Những việc cần thay đổi ngay
Trong những ngày qua, Nhịp sống trẻ đã đem đến câu chuyện về cơ hội và thách thức cho giới trẻ trong nước về thị trường lao động khi “Cộng đồng kinh tế ASEAN” (ASEAN Economic Community – AEC) đang đến gần.
Những việc cần thay đổi ngay
Trong những ngày qua, Nhịp sống trẻ đã đem đến câu chuyện về cơ hội và thách thức cho giới trẻ trong nước về thị trường lao động khi “Cộng đồng kinh tế ASEAN” (ASEAN Economic Community – AEC) đang đến gần.
Khi AEC hình thành, sự cạnh tranh lao động là một thách thức có thật. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất lắp ráp thiết bị bán dẫn của một công ty tại Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm |
Ý kiến từ các giảng viên, chuyên viên nhân sự, lãnh đạo doanh nghiệp, Đoàn thanh niên… đều khẳng định việc chuẩn bị tư thế để bước vào sân chơi này là cần thiết và cấp thiết.
Chuyện không chỉ của Nhà nước
Tiến sĩ Đào Minh Hồng chia sẻ: “Trước AEC, tôi chỉ thấy toàn thách thức. Dường như chúng ta đều rất “vô lo” với bước chuyển biến quan trọng này. Tới thời điểm hiện tại, ngay trong khối ĐHQG thì những hoạt động này nếu có vẫn còn rất riêng lẻ, rời rạc. Khi đi dạy sinh viên các trường, giảng viên chuyên ngành chúng tôi cũng thường xuyên hỏi và nhấn mạnh, cảnh báo về những thách thức của AEC nhưng hầu hết các bạn đều rất thờ ơ.
Phần lớn người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng đều có tư duy rất thụ động, theo kiểu “chuyện ấy đã có Nhà nước lo”. Một bộ phận khác thì rất lạc quan. Tôi có cảm nghĩ mọi người cho rằng AEC là chuyện của Bộ Ngoại giao, còn các cơ quan, đoàn thể… khác thì “bình chân như vại”, nếu có chỉ hô hào khẩu hiệu chứ chưa đi vào cốt lõi, thực chất. Khi Nhà nước, nhà trường và truyền thông chưa đẩy mạnh việc cập nhật thông tin xoay quanh AEC thì giới trẻ không lo lắng trước AEC là điều dễ hiểu. Sự bàng quan trên cũng một phần đến từ việc nhiều người tin rằng AEC chưa đáng lo ngại…
Từ trước đến nay, chúng ta ít khi có điều tra, khảo sát chi tiết mà thường chỉ phỏng đoán một cách cảm tính, số liệu đôi khi mơ hồ. Có khảo sát kỹ lưỡng về AEC chúng ta mới thấy sợ, xác định được mấu chốt vấn đề cũng như đề ra giải pháp phù hợp…
Hội nhập và cạnh tranh là chuyện có thật
Nói về sự chuẩn bị của các quốc gia ASEAN trước AEC, tôi thấy rõ một điều là hầu hết họ hiện đều thiết lập được hệ thống trường giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và tư vấn phân luồng, đưa chuẩn đầu ra rất cụ thể, rõ ràng. Ví dụ ngay từ Campuchia, năm 2010 các trường ĐH ở nước họ mới bắt đầu mở khoa quan hệ quốc tế nhưng chỉ hai năm sau, sinh viên của họ đã sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo. Cũng vì ưu điểm này mà họ nhận về rất nhiều quỹ tài trợ, nguồn đầu tư…
Càng tìm hiểu các quốc gia ASEAN, tôi càng thấy có cơ sở để lo lắng cho sinh viên mình. Mới đây khi cho sinh viên năm cuối thi sớm để kết thúc môn học sớm, tôi rất sốc khi các bạn lớp A (dành cho sinh viên có học lực xuất sắc) yêu cầu cho thi chung đề với lớp C (trình độ khá). Tôi sốc vì không hiểu sao những bạn trẻ sắp ra trường, đi làm lại có thể chấp nhận hạ mình xuống chỉ để lấy điểm cao? Rồi sinh viên cao học mà vẫn quay cóp khi thi… Sự thực dụng khiến các bạn đánh mất giá trị của mình, mãi so đo mà quên đi những lợi ích lâu dài.
Nhưng suy cho cùng, càng bế tắc tôi càng thương sinh viên mình bởi họ chỉ là “sản phẩm” phản ánh lại một xã hội không dám nhìn thẳng mọi thứ và để mặc “vàng thau lẫn lộn”. Nhưng trách nhiệm đó đến từ nhiều phía chứ không chỉ từ sinh viên. Chẳng hạn chuẩn đầu ra của các trường chúng ta vẫn còn rất chung chung, thiếu thực tiễn.
Khoa của tôi có những chuẩn đầu ra rất cụ thể, trong đó vai trò của ngoại ngữ thì không cần bàn. Còn việc đọc và biết tuân thủ pháp luật để giúp chúng ta bớt xin xỏ, luồn lách, bao biện làm mình hèn đi… cũng như tự bảo vệ được bản thân trong mọi tình huống. Các tình huống ấy là tình huống sẽ đến trong tương lai rất gần.
Tôi có dịp đi thăm một số khu công nghệ cao tại VN, khi hỏi các nhà sản xuất rằng với thị trường lao động sắp tới thì họ sẽ tuyển ai, họ đều khẳng định lao động Philippines là sự lựa chọn hàng đầu. Họ nêu rõ lý do: “Người Philippines chịu khó, tiếng Anh tốt, không nghỉ lễ nhiều như người Việt, mức lương cạnh tranh…”. Trong khi đó nhìn lại, một số tập đoàn đa quốc gia năm nào cũng trầy trật mãi mới tuyển được vài chục kỹ sư Việt dù đó là những sinh viên “hàng tuyển” từ các trường ĐH tốp đầu. Bây giờ kể cả các bệnh viện, khu nhà giàu trong nước… họ cũng ưu tiên chọn người Philippines. Có qua Philippines mới thấy trường của họ dạy làm giúp việc nhà, điều dưỡng, hộ lý… rất bài bản và chuyên nghiệp. Nói như vậy để cho thấy ngay cả đối tượng lao động chân tay đơn giản thì chúng ta cũng bị cạnh tranh khốc liệt. |
5 giải pháp then chốt Tháng 8-2014, trong một báo cáo tóm lược, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng: VN chiếm tới 1/6 tổng lực lượng lao động khu vực ASEAN (khoảng 300 triệu người), do đó sự thành công trong quá trình hội nhập của VN sẽ có những tác động to lớn của khu vực. AEC có mang lại sự thịnh vượng cho VN hay không, điều đó chủ yếu dựa vào các chính sách thị trường lao động. Và ILO cho rằng để đạt được mục tiêu đó VN cần ưu tiên một số lĩnh vực then chốt với năm giải pháp: 1. Nâng cao chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp và đa dạng hóa việc làm trong ngành sản xuất chế tạo. Với giải pháp này, ILO cho rằng cần đầu tư vào hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp nhỏ có thể tham gia chuỗi cung ứng. Cần kết nối các chính sách phát triển ngành và chính sách việc làm nhằm duy trì tăng trưởng của ngành dệt may và thúc đẩy các ngành sản xuất chế tạo có tiềm năng tạo việc làm và năng suất cao. 2. Mở rộng độ bao phủ của bảo trợ xã hội: Với giải pháp này, nếu mở rộng độ bao phủ của chương trình bảo hiểm thất nghiệp sẽ giảm thiểu chi phí của quá trình dịch chuyển cơ cấu, tạo điều kiện cho lao động dịch chuyển sang các ngành nghề có năng suất cao hơn. 3. Đẩy mạnh các cơ sở đào tạo nghề và phát triển kỹ năng: Cần tập trung đầu tư cải cách giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với khu vực tư nhân để đảm bảo sinh viên có thể phát triển các kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó thiết lập khung trình độ kỹ năng quốc gia đủ mạnh để có thể công nhận kỹ năng tay nghề của người lao động đang tìm việc và đảm bảo chất lượng lao động cho các chủ sử dụng lao động tiềm năng. Tăng cường hệ thống thông tin và chức năng dự báo về thị trường lao động giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo có thể đáp ứng nhu cầu về kỹ năng hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế. 4. Đẩy mạnh thương lượng tập thể nhằm tăng cường sự liên kết giữa thu nhập và năng suất, cũng như giảm thiểu các xung đột về quan hệ lao động, việc này đòi hỏi VN phải xây dựng một hệ thống thương lượng hiện đại để có thể làm giảm thiểu các xung đột quan hệ lao động và tạo ra môi trường kinh doanh ổn định. Thương lượng tập thể sẽ giúp VN đạt được những lợi ích về năng suất mà cộng đồng ASEAN đem lại, tạo điều kiện năng suất lao động cao hơn dẫn tới thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt hơn. Để đạt được điều này thì vai trò của công đoàn phải đạt tính hiệu quả cao trong việc đại diện cho người lao động. 5. Tăng cường bảo trợ và công nhận trình độ kỹ năng của lao động di cư: Với cộng đồng ASEAN, VN cần triển khai các thoả thuận đặt ra trong tuyên bố (Cebu) về lao động di cư, thiết lập khung về trình độ nghề quốc gia và kết nối hệ thống này với khung trình độ tham chiếu của khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho việc công nhận trình độ kỹ năng của lao động di cư. |