28/11/2024

Có thật là không cần lo lắng trước thị trường lao động ASEAN?

Bên cạnh việc chuẩn bị từ cấp nhà nước thì trước thềm AEC, mỗi người trẻ cần có thái độ như thế nào cho công ăn việc làm trong thời gian tới?

  

Có thật là không cần lo lắng trước thị trường lao động ASEAN?

 

Bên cạnh việc chuẩn bị từ cấp nhà nước thì trước thềm AEC, mỗi người trẻ cần có thái độ như thế nào cho công ăn việc làm trong thời gian tới?


 

Sinh viên ngủ gật trong tiết học tại một trường đại học ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Sinh viên ngủ gật trong tiết học tại một trường đại học ở TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Cuộc hội nhập mang tên “Cộng đồng kinh tế ASEAN” (ASEAN Economic Community – AEC), dự kiến hình thành vào cuối năm 2015, đang ngày một cận kề. Từ hội nhập về kinh tế, vấn đề giao lưu, trao đổi về lao động trong các nước ASEAN cũng được xem là cơ hội, đồng thời là thách thức cho từng quốc gia.

Nhịp sống trẻ tìm hiểu vấn đề này từ góc độ cơ hội và thách thức cho lao động trẻ tại VN. Bên cạnh việc chuẩn bị từ cấp nhà nước thì trước thềm AEC, mỗi người trẻ cần có thái độ như thế nào cho công ăn việc làm trong thời gian tới?

“Lần đầu tiên nghe tới”

Khi hỏi ngẫu nhiên một số sinh viên về AEC, chúng tôi nhận về những ánh mắt ngạc nhiên: “Tôi chưa nghe gì về thông tin này cả, nhà trường chưa có thông báo hay cập nhật gì đến sinh viên. Bản thân tôi trước giờ ít để ý đến kinh tế khu vực ASEAN nên không hiểu hết đó là gì. Tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà nhiều bạn trẻ khác cũng như vậy”- Cao Hải Uyên (ĐH Tôn Đức Thắng) nói.

“Tôi có nghe loáng thoáng là sẽ có sự thay đổi gì đó về thị trường lao động trong nước với các quốc gia trong khu vực nhưng tôi nghĩ chỉ các bạn khối ngành kinh tế sẽ bị ảnh hưởng thôi, còn dân kỹ thuật chúng tôi chắc không sao”- Hoàng Anh (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) nói. Tương tự, bạn Huỳnh Quốc Huy (ĐH Cần Thơ) cho biết chưa từng nghe qua thông tin về AEC. Sau khi được giải thích về AEC thì bạn chỉ mường tượng rằng viễn cảnh thị trường lao động trong tương lai sẽ ngày càng khó khăn hơn.

“Tôi vừa làm bài phương pháp nghiên cứu khoa học về vấn đề chảy máu chất xám ở doanh nghiệp VN nên có nghe giảng viên nói sơ về AEC. Tuy nhiên, sinh viên chúng tôi không biết phải chuẩn bị những gì, học gì để hội nhập một cách tốt nhất. Chưa kể nhiều bạn đi học với tâm lý đối phó nên chẳng quan tâm vấn đề này”, một sinh viên nói. Trong khi đó, từng tốt nghiệp ĐH Công nghiệp TP.HCM và ĐH Mở TP.HCM nhưng bạn Lê Trần Anh Ngọc (hiện đang theo học ĐH Khoa học xã hội & nhân văn – ĐHQG TP.HCM) cho biết thông tin về AEC là “rất mới mẻ”.

“Sao phải lo lắng!”

Đó là câu trả lời từ bạn T.A.H., sinh viên năm cuối một trường ĐH trên địa bàn TP.HCM.

Sinh ra trong một gia đình khá giả và được người nhà “lo” mọi thứ từ lúc còn ngồi ghế trường tiểu học, T.A.H. cho biết: “Nhà tôi nói đã chuẩn bị sẵn vị trí ở một công ty cho tôi nên giờ tôi chỉ cần tốt nghiệp đúng thời hạn, còn tiếng Anh, vi tính có giỏi hay không thì không quan trọng. Bạn bè của tôi cũng nhiều đứa như vậy, có đứa thậm chí khẳng định có tốt nghiệp đúng thời hạn hay vẫn còn nợ môn thì nhà cũng lo việc làm được tất. Tôi nghĩ điều kiện của chúng tôi như vậy thì đâu việc gì phải lo?”.

Duy Anh (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết có tìm hiểu ít nhiều về AEC và nêu lập luận: “Thông thường thử thách lớn nhất với sinh viên chúng tôi khi ra trường là xin vào làm ở các công ty đa quốc gia, nhưng trước giờ các công ty này vẫn tuyển dụng song song lao động trong nước lẫn nước ngoài nên cơ hội sẽ không mất đi hoặc nhiều lên khi chúng ta gia nhập AEC. Còn các công ty nhà nước, tư nhân thì liệu bản thân đã chuẩn bị sẵn sàng để nhận lao động nước ngoài vào làm việc, nhất là khi giữa hai bên có rào cản ngôn ngữ, văn hóa rõ rệt? Lao động nước ngoài “không có cửa” ở những nơi này thì đó rõ ràng là lợi thế của chúng tôi”. Một số bạn trẻ khác lại chưa hình dung được mức độ thử thách, khó khăn sẽ phải đương đầu. “Tôi nghĩ việc các quốc gia trong khu vực mở rộng cửa cho lao động tự do qua lại thì có nghĩa là chúng tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội, được tranh thủ vừa làm vừa du lịch thay vì chỉ quẩn quanh thị trường trong nước”- Thanh Ngọc (ĐH HUFLIT) nêu suy nghĩ. Theo Ngọc, để chuẩn bị tốt cho việc gia nhập AEC thì chỉ cần ngoại ngữ tốt là được.

Thêm cạnh tranh

“Tôi không bất ngờ trước suy nghĩ của một số bạn trẻ. Tôi đang giảng dạy tại ba trường ĐH và thấy ngoại trừ sinh viên ngành quan hệ quốc tế được học nhiều về kiến thức ASEAN nên ít nhiều quan tâm đến các khía cạnh của AEC, hầu hết các bạn sinh viên khác đều thờ ơ khi nghe đến vấn đề này.

Trước AEC, theo tôi, hệ quả đáng lo ngại nhất đối với lao động trẻ VN đó là họ sẽ nhanh chóng bị mất phương hướng và sự tự tin. Khi họ chưa ý thức được tầm quan trọng và vai trò của chính bản thân mình trong bức tranh tổng thể AEC, họ sẽ không phân tích được điểm mạnh yếu, lợi thế so sánh của lao động VN nói chung và khả năng cạnh tranh của bản thân nói riêng.Các bạn sẽ không biết phải làm như thế nào để tìm được chỗ đứng trong sự nghiệp của mình sau khi ra trường”- ThS Nguyễn Trần Phi Yến (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn – ĐHQG TP.HCM) nêu trăn trở.

Còn theo ông Bùi Quang Vĩnh, nghiên cứu sinh tiến sĩ quan hệ công chúng tại Đại học South Australia, thì: “Suốt gần 20 năm làm công tác quản lý và giảng dạy, tôi nhận được khá nhiều lời than phiền từ các nhà quản lý nước ngoài về ý thức kỷ luật và trách nhiệm kém trong công việc của nhiều bạn trẻ VN. Khi gia nhập AEC, tôi tin các nhà đầu tư sẵn sàng trả chi phí cao hơn cho những nhân viên tới từ các nước khác để làm việc tại VN vì họ có ý thức làm việc tốt hơn. Có nghĩa là tuổi trẻ VN không chỉ phải cạnh tranh với lao động người Việt mà cả với lao động di cư từ các nước lân cận”.

Trong khi đó, giới trẻ ở các quốc gia trong khu vực đã sớm hình dung được “bức tranh” AEC và ráo riết dành nhiều thời gian trau dồi, hoàn thiện những kỹ năng còn thiếu. Bạn Khamhoung Chanthavong (23 tuổi, sinh viên Lào hiện đang theo học tại TP.HCM) cho biết: “Ở nước tôi, lãnh đạo các cấp và tất cả các phương tiện truyền thông từ đầu năm đến giờ liên tục cập nhật thông tin và các thách thức mà lao động các nước sẽ phải đối mặt…

Cụ thể hơn, ngay tại các trường đã tổ chức nhiều cuộc thi để bổ sung kiến thức, kỹ năng hội nhập cho sinh viên nên chúng tôi hiểu khá rõ về những điều cần phải chuẩn bị, những vấn đề nước Lào nói chung và lao động trẻ nói riêng cần giải quyết khi gia nhập AEC, văn hoá và thị trường lao động các quốc gia trong khu vực như thế nào…

Đơn cử nói về ngoại ngữ, giới trẻ Lào được khuyến khích không chỉ nâng cao trình độ tiếng Anh mà còn phải nỗ lực học thêm ngoại ngữ các nước trong khu vực như tiếng Việt, tiếng Thái… Hiện có thể nói số lượng sinh viên Lào học tiếng Việt rất nhiều”.

Các nước nói gì?

Từ tháng 1-2015, tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu Thái Lan The Nationđã giật tít lớn: “AEC sẽ đưa ra những thử thách lớn trong năm nay”. Ngoài việc đưa ra những phân tích, số liệu nói về cơ hội của Thái Lan khi gia nhập thị trường mới với gần 600 triệu dân, bài báo còn chỉ ra và khẳng định thách thức về sự cạnh tranh các mặt ở các quốc gia liên quan là có thật và thậm chí dùng từ “serious” (nghiêm trọng) để nói về một số thách thức nhất định.

Còn trên trang Thai-AEC, ông Visanu Vongsinsirikul (giám đốc Trung tâm chuẩn bị cho cộng đồng Đông Nam Á thuộc ĐH Dhurakij Pundit) đã khẩn thiết nhắc nhở: “AEC là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả khi chúng ta không muốn làm việc tại các quốc gia khác trong khu vực thì lao động nước họ chắc chắn sẽ tràn vào Thái Lan để làm việc”.

Trong khi đó, tờ The Star Online (Malaysia) cảnh báo rằng Philippines hiện đã có những sự chuẩn bị rất chặt chẽ, chi tiết, và lao động của họ sẽ trở thành “đối thủ” đáng gờm của các quốc gia trong khu vực khi AEC hình thành.

 

CÔNG NHẬT – DIỆU NGUYỄN