28/11/2024

Trung Quốc doạ Nhật Bản về Biển Đông

Bắc Kinh cảnh báo Tokyo về “hậu quả” của việc can dự vấn đề Biển Đông, trong khi một chuyên gia hải quân doạ cho chiến hạm húc tàu Nhật Bản.

 

Trung Quốc doạ Nhật Bản về Biển Đông

 

 

Bắc Kinh cảnh báo Tokyo về “hậu quả” của việc can dự vấn đề Biển Đông, trong khi một chuyên gia hải quân doạ cho chiến hạm húc tàu Nhật Bản.


 

Khu trục hạm Nhật (xa) cùng chiến hạm Philippines trong đợt diễn tập ở Biển Đông hồi tháng 5 - Ảnh: AFP

Khu trục hạm Nhật (xa) cùng chiến hạm Philippines trong đợt diễn tập ở Biển Đông hồi tháng 5 
– Ảnh: AFP

Trong cuộc họp báo ngày 12.6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc và phẫn nộ” về những “động thái tiêu cực” của Nhật liên quan đến Biển Đông. Ông Hồng cho biết Bắc Kinh đã nhiều lần gửi công hàm phản đối Tokyo và khẳng định việc Nhật can dự vào Biển Đông “gây tổn hại nghiêm trọng tới niềm tin lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nhật về an ninh và chính trị, đồng thời cản trở đà cải thiện quan hệ song phương”.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của chính phủ Nhật đối với phát biểu từ ông Hồng. Kyodo News nhận định đó là những lời chỉ trích gay gắt nhất của Bắc Kinh đối với Tokyo trong những tháng gần đây, sau nỗ lực của Nhật kêu gọi các quốc gia thành viên G7 khác (gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Pháp và Ý) phản đối tình trạng Trung Quốc bồi đắp quy mô lớn ở Biển Đông.
Trước tình trạng Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, tân Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris ngày 12.6 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ, Nhật và các nước khác cùng nhau theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực, theo Đài NHK. Ông Harris còn muốn Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật mở rộng các hoạt động giám sát ở Biển Đông và cho rằng máy bay săn ngầm P-3C của Nhật “rất phù hợp” cho việc tuần thám ở khu vực. Trong khi đó, Hoàn Cầu thời báo dẫn phát biểu của chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt lên giọng cảnh báo nếu Tokyo cố đưa chiến hạm hoặc máy bay quân sự tới Biển Đông, Trung Quốc có thể xem xét hành động xua đuổi, thậm chí cho tàu chiến húc tàu Nhật.
Cũng liên quan đến Biển Đông, tờ Liên hợp vãn báo hôm qua đưa tin tàu tuần tra lớn nhất và mới nhất của Đài Loan mang tên Cao Hùng đang thực hiện chuyến hải hành đầu tiên tới Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng bị Đài Bắc chiếm đóng và kiểm soát. Tàu Cao Hùng đến tuần tra phi pháp xung quanh Ba Bình từ ngày 13.6 và sẽ trở về Đài Loan ngày 15.6.
Ngày 13.6, tờ Yomiuri Shimbun loan tin Trung Quốc có kế hoạch xây một căn cứ quy mô lớn trên bờ biển thành phố Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, nhằm tăng cường các hoạt động giám sát ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật.
Căn cứ mới rộng 500.000 m2, có cầu cảng dài 1.200 m, có thể chứa tàu tuần tra cỡ lớn với độ choán nước lên tới 10.000 tấn. Ngoài ra, Kyodo News ngày 12.6 đưa tin quân đội Trung Quốc đang xem xét dùng máy bay không người lái để củng cố tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư.

Văn Khoa