Vì sao Trung Quốc tuyên bố sắp xây xong đảo phi pháp ở Trường Sa?
Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ hoàn tất việc xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông trong vòng “vài ngày tới”; đây là động thái được cho nhằm xoa dịu căng thẳng với Mỹ, ASEAN, tiến tới đạt được lợi ích riêng của nước này.
Vì sao Trung Quốc tuyên bố sắp xây xong đảo phi pháp ở Trường Sa?
Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ hoàn tất việc xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông trong vòng “vài ngày tới”; đây là động thái được cho nhằm xoa dịu căng thẳng với Mỹ, ASEAN, tiến tới đạt được lợi ích riêng của nước này.
Vì sao Trung Quốc tuyên bố kết thúc hoạt động xây dựng trái phép ở Trường Sa? Trong bài viết trên chuyên san The Diplomat (Nhật Bản) ngày 16.6, bà Shannon Tiezzi, chuyên gia người Mỹ chuyên nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Tổ chức nghiên cứu chính sách Mỹ – Trung Quốc, đưa ra một số lý giải về động thái này của Trung Quốc:
Thứ nhất, Bắc Kinh tuyên bố rõ ràng họ hoàn tất việc xây đảo, chứ không phải từ bỏ vì áp lực của Mỹ và các nước ASEAN.
Quan hệ Mỹ – Trung Quốc trở nên căng thẳng một phần vì vấn đề Biển Đông. Tuyên bố trên của Bắc Kinh có thể nhằm xoa dịu căng thẳng quanh vấn đề Biển Đông, nhất là căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 9.2015 và Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ – Trung sắp diễn ra trong tháng này tại thủ đô Washington (Mỹ).
Bên cạnh đó, Mỹ sẽ bước vào mùa bầu cử tổng thống năm 2016 và Trung Quốc không muốn những hành động bành trướng của nước này ở Biển Đông trở thành tâm điểm trong những cuộc tranh luận gay gắt giữa các ứng cử viên tổng thống, theo bà Tiezzi.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn kết thúc hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép để phục vụ lợi ích cho chính sách ngoại giao của nước này với các nước ASEAN. Một khi hoàn tất, Bắc Kinh chuyển sang “giải quyết hậu quả” mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.
Quan hệ Trung Quốc – ASEAN là yếu tố quyết định khả năng xúc tiến chiến lược Con đường Tơ lụa, được ông Tập công bố hồi năm 2013. Con đường Tơ lụa bao gồm Vành đai kinh tế trên bộ và Con đường Tơ lụa trên biển: “Vành đai” sẽ giúp Trung Quốc nối liền các trọng điểm kinh tế Đông Á, Tây Á và Nam Á, trong khi “Con đường” sẽ nối liền hệ thống cảng biển của Trung Quốc với Đông Nam Á, qua Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.
Chiến lược Con đường Tơ lụa cộng với Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mà Bắc Kinh khởi xướng gần đây được cho nhằm đối trọng với chiến lược Tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, thách thức vị trí số một của Mỹ trên thế giới.
Tiến sĩ Xue Li, giám đốc Cơ quan nghiên cứu chiến lược quốc tế của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định: “Để xúc tiến chiến lược này, Trung Quốc không thể làm leo thang vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông; Bắc Kinh cần phải điều chỉnh chiến lược và chính sách Biển Đông. Việc Trung Quốc chính thức tuyên bố sẽ sớm hoàn tất xây đảo nhằm xoa dịu các nước ASEAN, tăng cường khả năng xúc tiến chiến lược Một vành đai, một con đường”.
Thứ ba, Toà trọng tài thường trực (trụ sở tại The Hague, Hà Lan) vào tháng 7.2015 sẽ tiến hành phiên tranh tụng đối với đơn kiện của Philippines chống lại chống lại tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc nuốt trọn gần cả biển Đông.
Mặc dù Trung Quốc bác bỏ đơn kiện, từ chối tham gia phiên toà, nhưng Bắc Kinh cũng phải tránh những hành động gây hấn khi phiên tranh trụng diễn ra.
Cuối cùng, mùa bão sắp đến ở Biển Đông, Trung Quốc muốn hoàn tất việc xây đảo để tránh những cơn bão.
Tuy nhiên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng ngày 16.6 ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh sẽ bắt đầu xây dựng các cơ sở để đáp ứng những “nhu cầu phòng thủ quân sự cần thiết” và nhu cầu dân sự, sau khi hoàn tất việc xây đảo.
Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16.6 cho biết việc Trung Quốc hoàn tất xây dựng đảo sẽ không làm hạ nhiệt căng thẳng Biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo này.
“Rõ ràng, sau khi hoàn tất xây đảo, Trung Quốc có những gì họ muốn nhằm tăng cường khả năng kiểm soát hoạt động ở Biển Đông”, theo bà Tiezzi. Với những cơ sở trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc dễ dàng tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, bà Tiezzi nhận định.
Phúc Duy