28/11/2024

Trước AEC, giới trẻ đã chuẩn bị gì? Ai bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Góc nhìn của lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, công ty trong nước, chuyên viên tư vấn nhân sự… về lao động Việt trước thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): Có “điểm cộng”, nhưng chưa đủ.

 

Trước AEC, giới trẻ đã chuẩn bị gì? Ai bị ảnh hưởng nhiều nhất?

 

 Góc nhìn của lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, công ty trong nước, chuyên viên tư vấn nhân sự… về lao động Việt trước thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): Có “điểm cộng”, nhưng chưa đủ.


 

Chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành nghề sẽ có sự cạnh tranh đầu tiên khi AEC hình thành - Ảnh: Quang Định
Chăm sóc sức khoẻ là một trong những ngành nghề sẽ có sự cạnh tranh đầu tiên khi AEC hình thành – Ảnh: Quang Định

Kiến thức, kinh nghiệm là cần nhưng tác phong chuyên nghiệp lại là yếu tố vô cùng quan trọng, cũng là nhận xét của các chuyên gia.

Các nước khu vực chuẩn bị khá tốt

Theo ông Trần Ngọc Anh (chủ tịch CLB giám đốc Sales & Marketing VN), không thể phủ nhận những điểm mạnh của đối tượng lao động bậc trung và phổ thông của VN là năng động, thông minh, thích nghi nhanh… Tuy nhiên, ông cho rằng kỹ năng làm việc hiệu quả, tính chuyên nghiệp, khả năng tuân thủ nội quy và nhất là ngoại ngữ là những điểm yếu.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Vân Anh (giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search), VN không thiếu những nhân sự cấp trung tài năng. “Phần lớn trong số này được đào tạo tại nước ngoài. Họ lĩnh hội rất nhanh với cách làm việc có kỷ luật và đề cao hiệu quả, vốn là những quy tắc chính của các quốc gia phát triển. Dẫu vậy kỹ năng quản lý của họ còn hạn chế” – bà Vân Anh cho biết.

Nói về đối tượng lao động phổ thông, bà Vân Anh khẳng định: “Năng suất lao động thấp, thiếu lao động có tay nghề kỹ thuật bậc cao, kỹ năng ngoại ngữ yếu… sẽ là những trở ngại chính ở họ khi tham gia AEC”.

“Họ chưa được trang bị đầy đủ, một số thậm chí không quan tâm các kiến thức pháp luật về lao động, đặc biệt quyền và nghĩa vụ của người lao động… điều đó làm cho lao động Việt nói chung thường không có tính kỷ luật cao cũng như tuân thủ các cam kết, ràng buộc phát sinh từ hợp đồng lao động” – luật sư Nguyễn Hữu Phước (chủ tịch Công ty luật Phước & Cộng sự) bổ sung. Ông cho rằng hầu hết quốc gia trong khu vực ASEAN có bước chuẩn bị cho lao động nước họ về các mặt trên rất sớm.

Có thâm niên nắm giữ vị trí lãnh đạo ở tập đoàn đa quốc gia, ông Nguyễn Văn Đạo (phó tổng giám đốc Samsung Vina) nhận định chưa có nhiều người trẻ Việt quen với những “thông lệ quốc tế” (tác phong công nghiệp, kỹ năng giao tiếp trong môi trường làm việc hằng ngày…).

“Kiến thức, kinh nghiệm là cần nhưng tác phong chuyên nghiệp lại là yếu tố vô cùng quan trọng. Lao động nước ngoài làm việc thường hết mình, không “tranh thủ” này nọ và luôn thẳng thắn, trung thực… nên họ sẽ được ưu tiên tuyển vào các công ty, tập đoàn lớn. Đây cũng là lý do ở mức quản lý cấp cao và cấp trung thì người nước ngoài thường được chọn nhiều hơn” – ông Đạo cho biết.

Nói về lợi thế của lao động Việt, ông Đạo cho rằng những công ty cần hiểu rõ về thị trường, người dân bản địa… sẽ phải cần lao động trong nước. Nhưng theo ông Đạo, một số doanh nghiệp trong nước cần khoảng thời gian chuyển đổi đủ dài để thích nghi với môi trường mới và hi vọng điều đó sẽ tạo cơ hội cho thanh niên trong nước bắt kịp “guồng xoay” của AEC.

Hàng rào bảo hộ giảm dần

Cuộc hội nhập kinh tế mang tên AEC vào cuối năm 2015 sẽ tạo điều kiện cho lao động trong tám ngành nghề (gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, du lịch, điều tra viên) trong khối ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thoả thuận công nhận tay nghề tương đương. Trong tương lai gần, danh sách trên chắc chắn 
sẽ dài ra thêm.

Ông Nguyễn Văn Đạo cho biết hiện nay các công ty đa quốc gia lẫn công ty trong nước gặp nhiều hạn chế trong việc tuyển dụng lao động nước ngoài bởi phải đáp ứng được hàng loạt thủ tục, tiêu chí “đầu vào” của Bộ luật lao động VN.

“Khi những giới hạn này được dỡ bỏ, hệ thống pháp lý rõ ràng… thì lao động Việt sẽ gặp thách thức. Những nước đang phát triển như VN luôn đầy ắp cơ hội, người nước ngoài khi nhận ra điều này thì việc họ đến VN làm việc là điều dễ hiểu” – ông 
Đạo khẳng định.

“Khi gia nhập AEC, Nhà nước VN sẽ phải thực hiện những điều chỉnh đối với pháp luật lao động, theo đó giảm bớt và dần dần bỏ những quy định pháp luật đang bảo hộ cho lao động trong nước. Điều này sẽ dẫn đến việc lao động VN nếu không đáp ứng được các yêu cầu về nghề nghiệp, bằng cấp, kinh nghiệm… sẽ rơi vào tình trạng mất việc ngay trên “sân nhà” khi các nhà tuyển dụng VN có nhiều lựa chọn tốt hơn đến từ khối ASEAN” – luật sư Hữu Phước có cùng nhận định.

Bà Vân Anh phân tích rằng rủi ro sẽ phổ biến hơn với đối tượng lao động phổ thông trong nước. “Sự cạnh tranh lao động ở phân khúc trung và cao cấp cũng sẽ diễn ra nhưng không mạnh mẽ bằng ở lao động phổ thông. Lý do chính liên quan đến lương bổng và phúc lợi”.

Theo bà, VN vốn có mức lương trung bình dành cho phân khúc thị trường lao động cấp trung, cấp cao thấp hơn các nước trong khu vực. Do vậy để thu hút được hai đối tượng này về, các doanh nghiệp trong nước phải “chịu chi” nhiều hơn mức thường. Ngược lại, sẽ có một số nhân sự cấp cao và cấp trung của VN tiến bước ra khu vực bởi họ hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu từ doanh 
nghiệp nước ngoài.

Không chủ quan

Trước quan điểm cho rằng không nên quá lo lắng trước AEC bởi VN vẫn đều đặn “xuất khẩu” kỹ sư trong nước qua các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… phó tổng giám đốc Samsung Vina Nguyễn Văn Đạo cho rằng đây là điều cần xem lại.

“Thứ nhất, đó là những kỹ sư thuộc lĩnh vực nào? Thứ hai, qua đó họ làm công việc gì, có ngang tầm với vị trí được giao ở VN hay nhận việc cấp thấp và đơn giản hơn? Tôi e rằng câu trả lời phần nhiều là không. Các dạng như xuất khẩu lao động hay thực tập sinh đa số là đi làm công cấp thấp. Cấp cao cũng có nhưng hiếm. Vì vậy sự lo lắng, cẩn trọng trước AEC của lao động Việt là cần thiết” – ông Đạo nói.

 

CÔNG NHẬT – DIỆU NGUYỄN