai thông tin về ngày sinh, số chứng minh nhân dân, khu vực ưu tiên… Trong đó, có hơn 30 thí sinh gặp vấn đề về ảnh như bị nhầm lẫn ảnh từ nam thành nữ, ảnh bị mờ, xấu, cá biệt có trường hợp scan nhầm… ảnh khác không phải ảnh thẻ thí sinh.

Ông Nguyễn Quang Dong – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân – cho biết để chuẩn bị cho ngày làm thủ tục dự thi, các cán bộ tuyển sinh nhà trường phải làm việc thâu đêm đến tận… 4g sáng 30-6 để hoàn chỉnh dữ liệu cho số thí sinh bổ sung vào phút chót có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội.

Trong số đó, sáu thí sinh bổ sung mới có dự thi môn lịch sử – môn thi có lượng thí sinh dự thi ít – buộc phải bố trí thi tại phòng thi riêng, tránh gây xáo trộn đến dữ liệu chung.

Thí sinh tìm phòng thi theo sơ đồ chỉ dẫn tai hội đồng thi ĐH Sư phạm Hà Nội sáng 30-6 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thí sinh tìm phòng thi theo sơ đồ chỉ dẫn tai hội đồng thi ĐH Sư phạm Hà Nội sáng 30-6 – Ảnh: Nguyễn Khánh

TP.HCM: nhiều sai sót trên thẻ dự thi

Nóng nhất tại TP.HCM là cụm thi ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có đến cả ngàn thí sinh điều chỉnh sai sót trong sáng 30-6.

Sau khi nghe quy chế và nhận thẻ dự thi, rất đông thí sinh đã đến khu vực điều chỉnh thông tin để xin sửa lại các thông tin sai. Các lỗi thường gặp là nhầm lẫn khu vực ưu tiên, sai số chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, đối tượng dân tộc…

Tại Trường ĐH Sài Gòn cũng có rất đông thí sinh chỉnh sửa hồ sơ. Ở một số phòng thi, cán bộ coi thi phải đi lấy thêm phiếu yêu cầu điều chỉnh sai sót để phát cho thí sinh vì nhu cầu quá nhiều. Một số thí sinh cho biết đã yêu cầu bỏ hoặc bổ sung một môn thi ở nơi nộp hồ sơ, nhưng giấy báo thi do trường gửi về vẫn không chỉnh sửa các yêu cầu này.

Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thí sinh Nguyễn Duy Đức Minh đăng ký thi các môn toán, văn, vật lý, riêng môn tiếng Anh được miễn thi. Tuy nhiên, trong giấy báo thi của thí sinh này vẫn ghi có môn tiếng Anh. Thí sinh đã đến trường yêu cầu huỷ môn tiếng Anh.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp THPT và được chấm điểm 10. Tuy nhiên, điểm này không thể dùng để xét tuyển ĐH, CĐ. Muốn xét tuyển ĐH, CĐ thí sinh vẫn phải dự thi môn ngoại ngữ.

Cần Thơ: trên 40 thí sinh phải lăn tay

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, tại chín điểm thi ở chín quận huyện do Sở GD-ĐT TP Cần Thơ tổ chức có 3.772 thí sinh làm thủ tục dự thi, đạt tỉ lệ 97,95% so với số đăng ký. Có trên 40 thí sinh quên giấy chứng minh nhân dân, giấy báo dự thi.

Trưởng các điểm thi đã cho các thí sinh làm giấy cam kết và tiến hành lăn tay. Sau đó cho các thí sinh nhận giấy báo dự thi.

Ông Nguyễn Minh Trí – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ – cho biết trong buổi sáng làm thủ tục dự thi có 302 trường hợp sai sót giấy tờ thi và đã được cán bộ phát phiếu để thí sinh điều chỉnh sai sót ngay tại phòng thi. Đa số sai sót ở phần thông tin như họ tên, khu vực ưu tiên, dân tộc, đối tượng ưu tiên…

Ông Trí cho biết với những thí sinh không làm thủ tục dự thi, tới ngày thi đầu tiên nếu hồ sơ thi có sai sót vẫn được phát phiếu để điều chỉnh sai sót ngay tại phòng thi. Riêng đối với thí sinh tự do (đã bảo lưu kết quả, chỉ thi ba môn là ngữ văn, sử, địa) thì tới môn thi thứ 3 là ngữ văn, thí sinh vẫn được điều chỉnh sai sót.

Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp: nhiều thí sinh không đến làm thủ tục thi

TS Võ Ngọc Hà – hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, chủ tịch hội đồng thi cụm Tiền Giang, Bến Tre – cho biết có tổng cộng 214/22.893 thí sinh vắng mặt trong buổi làm thủ tục dự thi.

Do vắng mặt, những thí sinh này chưa nhận được thẻ dự thi cũng như làm các thủ tục chỉnh sửa nếu có sai sót. Cũng theo ông Hà, sáng nay (1-7) nếu những thí sinh này đến điểm thi sớm sẽ được nhận thẻ dự thi và làm các thủ tục cần thiết. Tại cụm thi này rất ít thí sinh phải chỉnh sửa sai sót.

Với cụm thi tại tỉnh Đồng Tháp, có 175 thí sinh không đến làm thủ tục dự thi. Trong đó, thí sinh thi tại cụm do Trường ĐH Đồng Tháp chủ trì vắng 98 em. Phần còn lại là thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT Đồng Tháp tổ chức.

Vận động thí sinh đi thi ngay trong tối 30-6

Chiều 30-6, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn đầu đã làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND tỉnh Tiền Giang, Trường ĐH Tiền Giang, Sở GD-ĐT Tiền Giang, Sở GD-ĐT Bến Tre cùng các sở, ban ngành về công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cụm thi liên tỉnh Tiền Giang – Bến Tre.

Tại buổi làm việc nói trên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý các địa phương cần nắm thông tin kỹ các thí sinh không đến làm thủ tục dự thi, nếu phát hiện trường hợp thí sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh dân tộc ít người không đi thi được do khó khăn về kinh tế thì phải tìm cách hỗ trợ ngay.

“Ngay trong tối nay, đề nghị các giám đốc sở GD-ĐT phải chỉ đạo tìm hiểu ngay về những thí sinh không đến làm thủ tục dự thi. Tuyệt đối không để bất kỳ thí sinh nào không đi thi được do hoàn cảnh khó khăn” – ông Ga nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, tại cụm thi tỉnh này có 98,77% thí sinh đến làm thủ tục dự thi, vắng 36 thí sinh.

“Hiện chúng tôi chưa biết được thí sinh vắng mặt vì lý do gì. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trưởng điểm thi phải liên hệ ngay các trường THPT, tìm hiểu lý do vì sao các thí sinh này không đến làm thủ tục dự thi. Nếu có trường hợp thí sinh nào khó khăn về kinh tế, chúng tôi sẽ hỗ trợ các em đi thi” – ông Nguyễn Văn Huấn, phó giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre, cho biết.

Tại nhiều địa phương khác, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các cụm thi cũng đã vận động thí sinh đi thi. Sáng 30-6, tại cụm thi địa phương đặt tại Trường THPT Đạ Tông (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) do Sở GD-ĐT Lâm Đồng tổ chức, có năm thí sinh không đến làm thủ tục dự thi.

Ngay trong buổi sáng, hội đồng thi này đã liên hệ với gia đình, thí sinh để vận động, nhắc nhở thí sinh đi thi vào ngày mai, vì sợ thí sinh bỏ thi. Theo một số hiệu trưởng ở đây, kết quả thi thử vừa qua khiến nhiều học sinh lo ngại và không muốn thi tốt nghiệp THPT. Trường đã phải vận động học sinh đi thi thông qua hội phụ huynh, trưởng thôn.

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, thí sinh của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh đã có mặt tại 15 điểm thi thuộc cụm thi liên tỉnh số 35 do Đại học Trà Vinh tổ chức. Có 24 thí sinh không đến làm thủ tục. Các trường đã liên hệ với gia đình thí sinh để tìm hiểu nguyên nhân và động viên thí sinh đi thi.

NHÓM PV GIÁO DỤC