Tăng trưởng GDP có thể vượt mục tiêu 6,2%
Nhìn nhận những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nếu không có gì đột biến và tiếp tục tập trung chỉ đạo, mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2015 có thể đạt được, nhiều khả năng vượt.
Tăng trưởng GDP có thể vượt mục tiêu 6,2%
Nhìn nhận những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nếu không có gì đột biến và tiếp tục tập trung chỉ đạo, mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2015 có thể đạt được, nhiều khả năng vượt.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến Chính phủ với các địa phương hôm qua 29.6, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết đến thời điểm này mới chỉ nhận được kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của 12 bộ ngành, 12 tỉnh thành, trong đó chỉ 5 bộ hiểu đúng về phương pháp, ý nghĩa.
|
Theo ông Vinh, có 3.299 điều kiện kinh doanh quy định tại 170 thông tư, quyết định từ cấp Bộ trở xuống sẽ bị vô hiệu theo luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư mới. Tuy nhiên, luật cũng cho phép trong 1 năm (từ 1.7.2015 đến 1.7.2016) chuyển đổi các điều kiện kinh doanh này, nếu điều kiện nào cần thiết, hợp lý sẽ chuyển từ thông tư, quyết định vào Nghị định của Chính phủ, còn lại sẽ bãi bỏ. Vì vậy, ông Vinh đề nghị các bộ, ngành địa phương chấm dứt ngay việc ban hành trái thẩm quyền các quy định, điều kiện kinh doanh, cũng như bãi bỏ và đình chỉ các điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Nhiều chỉ tiêu được cải thiện
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong năm 2014 đã có nhiều chỉ tiêu được cải thiện. Điển hình như chỉ tiêu khởi sự kinh doanh đã rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày, giúp tăng 72 bậc, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước Asean 6. Chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư cũng tăng từ 3,33 điểm lên 6,2 điểm, tăng 105 bậc, đạt mức trung bình của nhóm nước Asean 6. Tổng thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội dự kiến giảm được 480 giờ và cải thiện 27 bậc, từ vị trí 149 lên vị trí 122, nhưng vị trí này vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình Asean 6…
Đặt câu hỏi tại sao mới chỉ có hơn 10 bộ và địa phương có chương trình thực hiện Nghị quyết 19, Thủ tướng cũng lưu ý các vướng mắc, khó khăn trong thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp tốn kém tiền bạc, thời gian. Vì vậy các bộ ngành phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh để kinh tế phát triển nhanh và bền vững. “Tôi mới xem thống kê, VN là một quốc gia có bình quân sử dụng internet cao hơn các nước trong khu vực và thế giới, điều đó rất đáng mừng. Trước đây chúng ta thu thuế, giờ có nộp thuế qua mạng tiện biết bao nhiêu. Đến tháng 9 này có thể có 90% nộp thuế qua mạng. Từ việc xách một bao tiền đi xếp hàng chờ nộp thuế giờ chỉ phải nộp thuế qua mạng, mà 90% được như thế thì đỡ bao nhiêu công sức cho người dân, cho doanh nghiệp, tiết kiệm cho xã hội này được bao nhiêu”, Thủ tướng nói.
|
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành, địa phương tập trung sức chỉ đạo để cải tạo môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia mà chính là cải cách thủ tục hành chính. Những gì còn vướng mắc cần chấn chỉnh để tiết kiệm cho xã hội, không chỉ việc nộp thuế, mà BHXH, điện, đăng ký kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện Chính phủ điện tử.
Phải kiểm soát tốt, giữ được sự ổn định vĩ mô
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm (2011 là 5,92%, năm 2012 là 4,93%, năm 2013 là 4,9%, năm 2014 là 5,22%). Tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm cho thấy, dù kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nhưng đang tiếp tục xu hướng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, khách quốc tế đến VN giảm sút mạnh, giảm so với cùng kỳ năm trước 11%. Ngoài 5 nước châu Âu đã được miễn visa, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng cấp visa cho các nước còn lại, trừ những nước có tình hình chính trị không ổn định, nâng visa từ 15 ngày lên 3 tháng, không chỉ cấp cho khách du lịch mà cả nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó cần nâng giờ làm thêm của người lao động, vì quy định cứng 200 giờ làm thêm hiện nay làm giảm sự cạnh tranh của lao động trong nước.
Nhận định nền kinh tế về cơ bản ổn định, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và dự báo kỳ vọng tích cực, nhưng Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Thủ tướng nhắc nhở phải kiểm soát chặt, đẩy mạnh xuất khẩu, vì nhập siêu càng cao sức ép về ổn định kinh tế vĩ mô càng lớn. “Khách du lịch chúng ta đã có chính sách tích cực nhưng phải đẩy mạnh. Myanmar đã đón 5 triệu khách quốc tế, VN chúng ta nói cảnh quan tươi đẹp, ổn định chính trị nhưng cũng chỉ mới có 7 triệu khách quốc tế”, Thủ tướng lưu ý.
Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ ngành phải phấn đấu đạt và vượt kế hoạch, trước hết phải kiểm soát tốt, giữ được sự ổn định vĩ mô. Tiếp tục tái cơ cấu với doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người dân và doanh nghiệp. “Có những đồng chí thứ trưởng người ta gặp là sợ, vì đưa lên ông đó là chết. Tôi nghe mà sốt ruột, cải cách hành chính còn là phẩm chất, đạo đức, nhưng nhiều người đưa ra đủ kiểu, đi vắng, họp nọ kia”, Thủ tướng cho hay và yêu cầu cần tập trung rà soát, loại bỏ quy định không phù hợp, đưa ngay công nghệ thông tin vào quản lý; Đề cao trách nhiệm của các cấp ngành, nhất là người đứng đầu.
“Trong hoạt động điều hành vấn đề gì còn hạn chế yếu kém cần được tập trung làm rõ, không nói chung chung mà phải khắc phục cho được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ động thu hút đầu tư xã hội
Thủ tướng cũng yêu cầu “các tỉnh bớt xin trái phiếu, T.Ư hỗ trợ”. “BOT nhiều địa phương phản đối, bám ngân sách rồi chạy đủ kiểu, chạy xin trái phiếu, vốn tăng thu, danh mục đầu tư trung hạn. BOT hiệu quả nhưng cần xét chặt chẽ năng lực tài chính chủ đầu tư, không để tạo nên nợ xấu. Nhân dân không làm ăn tốt, doanh nghiệp không làm ăn tốt, chúng ta sẽ không có gì cả. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách, không thu hút đầu tư toàn xã hội sẽ không bao giờ có hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, Thủ tướng nhắc nhở.
Về các vấn đề xã hội, Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chuẩn bị, tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia…
Có thể đạt được 6,4 – 6,5% cả năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý GDP 6 tháng đầu năm đã cao hơn mục tiêu đặt ra đầu năm là 6,2%, nhưng báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy nếu không tăng khai thác dầu thô thì GDP cả năm khó đạt 6,2%. “Tinh thần GDP cả năm phải đạt bằng hoặc cao hơn 6,28%, phải phấn đấu đạt cao hơn con số đã đạt được trong 6 tháng đầu năm”, Thủ tướng yêu cầu. Theo Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm chủ yếu do trồng trọt, đặc biệt là lúa gạo. Thách thức với ngành nông nghiệp từ cả thiên tai và thị trường. Để có giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 3,4% so với năm 2014, từ giờ đến cuối năm phải làm ra thêm 10.000 tỉ đồng. Ông Phát đề nghị các địa phương tính toán hướng dẫn, hỗ trợ cho người nông dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết giá dầu hiện chỉ còn bằng trên 50% cùng kỳ năm trước, nên Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia tăng khai thác thêm 1 triệu tấn so với kế hoạch, khoảng 15,74 triệu tấn. Với khẳng định này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng các bộ đã có tính toán, nếu sản xuất dầu tăng thêm sản lượng, nông nghiệp tăng giá trị khoảng 2,9% thì tốc độ GDP có thể đạt được 6,4 – 6,5% cả năm. |
Mai Thu