Trung Quốc xoa dịu Mỹ trước đối thoại
Giới chức và truyền thông Trung Quốc cố gắng giảm nhẹ bất đồng, đề cao hợp tác và lợi ích chung với Mỹ trước thềm cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước.
Trung Quốc xoa dịu Mỹ trước đối thoại
Giới chức và truyền thông Trung Quốc cố gắng giảm nhẹ bất đồng, đề cao hợp tác và lợi ích chung với Mỹ trước thềm cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước.
Ngày 20.6, tờ China Daily dẫn lời giới chức và giới quan sát Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh và Washington sẵn sàng thiết lập “liên lạc hiệu quả” cho những vấn đề lớn. Tờ báo dẫn lời Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch nhận định cả hai bên sẽ có một danh sách dài về các điểm cần nêu ra cho Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ – Trung (S&ED) năm nay, dự kiến diễn ra ở thủ đô Washington của Mỹ từ ngày 22 – 24.6, cho thấy “hai bên rất muốn giải quyết và kiểm soát các vấn đề đang nổi lên”.
Cùng ngày, Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài bình luận đề cao các lợi ích chung giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa hai quốc gia này. Trong bài viết, Nhân Dân nhật báocòn nhấn mạnh hai bên có thể vượt qua các bất đồng. Tương tự, tại một diễn đàn ở Bắc Kinh ngày 19.6, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang cũng tuyên bố Bắc Kinh sẽ “xử lý và kiểm soát hiệu quả” các bất đồng với Washington, theo Reuters.
Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel nhấn mạnh rằng trong đối thoại chiến lược sắp tới, phía Mỹ sẽ nêu lên các bất đồng với Trung Quốc, trong đó có vấn đề Biển Đông.
S&ED diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng tốc hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trên 7 bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, gây quan ngại toàn cầu. Ngày 19.6, một nhóm học giả thuộc Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ) lên tiếng kêu gọi Mỹ phản ứng trước hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông để bảo vệ quyền tiếp cận các giá trị toàn cầu và từ đó củng cố luật pháp quốc tế, theo tạp chí Seapower. Trong đó, cố vấn cấp cao của Chương trình châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới Patrick Cronin nói rõ Mỹ cần ngăn chặn mưu đồ của Trung Quốc dùng các đảo nhân tạo để củng cố tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông bằng cách duy trì quyền tự do lưu thông, tăng áp lực ngoại giao với Bắc Kinh và xây dựng khả năng ứng phó với các quốc gia đối tác ở khu vực.
Một chuyên gia khác tên Paul Giarra cũng cảnh báo về nỗ lực của Trung Quốc dùng các đảo nhân tạo để can thiệp vào quyền tự do tiếp cận các giá trị toàn cầu là sự tấn công vào luật pháp. “Trung Quốc đang chà đạp lên các quyền của những quốc gia khác”, ông Giarra khẳng định.
Nhật – Trung xúc tiến lập cơ chế liên lạc trên biển
Trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh ngày 19.6, các đại diện từ Bộ Quốc phòng của Trung Quốc và Nhật nhất trí tăng tốc quá trình thiết lập một cơ chế liên lạc giữa 2 bên nhằm tránh các vụ va chạm trên biển, theo Kyodo News. Hai bên còn nhất trí sẽ liên lạc bằng tiếng Anh khi xảy ra sự cố và lập đường dây nóng giữa chỉ huy của các lực lượng trên biển và trên không của hai nước. Động thái này cho thấy có dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ Nhật – Trung, dù hai bên vẫn đang có tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bên cạnh đó, nhật báo kinh tế Nikkei hôm qua 20.6 loan tin các lãnh đạo Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc đang xem xét tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên lần đầu tiên trong 3 năm qua. Theo đó, cuộc gặp có thể diễn ra ở Hàn Quốc trong thời gian giữa tháng 9 và tháng 11, nhằm khôi phục sự hợp tác giữa 3 nền kinh tế lớn nhất châu Á, vốn bị tạm ngưng từ năm 2012 do tranh chấp lãnh thổ và bất đồng lịch sử giữa các bên.
|
Văn Khoa