Tràn lan ‘đề thi tiên tri’
Trên mạng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những “đề tiên tri”, “đề dự đoán” kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhất là khi ngày thi đã cận kề.
Tràn lan ‘đề thi tiên tri’
Trên mạng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những “đề tiên tri”, “đề dự đoán” kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhất là khi ngày thi đã cận kề.
Trên YouTube, đoạn phim Tiên đoán đề thi THPT quốc gia môn vật lý đã thu hút hơn 1.800 lượt xem chỉ sau hai ngày đăng tải; đồng thời được dân mạng chia sẻ nhiều trên Facebook với những lời nhắn: “Có tiên đoán rồi, học tủ thôi”, “Ôn cho kỹ mấy phần mà giảng viên đã tiên đoán”…
Cũng tại YouTube còn vô số các đoạn phim “tiên đoán đề thi” khác, ở khắp các môn từ toán, lý, hóa, văn… Nhưng nơi xuất hiện các “đề tiên tri”, “đề dự đoán” nhiều nhất phải kể đến các diễn đàn.
VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên 8 lần đoạt HCV và phá kỷ lục môn bơi lội tại SEA Games 28, cũng như có nhiều câu nói truyền cảm hứng trong lòng người hâm mộ. Thế nên diễn đàn tuyensinh… đã dự đoán Ánh Viên sẽ xuất hiện trong đề thi và đề thi có thể yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về một trong những câu nói ấn tượng của vận động viên này khi trả lời phỏng vấn. Hay trên trang k2pi.net.vn cũng đăng tải “đề tiên tri môn toán” với 10 câu hỏi…
Ảnh hưởng tâm lý thí sinh
Câu chuyện này cũng đã khiến dân mạng tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Bạn Hà Phương cho rằng “bản thân tôi thấy những đề ấy rất bổ ích dành cho thí sinh sắp thi. Vì qua đó có thể đoán biết đề thi năm nay sẽ như thế nào, để khi bắt đầu thi đỡ bỡ ngỡ vì đã được thử sức”. Còn Thanh Miu nói: “Hơn một tháng qua tôi toàn làm những đề thi dự đoán. Biết đâu sẽ trúng tủ khi thi thật thì sao”.
Tuy nhiên, có không ít bình luận phản đối việc những “đề tiên tri”, “đề dự đoán” xuất hiện tràn lan. “Đã gọi là tiên tri mà tiên tri cùng lúc 50 đề thi thì tiên tri làm gì nhỉ”, Ngân Trần bức xúc. Tương tự, Đức Vĩnh bảo “tôi nghĩ chẳng qua là các diễn đàn đăng tải như thế để hút người xem, nhất là mấy học sinh”.
Trao đổi với PV Thanh Niên về câu chuyện này, tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng việc trên mạng xuất hiện ngày càng nhiều “đề tiên tri”, “đề dự đoán” như thế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, khiến thí sinh tốn công sức vào đọc rồi sẽ hoang mang.
“Nếu dùng từ đề thi thử thì chấp nhận được. Hãy nói rõ ra là như vậy. Chứ đừng dùng từ dự đoán hay tiên tri. Dùng thế là không hay, vì sẽ khiến người xem ngỡ là đoán đúng, tưởng đề này sẽ là thật và vô tình hướng họ đến việc học tủ, chăm chỉ mảng này mà lơ là mảng kia, ôn luyện không đều các kiến thức”, tiến sĩ Dũng nói.
Vị tiến sĩ này cũng chia sẻ sở dĩ những “đề tiên tri”, “đề dự đoán” ngày càng nhiều có thể vì những người ra đề đã nghĩ đến tính vụ lợi, tính PR. Nếu lần này đoán trúng, tiên tri chính xác thì sẽ có cơ hội khuếch trương tên tuổi. Nhưng thiết nghĩ điều này là không nên, đã làm giáo dục thì đừng như thế.
Tiến sĩ Dũng cũng hiến kế, thay vì cho ra vô số “đề tiên tri”, “đề dự đoán”, đến khi thí sinh làm thử lại chẳng có nhận xét chấm điểm để thí sinh biết đang yếu kiến thức nào, thì hãy soạn những đề thi thử.
Trong đó hệ thống đầy đủ, bao quát tất cả các kiến thức. Và khi thí sinh làm hãy cố gắng nhận xét, phân tích cho thí sinh. Như thế mới giúp ích thật sự cho thí sinh.
Bình luận
* “Đọc cái tên đề tiên tri trên mạng mà mình phì cười”. (Lê Minh An/Facebook)
* “Tôi thấy giờ trên mạng nhiều dự đoán quá. Các thầy đã biến thành các “Gia Cát… dự”. Nếu trúng dạng sẽ tha hồ nổ, còn không thì cũng chỉ mang tiếng là dự đoán. Còn các em thì đa số sẽ tủ theo những dự đoán đó. Nói chung là không ổn”. (Son Nguyen Truong/Facebook)
* “Những người thích dự đoán và có tài dự đoán thường có 2 kết quả, một trúng hai trật”. (Kiem Nguyen/Facebook)
* “Cứ câu view bằng đề tiên tri hay dự đoán thì rất phản khoa học, phản giáo dục”. (Lê Nam/Facebook)
|
Xuân Phương