Cảnh sát biển Việt Nam chạm trán cướp biển
Số vụ cướp ở vùng biển trong khu vực Đông Nam Á tăng mạnh và nhiều lần cảnh sát biển Việt Nam phải hành động để bảo vệ sự an toàn cho tàu bè đi lại.
Cảnh sát biển Việt Nam chạm trán cướp biển
Số vụ cướp ở vùng biển trong khu vực Đông Nam Á tăng mạnh và nhiều lần cảnh sát biển Việt Nam phải hành động để bảo vệ sự an toàn cho tàu bè đi lại.
Tối 24-6, lực lượng chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 di lý tám đối tượng thực hiện vụ cướp tàu dầu Orkim Harmony (Malaysia) ra Hà Nội để Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục điều tra – Ảnh: Minh Tuấn |
18g19 ngày 19-11-2012. Trung tâm Chia sẻ thông tin của Cục Cảnh sát biển Việt Nam (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay) nhận được điện khẩn từ Trung tâm Thông báo cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế tại Kuala Lumpur, Malaysia. Họ thông báo về việc tàu chở hoá chất Zafirah của Malaysia bị mất tích.
Nhóm cướp biển trên tàu Zafirah – Ảnh tư liệu |
Theo dấu Zafirah
Vị trí cuối cùng mà tàu Zafirah liên lạc với chủ tàu ở tọa độ 9°21’58” vĩ Bắc – 109°26’49” kinh Đông, lúc 10g06 ngày 19-11, cách nam đông nam Vũng Tàu 110 hải lý (khoảng 204km).
Họ thông tin sơ bộ về tàu Zafirah: Số IMO (số đăng ký hàng hải quốc tế): 9016387. Quốc tịch: Malaysia. Trọng tải: 1.125 tấn. Hướng đi: 7 độ (hướng bắc). Tốc độ: 8 hải lý/giờ (khoảng 15 km/giờ). Hàng hóa trên tàu: 300 tấn dầu nhẹ, rất dễ cháy nổ. Tình trạng an ninh: hiện bị mất tích, có khả năng bị cướp biển tấn công.
Sau khi tiếp nhận thông tin, đánh giá và nhận định tình hình, Cục Cảnh sát biển Việt Nam liền báo cáo với Bộ Tổng tham mưu và thông báo với các tàu cảnh sát biển (CSB) đang hoạt động trên biển, yêu cầu phải báo cáo về sở chỉ huy Cục Cảnh sát biển khi có thông tin về tàu Zafirah.
Đến 10g06 phút sáng 20-11, Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển (ReCAAP – ISC) của liên chính phủ tại Singapore thông báo tàu bị cướp có khả năng đang đi vào vùng biển Việt Nam. Bức điện có nội dung: “Sau đây là thông tin cập nhật mới nhất của chúng tôi về tàu bị mất tích.
Tọa độ: 10°5’38” vĩ Bắc – 109°28’37” kinh Đông. Hướng: 235 độ (nam tây nam – PV). Tốc độ: 10 hải lý/giờ (khoảng 18,5 km/giờ – PV).
Theo vệ tinh dò tìm của chúng tôi, có rất nhiều khả năng tàu đang đi vào vùng biển Việt Nam. Xin quý ngài thông báo đến các cơ quan chức năng liên quan để có biện pháp xử lý cần thiết”.
Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi nhận được bức điện khẩn từ ReCAAP – ISC, đến 16g40, sau khi báo cáo xin chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Cục Cảnh sát biển Việt Nam lệnh cho tàu CSB 6007 đang làm nhiệm vụ tại khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận) cơ động đi trinh sát nắm tình hình về tàu bị mất tích.
Chiều 20-11, Cục Cảnh sát biển nhận được một bức điện từ Trung tâm Thông báo cướp biển – Cục Hàng hải quốc tế (IMB) với nội dung: “Tọa độ mới nhất mà chúng tôi dò tìm được vào lúc 17g58 (giờ địa phương) về tàu mất tích/bắt cóc Zafirah là: Vị trí: 9°55’52” vĩ Bắc – 109°16’1″ kinh Đông. Hướng: 227 độ (nam tây nam – PV). Tốc độ: 10 hải lý/giờ. Có rất nhiều khả năng tàu này đang tìm cách cập cảng Việt Nam”.
Bức điện của IMB cho thấy hướng đi của tàu này vẫn không đổi là nam tây nam. Thông tin này một lần nữa khiến khẳng định việc tàu Zafirah chuyển hướng vào Việt Nam thêm đáng tin cậy.
11g15 tối 20-11, Cục Cảnh sát biển Việt Nam nhận được thông tin quý từ Trung tâm Thông báo cướp biển: “Vào lúc 23g00 giờ địa phương ngày 20-11-2012, tàu ở khu vực có tọa độ 9°21’47” vĩ Bắc – 108°50’2″ kinh Đông, hướng góc 247° (nam tây nam – PV), tốc độ trung bình 9 hải lý/giờ (gần 17 km/giờ – PV).
Quan sát thu được từ ShipLoc về vị trí của tàu, hiện tại tàu vẫn đang đi vào vùng biển Việt Nam. Chúng tôi đã tính toán về vị trí bờ biển gần nhất và thấy như sau: tàu ở vào khoảng 94 hải lý từ bờ biển gần nhất được thấy trên mạn phải của tàu, góc 90 độ từ vị trí hiện tại của nó.
Tàu dường như hướng tới đảo Côn Sơn, cách 136 hải lý (khoảng 252km – PV) về phía trước. Chúng tôi tin chắc cướp trên tàu đang cố gắng cập vào đâu đó để hủy hàng hoặc hủy tàu”.
Đến 9g35 sáng 21-11, Trung tâm Thông báo cướp biển – Cục Hàng hải quốc tế tiếp tục cung cấp thêm thông tin: “Rất có thể tàu đang đi vào Côn Sơn vì theo chúng tôi quan sát được, tàu đang cách điểm gần nhất của đảo là 42 hải lý (khoảng 78km – PV)”.
Theo thông tin từ bức điện khẩn này, tàu Zafirah tiếp tục duy trì hướng đi như ngày hôm trước, vẫn di chuyển theo hướng nam tây nam và khoảng cách vào đảo Côn Sơn đã được thu ngắn 94 hải lý.
Con tàu Zafirah bị cướp biển đổi tên và đi vào vùng biển Việt Nam Ảnh tư liệu |
“Chúng tôi xác định bọn cướp biển là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, có vũ khí nóng, hành vi manh động. Quá trình truy bắt có thể có những tình huống xấu nhất xảy ra, nguy hiểm đến tính mạng cán bộ, chiến sĩ và huỷ hoại tài sản. Không có những phương án tác chiến chặt chẽ để thực hiện, gây cháy, nổ sẽ gây ra sự cố tràn dầu, ô nhiễm, hủy hoại đến môi trường cả một vùng biển rộng lớn, kéo theo những hậu quả khôn lường về các hoạt động khác trên biển” |
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm nhớ lại |
Lệnh truy nã
Từ những thông tin thường xuyên cập nhật, chia sẻ với Cục Hàng hải quốc tế ở Malaysia, Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển liên chính phủ tại Singapore, Trung tâm phân tích tổng hợp của Hải quân Singapore, Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã xác định danh tính, nhận dạng, tình trạng cũng như các yếu tố vận động của tàu bị cướp biển và đề ra phương án sục sạo tìm kiếm, phát hiện, xác minh tàu bị cướp.
Khi đó thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm (tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay) đang mang quân hàm đại tá, là cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi nhận định tàu bị cướp đang đi vào Vũng Tàu có xác suất rất cao, 13g40 Cục Cảnh sát biển Việt Nam nhận được bức điện mật của Bộ Tổng tham mưu yêu cầu Cục Cảnh sát biển sử dụng lực lượng từ 1 – 2 tàu xuất phát với vận tốc cao nhất, tính toán, tiếp cận tàu bị cướp biển khống chế, xác minh và xử lý theo pháp luật và báo cáo về sở chỉ huy Bộ Quốc phòng.
Một cuộc hội ý trong Thường vụ – chỉ huy Cục Cảnh sát biển diễn ra cấp tốc, thống nhất phương án tác chiến và báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu.
12 phút sau, 13g52, đại tá Nguyễn Quang Đạm lệnh cho Vùng Cảnh sát biển 3 (Vũng Tàu) sử dụng biên đội tàu CSB 4034 và 9001 cơ động ngay về khu vực tàu bị cướp để phối hợp với các lực lượng kiểm tra, khống chế. Lúc này tàu CSB 4034 và 9001 đang có mặt tại phía đông bãi cạn Đông Sơn, cách đông đông nam Côn Đảo 45 hải lý (khoảng 83km).
Trong lúc đó, sở chỉ huy Cục Cảnh sát biển Việt Nam ở Hà Nội lại nhận được thông tin nóng từ Trung tâm Thông báo cướp biển với nội dung: “Chủ tàu MT Zafirah cho biết họ nghe được tin đồn từ thị trường dầu mỏ Singapore rằng một công ty có tên “Petimax” sẽ tiếp nhận số hàng (dầu marine gas) trên tàu MT Zafirah vào tối nay.
Chúng tôi đã tính toán, hiện tại tàu đang cách Vũng Tàu 92 hải lý, với tốc độ 5 hải lý hiện hành thì tàu có khả năng vào Vũng Tàu trong vòng 18 giờ nữa”.
Thông tin này khiến thời gian tìm kiếm càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Để tăng cường lực lượng, gần 7 tiếng đồng hồ sau đó (lúc 20g30 ngày 21-11), Cục Cảnh sát biển tiếp tục điều tàu CSB 4031 đang trực tại cảng Vũng Tàu nhanh chóng xuất phát để phối hợp với tàu CSB 4034 tìm kiếm.
Ngay trong chiều tối 21-11, Trung tâm Thông báo cướp biển cũng đã gửi điện miêu tả chi tiết về màu sơn trên tàu Zafirah: Phần cấu trúc bên trên boong tàu sơn màu trắng. Ống khói sơn màu trắng có chữ “EA” được viết hai bên ống khói (có ảnh gửi kèm).
Boong tàu sơn màu xanh lá cây. Thân tàu sơn màu đen bên trên, màu đỏ bên dưới. Số IMO của tàu được khắc nổi phía đuôi tàu. Do đó, cho dù bọn cướp biển có sơn đè lên thì số IMO vẫn có thể nhận dạng được.
Trong lúc đó, các tàu cảnh sát biển nhận lệnh đã lao ra khu vực có toạ độ được chỉ thị với tốc độ cao nhất có thể. Không quản đêm tối, tàu CSB 4031 xuất phát từ cảng Vũng Tàu lao ra biển giữa màn đêm dày đặc để tìm kiếm tàu Zafirah…
Tàu CSB 4034, 9001 đang trên hành trình đi Trường Sa và nhà giàn DK1 cũng được lệnh quay ra toạ độ được chỉ thị để nhập vào cùng biên đội với tàu CSB 4031.