28/11/2024

Người lãng mạn hoá môn lịch sử

“Nếu học sinh nào cũng được học lịch sử Việt Nam do cô giảng dạy thì môn sử không đến nỗi… đáng sợ đến thế. Thậm chí có bạn là học sinh giỏi toán cũng… đi thi học sinh giỏi môn sử sau khi học cô”.

 

Người lãng mạn hoá môn lịch sử

 

“Nếu học sinh nào cũng được học lịch sử Việt Nam do cô giảng dạy thì môn sử không đến nỗi… đáng sợ đến thế. Thậm chí có bạn là học sinh giỏi toán cũng… đi thi học sinh giỏi môn sử sau khi học cô”.

 

 

Cô Trần Thị Hiệp (hàng giữa) cùng học trò của mình - Ảnh: CTV
Cô Trần Thị Hiệp (hàng giữa) cùng học trò của mình – Ảnh: CTV

Đó là những lời học trò dành cho cô Trần Thị Hiệp – giáo viên môn lịch sử Trường THPT chuyên Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Đừng để học sinh ám ảnh vì phải học thuộc từng câu chữ. Lịch sử là cội nguồn dân tộc, các em học để biết, để trải nghiệm với cha anh qua từng sự kiện. Qua đó các em rút ra những bài học, lý giải vấn đề từ những câu chuyện đã xảy ra

Cô TRẦN THỊ HIỆP

Lớp diễn tiểu phẩm… cô, trò nín thở hồi hộp

Tiếng trống nổi lên. Một chàng thanh niên ngồi ở bên đường. Tay đan sọt mà đầu óc chàng cứ nghĩ xa xăm. Vì quá tập trung, kiệu đưa “Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn” đi ngang, chàng không nép vào để nhường đường. Cho rằng người này bất kính, lính rước kiệu dùng giáo đâm vào đùi đến tóe máu. Nhưng thần sắc của chàng thanh niên không hề thay đổi…

Đó là tiểu phẩm của một nhóm học sinh tái hiện hình ảnh danh tướng Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) vì “mải nghĩ binh thư mà quên mọi sự” trong một buổi ngoại khoá do cô Hiệp tổ chức. Học sinh sẽ chọn một nhân vật, sự kiện lịch sử để hoá thân, tái hiện bằng một tiểu phẩm (không quá 10 phút).

“Khi hóa thân vào danh tướng này, nhóm học sinh diễn thật đến nỗi tôi và các học sinh khác ngồi xem phải… nín thở vì hồi hộp. Các em tự làm kiệu, trang phục cho Hưng Đạo Vương, quân lính và cả chàng trai thôn quê “mải nghĩ binh thư” rất hợp.

Cao trào là ở chỗ các em đã giấu sẵn một bịch máu động vật ở trong đùi của học sinh đóng vai Phạm Ngũ Lão. Khi lính dùng giáo đâm vào, máu tóe ra y như thật. Điều đó cho thấy các em không chỉ tìm hiểu sự kiện mà còn nghiên cứu kỹ về trang phục, kiểu tóc và tái hiện được tinh thần hào khí Đông A (thời nhà Trần) rất đặc sắc” – cô Hiệp nhớ lại.

Một nhóm khác tái hiện hình ảnh đẹp đẽ của vị anh hùng áo vải Quang Trung (1753 – 1792) qua sự kiện đoàn quân Tây Sơn thần tốc tiến vào Thăng Long dẹp tan 29 vạn quân Thanh năm 1789. Cái hay trong “kịch bản” này là học sinh đã khéo lồng ghép bài “hịch ra trận” của vua Quang Trung qua từng lớp hình ảnh.

Rồi khi vị anh hùng tiến vào Thăng Long sau chiến thắng với áo bào sạm màu thuốc súng cũng được học sinh khắc họa rất ấn tượng… “Khi học sinh dồn hết tâm trí vào nhân vật, các em sẽ hiểu, cảm nhận được bản chất sự kiện, rút ra được bài học cho chính mình qua từng câu chuyện quá khứ” – cô Hiệp nhận xét.

Ngoài ra, ở mỗi tiết dạy, thay vì đọc sách giáo khoa, viết lên bảng các ý chính để học sinh chép vào vở, cô Hiệp cho học sinh chơi trò “tìm ô chữ, đoán sự kiện”. Cách chơi gần giống với chương trình Chiếc nón kỳ diệu và Đường lên đỉnh Olympia trên VTV.

“Trước mỗi bài học, tôi yêu cầu các em tìm hiểu trong sách giáo khoa, tham khảo. Tại lớp học, tôi sẽ viết ô chữ lên bảng rồi cho học sinh đoán chữ tìm sự kiện và được… nhận quà. Giá trị của phần quà tăng dần và bí mật đến khi nhận nên kích thích được sự tò mò, khám phá của học sinh” – cô Hiệp “bật mí”.

Bạn Nguyễn Huy Bá (cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Du, khóa 2009 – 2012) – từng là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử – chia sẻ: “Ban đầu mình không thích môn sử, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ học sử nghiêm túc. Thế nhưng cô Hiệp đã làm thay đổi cách nghĩ, khiến mình thấy sử có nét đẹp riêng, không hề khô khan. Hơn nữa, lịch sử còn giúp nâng cao tri thức và sự hiểu biết. Cô đã khiến môn sử đến với mình và các thế hệ học sinh chân thật, gần gũi và lãng mạn nhất”.

“Biến những điều phức tạp thành đơn giản”

Để “thổi hồn” vào môn lịch sử, cô giáo 29 tuổi tâm niệm dạy học là “biến những điều phức tạp thành đơn giản”.

“Dạy sử cũng thế – cô giáo trẻ tâm sự – Hãy biến những sự kiện phức tạp, những vấn đề to lớn trong quá khứ thành chuyện đơn giản, sát sườn với học sinh. Hơn nữa, người học sử giỏi không chỉ nhớ được nhiều sự kiện mà phải đặt ra được câu hỏi thông minh nhất sau mỗi bài học. Trong lớp học tôi luôn chấm điểm cho học sinh sau mỗi câu hỏi thông minh và người trả lời được những câu hỏi đó cũng có điểm. Chính vì thế, trong các tiết dạy, học sinh và giáo viên luôn trao đổi, thảo luận rất thoải mái”.

Việc học và thành giáo viên dạy sử với cô Hiệp là cả một “kỷ niệm khó quên”. Hồi học cấp II Hiệp học rất giỏi, nhất là môn toán, và luôn được ba đưa đón khi đi học, thi. Thế nhưng hôm đi đăng ký thi vào Trường THPT chuyên Nguyễn Du, ba bận nên không chở đi được, Hiệp phải mượn xe đạp đi mua hồ sơ.

“Đi xe đạp không quen lại mắc mưa nên đến trường toàn thân ướt đẫm, lạnh run và ấm ức vì ba không đưa đi. Thế nên thay vì chọn thi vào chuyên toán, mình ghi vào hồ sơ là chuyên văn, thế mà đậu. Đi học, thầy giáo dạy sử của mình dạy quá hay, mình mê sử từ đó” – cô Hiệp nhớ lại.

Rồi những tiết lịch sử với những sự kiện, nhân vật hấp dẫn được truyền đạt bởi người thầy đáng kính khiến cô học trò mê mẩn. Sau mỗi tiết học, Hiệp đều ở lại xin “thầy cho con đi thi sử nha!”. Mỗi lần như vậy, người thầy cốc vào trán cô học trò nói “lo học đi”. Thế nhưng Hiệp lại được chọn vào đội tuyển thi lịch sử của Trường THPT chuyên Nguyễn Du. Rồi Hiệp thi vào sư phạm sử vì gia đình khó khăn và “nghề chọn người” chứ ban đầu không định vậy.

“Tuy vậy, tôi chưa bao giờ hối hận vì đã chọn nghề này. Suốt bảy năm đi dạy, tôi có nhiều niềm vui, kỷ niệm với học trò. Điều hạnh phúc nhất của tôi là được rất nhiều học sinh yêu mến và có em cũng trở nên mê sử như tôi. Tôi cảm ơn tình cảm các em dành cho tôi, cho môn sử. Chính vì thế tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực này” – cô Hiệp tâm sự.

“Có cách dạy sử rất riêng”

Cô Phạm Thị Thanh Mai, tổ trưởng tổ sử – địa – giáo dục công dân Trường THPT chuyên Nguyễn Du, kể cô Hiệp được rất nhiều học sinh yêu mến. Theo cô Mai, tuy là giáo viên trẻ nhưng cô Hiệp có cách dạy môn sử rất riêng. Cô Hiệp cho học sinh chép, học bài ít nhưng luôn đặt ra những câu hỏi để học sinh tư duy và nhớ bài học rất lâu. Chính vì cách dạy học nhẹ nhàng và có nhiều câu chuyện về cuộc sống, gần gũi nên học sinh rất yêu mến cô Hiệp.

Cũng theo cô Mai, cô Hiệp là học trò cũ của trường và hiện cô đang học cao học. Ở trường, cô Hiệp đảm nhận vai trò ôn thi cho đội tuyển lịch sử của trường và cũng đã có học sinh đoạt huy chương bạc Olympic 30-4. “Đây là những thành công ban đầu rất đáng tự hào vì cô Hiệp là giáo viên trẻ. Với cách dạy hiện tại, cô sẽ còn phát triển hơn nữa và ngày càng nhiều học sinh không xem môn sử trở nên nặng nề” – cô Mai tâm sự.

 

TRUNG TÂN – NGỌC TRINH