Tôn nhái tràn ngập miền quê
Tại Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, từ đầu hè đến nay lượng tôn tiêu thụ mạnh. Chính vì vậy, tôn giả, tôn kém chất lượng xuất hiện nhiều, giá cả nhiễu loạn.
Tôn nhái tràn ngập miền quê
Tại Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, từ đầu hè đến nay lượng tôn tiêu thụ mạnh. Chính vì vậy, tôn giả, tôn kém chất lượng xuất hiện nhiều, giá cả nhiễu loạn.
Hàng nhái cũng niêm yết giá
Ông Hoàng Đình Nhân, đại diện bán hàng tại Nam Định của Công ty CP đầu tư và phát triển Niềm Tin Việt, cho biết sản phẩm TonMat của doanh nghiệp này xuất hiện chưa lâu nhưng đã bị làm nhái nhiều. “Mỗi tháng, chúng tôi tiêu thụ tại Nam Định 2.500 m2, số lượng tôn “nhái” lên tới khoảng trên 1.000 m2”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, tôn nhái của hãng này do chính các doanh nghiệp tại địa phương sản xuất, nên giá bán ra thị trường rẻ hơn tôn chính hãng khoảng từ 10.000 – 15.000 đồng/m2. Tuy nhiên, chất lượng của tôn nhái rất đáng lo vì không có độ bám dính giữa các lớp cách nhiệt, chỉ vài tháng là bị bong. Ngoài ra, lớp tôn mỏng hơn, kém chất lượng hơn tôn chính hãng. “Hãng tôn nào có thương hiệu uy tín và bán chạy hàng, thu lợi lớn như Hoa Sen chẳng hạn… thì lập tức bị làm giả, làm nhái ngay. Ở các địa phương có những doanh nghiệp không lo phát triển thương hiệu riêng của mình mà chỉ nhăm nhăm đi tìm các hãng tôn mới xuất hiện hoặc có uy tín để làm giả, vừa nhanh, nhàn, lại thu nhập cao”, ông Nhân bức xúc phản ảnh.
Không chỉ ở Nam Định, tại Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng…, các cơ sở, doanh nghiệp, các nhà sản xuất tôn dù đều khẳng định bán hàng chính hiệu, nhưng nếu khách mua có nhu cầu làm đại lý chuyên cung cấp tôn nhái với giá thấp, thì ngay lập tức được đáp ứng. Trong vai một khách hàng đi khảo giá, chúng tôi tìm đến một đại lý kinh doanh tôn có tiếng ở H.Mỹ Lộc và TP.Nam Định (tỉnh Nam Định) có tên Loan. Khi biết ý định khách hàng muốn mua tôn nhãn mác chính hãng nhưng giá rẻ hơn, chủ cửa hàng cung cấp luôn danh sách 6 loại tôn có hàng nhái với giá rẻ hơn tôn chính hãng lên đến 10.000 đồng/m2. Trong danh sách này có tôn liên doanh Everet, tôn Đại Thiên Lộc, tôn Việt Hàn, tôn Trung Nguyên…
Thậm chí, cửa hàng này còn làm một báo giá cả 2 loại tôn chính hãng và tôn nhái được ghi dưới tiêu đề “đơn giá hàng thiếu” để khách hàng dễ lựa chọn, chỉ khác là “muốn mua tôn chính hãng thì có hằng ngày, còn mua tôn nhái thì phải đợi vài ngày để cửa hàng đi đặt”. Còn tại TP.Thái Bình, khảo sát hơn chục cửa hàng bán tôn, thì chủ cửa hàng đều cho biết có bán cả hàng nhái của hầu hết các hãng tôn. Chủ một cửa hàng tại đường Lý Thường Kiệt cho biết 2 hãng tôn bị làm nhái nhiều nhất hiện nay tại Thái Bình là tôn Vicop Việt Nhật và Hoa Sen. Còn tại cửa hàng tôn giáp với KCN Đồng Văn, chủ cửa hàng khẳng định: “Ở đây có đủ nhãn mác từ Hoa Sen, Tovico, Việt Nhật, giá rẻ hơn tất cả các cửa hàng trong khu vực vì lấy từ doanh nghiệp chuyên làm tôn nhái trong KCN Đồng Văn”…
Khoán cho chủ thầu dễ bị hàng nhái
Anh Nguyễn Văn Thắng, đội trưởng thi công xây dựng của Công ty TNHH Hà Ninh, một khách hàng thường xuyên mua tôn lợp và vật liệu xây dựng ở cả 3 tỉnh này cho biết: “Ở đâu cũng vậy, các cửa hàng đều đồng thời có đủ cả tôn chính hãng và tôn nhái để khách hàng lựa chọn”. Tôn nhái được làm ngày càng tinh vi, từ nhãn mác, màu sơn, số sóng tôn… đều giống hệt tôn chính hãng. Nhưng điểm không thể làm giả là tôn nhái bao giờ cũng mỏng hơn tôn chính hãng vài dem. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường tôn nhái, tôn giả phát triển rất mạnh tại Thái Bình, Hà Nam, Nam Định là do người dân nơi đây có nhu cầu lợp mái tôn nhưng lại không trực tiếp đi mua tôn mà thường dùng hình thức khoán gọn toàn bộ các công đoạn lợp mái tôn cho chủ thầu. Trong khi đó, các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, cửa hàng cơ khí nắm rõ việc thiếu am hiểu về thị trường tôn của khách hàng nên thường mua tôn nhái với giá rẻ hơn để thi công.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ cửa hàng cơ khí Tuấn trên đường Giải Phóng (TP.Nam Định) cho biết: “Cùng là lợp mái, nhưng chúng tôi mua tôn chính hãng, sắt chính hãng nên giá thành là 270.000 đồng/m2. Sau khi trừ nguyên liệu, tiền công lãi chỉ còn được 50.000 đồng/m2. Nhưng có những cửa hàng chỉ làm với giá 200.000 đồng/m2, thậm chí thấp hơn. Như vậy chắc chắn họ phải mua tôn nhái, sắt loại 2 thì mới làm được với giá ấy”. Anh Nguyễn Văn Đồng, một thợ cơ khí chuyên về mái tôn, nói: “80% các cửa hàng cơ khí đều mua tôn nhái, tôn kém chất lượng để thi công. Nếu khách hàng biết thì họ đổi, còn không thì thôi”. Theo anh Đồng, tôn nhái không chỉ mỏng hơn về độ dày mà chất lượng tôn cũng rất kém. “Chỉ sau nhiều nhất là 2 năm, lớp sơn phủ sẽ bong nham nhở, thủng lỗ chỗ”, anh Đồng cho hay.
Còn anh Trần Văn Tùng (42 tuổi, quê H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), một chủ thầu có tiếng ở vùng quê lúa lại khẳng định với chất lượng tôn nhái như hiện nay thì chỉ qua mùa mưa thứ hai, mái tôn lợp sẽ xuất hiện hàng loạt gỉ sét. Trong trường hợp các cơ sở sản xuất nhỏ, không đủ kinh phí sắm máy in phun nhãn mác xịn để làm tôn nhái, khách hàng còn dễ nhận dạng. Nhưng với những nhà máy sản xuất tôn thép cỡ lớn, dùng máy dập mác loại công nghệ cao để in nhãn hàng tôn nhái, thì người mua khó mà phân biệt nổi.
Tuy nhiên theo anh Tùng, nếu quan sát kỹ vẫn có thể phát hiện được tôn nhái dập mác, như chất lượng độ mạ không chuẩn, màu hơi lệch, mã số cuộn tôn trên dòng in không giống mã in như nhà sản xuất quy định. Anh Tùng cho hay tôn nhái thường mỏng, thiếu dem, không đủ trọng lượng. Do vậy để phát hiện hàng mua không phải do nhà máy chính hãng sản xuất, khách hàng có thể yêu cầu các đại lý, các cơ sở cân trọng lượng của khối lượng tôn đã mua. Như tôn màu chính hãng có độ dày 0,35 mm, khi cân sẽ có trọng lượng từ 2,90 – 3,00 kg/m, còn tôn màu độ dày 0,30 mm sẽ có trọng lượng từ 2,40 – 2,50 kg/m…
Hà An – Hoàng Long