Học phí đại học tiếp tục leo thang
Học phí tăng chóng mặt là một trong những điểm đáng chú ý nhất của giáo dục đại học thế giới trong vài thập niên gần đây. Thực trạng này được dự báo là sẽ tiếp tục tiếp diễn, thậm chí với gia tốc còn nhanh hơn rất nhiều.
Học phí đại học tiếp tục leo thang
Học phí tăng chóng mặt là một trong những điểm đáng chú ý nhất của giáo dục đại học thế giới trong vài thập niên gần đây. Thực trạng này được dự báo là sẽ tiếp tục tiếp diễn, thậm chí với gia tốc còn nhanh hơn rất nhiều.
Tăng nhanh hơn mức độ lạm phát
Canada là một trong những nước có học phí (HP) ĐH tăng nhanh trong hơn 20 năm qua. Theo báo cáo của Cục Thống kê nước này, trong vòng 2 thập niên HP trung bình tăng hơn 5 lần, từ hơn 1.000 USD/năm (năm 1991) lên tới gần 5.400 USD/năm (năm 2011). Có những thời điểm mức HP tăng tới hơn 10%/năm. Điểm đáng chú ý, mức tăng HP giữa các ngành không đồng đều: ngành có nhu cầu thị trường cao mức tăng nhanh hơn các ngành có nhu cầu thấp. Ví dụ, từ năm 2006 sang 2007, mức HP ngành luật tăng 4,6%, thương mại tăng 4,8%, kiến trúc tăng 5,4% trong khi ngành giáo dục chỉ tăng 1,8%, nông nghiệp tăng 1,9%.
|
Mỹ là nước luôn nằm trong tốp 3 thế giới các nước có mức tăng HP nhanh nhất. Theo một bài viết đăng trên New York Times năm 2012 của tác giả Catherine Rampell, trong vòng 26 năm từ 1985 – 2011, mức tăng HP bậc ĐH ở nước này khoảng 560%, cao hơn hẳn so với mức tăng của các mặt hàng khác như chi phí y tế (khoảng 360%), gas (300%) và giá cả hàng tiêu dùng nói chung (200%). Theo ước tính của tiến sĩ Waston Swail, Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách giáo dục, với đà này mức HP ở các trường ĐH tư của Mỹ sẽ tăng gấp đôi trong vòng 27 năm còn trường công trong 17 năm tới.
Bên cạnh Mỹ và Canada, những nước có mức HP tăng đáng kể trong những năm qua có thể kể đến Nam Phi, Tây Ban Nha, Chile, Philippines, Singapore. Theo báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu chiến lược giáo dục ĐH Canada (Higher Education Strategy Associates) trong năm 2010 – 2011, mức tăng HP trung bình ở các nước trên tương ứng là 12,5%, 5,6%, 5%, 5%, 4% và điểm đáng chú ý là các mức tăng này đều cao hơn mức lạm phát cùng năm.
Trường công tăng nhanh hơn một số trường tư!
Cũng như nhiều nước trên thế giới, HP bậc ĐH ở VN cũng tăng chưa có tiền lệ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Thậm chí, thống kê cho thấy mức HP trường công dường như còn đang tăng nhanh hơn so với nhiều trường tư.
So sánh HP theo tháng của một số ĐH tư và các chương trình ĐH công theo khối ngành kinh tế và khoa học công nghệ năm 2007, 2010 và 2013 có thể thấy, nếu lấy mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát giai đoạn 2007 – 2013) làm cơ sở so sánh, có thể chia các trường thành 3 nhóm căn cứ theo mức tăng HP. Nhóm B có mức tăng chậm hơn tốc độ lạm phát, trong đó có các trường ĐH: FPT, Kinh doanh và công nghệ, RMIT. Nhóm A có mức tăng nhanh hơn tốc độ lạm phát, trong đó có các chương trình công thuộc khối ngành kinh tế, khoa học – công nghệ. Nhóm A+ có mức tăng nhanh hơn nhiều tốc độ lạm phát, trong đó có trường ĐH: Thăng Long, Công nghệ Sài Gòn, Hoa Sen.
Những tranh luận không có hồi dứt
Cùng với sự biến động của HP, rất nhiều cuộc tranh luận về tính hợp lý của nó đã nổ ra. Những người phản đối, bao gồm phụ huynh, sinh viên và những người có thiên hướng ủng hộ công bằng xã hội cho rằng việc tăng HP quá nhanh, nhất là mức độ tăng nhanh hơn so với tỷ lệ lạm phát là điều khó chấp nhận.
Trong một bài viết, tiến sĩ Waston Swail nhận định với mức tăng HP phi mã như hiện nay, nước Mỹ đang sản sinh ra những thế hệ mà đời cha chưa kịp trả hết nợ (vay để đi học ĐH) thì lại đến lượt con cũng trở thành “con nợ” (đủ lớn để đến tuổi học ĐH và vì không có tiền nên lại phải vay để đi học).
Giới ủng hộ việc tăng lại có những lý do để giải thích điều này. Thứ nhất, họ cho rằng giáo dục ĐH ngày nay đã khác xa cách đây 40 – 50 năm, khi chỉ có một tỷ lệ nhỏ thanh niên (khoảng 5 – 10%) vào ĐH nên nhà nước có đủ khả năng bao cấp HP toàn bộ. Ngày nay, ở nhiều nước tỷ lệ thanh niên học ĐH lên tới 60 – 80%, nhà nước chỉ đủ nguồn lực bao cấp một phần chi phí và mức bao cấp này có xu hướng ngày càng giảm. Ví dụ tại Mỹ, thống kê của Tổ chức College Board cho thấy trong vòng 10 năm, mức đầu tư/sinh viên/năm tại tất cả các hệ đào tạo công lập tại Mỹ đều giảm. Cụ thể: chương trình tiến sĩ giảm 32%, thạc sĩ giảm 35%, ĐH 4 năm giảm 21% và CĐ cộng đồng giảm 26%. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở hầu hết các nước khác trên thế giới.
Lý do thứ hai giải thích cho việc tăng HP bắt nguồn từ việc ngày nay chi phí vận hành cho trường ĐH không còn “dễ chịu” như trước đây nữa. Từ lương giáo sư, đội ngũ hành chính và quản lý cũng như các khoản phí khác đều lớn hơn nhiều so với trước kia. Đặc biệt, các khoản chi cho các dịch vụ sinh viên như thư viện, ký túc xá, hoạt động thể thao, cộng đồng đều tăng vọt, vì vậy HP tăng cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi các phe ủng hộ và phản đối việc tăng HP tiếp tục tranh luận, các giải pháp giúp giảm chi phí như: elearning, MOOCs… mới dừng ở mức độ khiêm tốn thì HP khắp nơi trên thế giới vẫn tiếp tục tăng. Dấu hiệu “hạ nhiệt” hầu như chưa thấy.
Mức tăng HP điều chỉnh theo lạm phát tại một số nước trên thế giới năm học 2010 – 2011
|
HP tại một số đại học VN giai đoạn 2007 – 2013
|
Phạm Hiệp
(Nghiên cứu sinh Trường ĐH Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan)