01/11/2024

Đến Bàn Môn Điếm nghe ‘chiến dịch chặt cây nguy hiểm nhất lịch sử’

Phóng viên Thanh Niên có cơ hội hiếm hoi đặt chân đến một trong những khu vực nhạy cảm nhất thế giới: Khu Bảo an hỗn hợp liên Triều.

 

Đến Bàn Môn Điếm nghe ‘chiến dịch chặt cây nguy hiểm nhất lịch sử’

 

Phóng viên Thanh Niên có cơ hội hiếm hoi đặt chân đến một trong những khu vực nhạy cảm nhất thế giới: Khu Bảo an hỗn hợp liên Triều.

 

 

Binh sĩ hai miền Triều Tiên tại ranh giới ở Bàn Môn Điếm	- Ảnh: Trọng KhaBinh sĩ hai miền Triều Tiên tại ranh giới ở Bàn Môn Điếm – Ảnh: Trọng Kha
Khu Bảo an hỗn hợp (JSA), được biết đến nhiều hơn với cái tên Bàn Môn Điếm (Panmunjom), là một phần của Vùng phi quân sự (DMZ) chia cắt bán đảo Triều Tiên từ năm 1953. Trong lịch trình 7 ngày dày đặc họp hành, thăm viếng tại Hàn Quốc theo sự sắp xếp của Đài Arirang TV thì JSA là điểm đến gây háo hức nhất cho chúng tôi.
Đây là nơi duy nhất trong cả DMZ mà binh sĩ 2 miền Triều Tiên đối mặt trực tiếp với nhau. Lâu nay, Hàn Quốc vẫn cho phép du khách đến DMZ nhưng phần lớn chỉ được thăm các khu vực dành riêng như công viên Imjingak hay Đài quan sát Dora, còn Bàn Môn Điếm vẫn là một bí ẩn với nhiều người.
Một người lính cao to, oai vệ bước lên xe vừa làm hướng dẫn viên vừa “bảo đảm an ninh” – tức là bảo đảm khách không tự ý chụp ảnh, không chỉ trỏ, vẫy tay hay ra hiệu. “Để tránh khiến binh sĩ miền bắc hiểu lầm là chúng ta khiêu khích họ”, binh sĩ họ Lim dặn.
Đốn cây dương, huy động cả pháo đài bay…

 
 
Đến Bàn Môn Điếm nghe 'chiến dịch chặt cây nguy hiểm nhất lịch sử' - ảnh 2
Chiến tranh chưa bao giờ gần như lúc này, cả khu vực nín thở theo dõi lưỡi cưa từ từ xén vào thân cây
Đến Bàn Môn Điếm nghe 'chiến dịch chặt cây nguy hiểm nhất lịch sử' - ảnh 3
 
 
 
Xe len lỏi giữa những con đường hẹp, hai bên là cây lá um tùm và những bãi mìn trải dài sau hàng rào kẽm gai. Binh sĩ Lim, vẫn giữ dáng đứng thẳng băng, say sưa tường thuật lại một trong những sự kiện chấn động nhất từng xảy ra tại Bàn Môn Điếm, chỉ dừng lại một lần để nhắc: “Xin nhắc lại là chúng ta không thể chụp ảnh khi xe đang chạy. Xin hãy xoá ngay tấm ảnh”.
Từ năm 1953 đến nay, tại Bàn Môn Điếm đã xảy ra nhiều vụ việc căng thẳng nhưng chưa khi nào nguy cơ chiến tranh hiện rõ như sự kiện ngày 18.8.1976 mà Seoul gọi bằng cái tên rất hình sự là Vụ giết người bằng rìu.
Trước cái ngày đẫm máu đó, trong phạm vi JSA không có ranh giới rõ rệt như bây giờ và binh sĩ hai bên có thể tự do di chuyển. Nằm giữa chốt gác thứ 3 và thứ 4 của lực lượng LHQ có một cây dương cao khoảng 30 m che mất tầm nhìn. Vì thế, một đội gồm 17 người Hàn Quốc và 2 sĩ quan Mỹ được phái đến tỉa cành sau khi đã thông báo cho miền bắc. Triều Tiên cũng cử vài chục quân nhân đến quan sát. Theo tường thuật của Hàn Quốc, phía Triều Tiên bất ngờ không chịu để đối phương đụng vào cái cây và tấn công dữ dội. Do quy định chung nên không bên nào mang súng ống gì và cuốc xẻng cùng rìu được sử dụng làm vũ khí. Hậu quả là cả hai sĩ quan Mỹ – đại uý Arthur Bonifas và trung uý Mark Barrett – đều bị chém chết.
Căng thẳng dâng cao tột độ, hai bên “giương cung rút kiếm” và cáo buộc nhau là thủ phạm ra tay trước. Sau 3 ngày, miền nam quyết định hành động mạnh tay và chiến dịch Paul Bunyan được tiến hành.
Hơn 800 công binh và đặc nhiệm Hàn – Mỹ vũ trang bởi cưa máy, rìu, súng trường M-16 cùng súng phóng lựu M-79 được điều động đốn hạ cây dương. Khoảng 27 trực thăng vần vũ trên trời, cao hơn nữa là các chiến đấu cơ F-4, F-5, F-86 thậm chí có cả máy bay ném bom B-52. Chưa hết, Mỹ đặt lực lượng ở Nhật Bản lẫn Philippines trong tình trạng sẵn sàng, trong khi oanh tạc cơ chiến lược mang bom hạt nhân và hàng không mẫu hạm USS Midway chực sẵn ngoài khơi. Triều Tiên điều khoảng 200 binh sĩ mang súng máy đến hiện trường để quan sát, còn tên lửa và pháo giương nòng ngay giới tuyến.
Chiến tranh chưa bao giờ gần như lúc này, cả khu vực nín thở theo dõi lưỡi cưa từ từ xén vào thân cây. Sau khoảng 40 phút, cây dương hoàn toàn gãy đổ, hai bên rút lực lượng và Bình Nhưỡng tuyên bố “rất tiếc vì những gì đã xảy ra”. “Thế là lần chặt cây tốn kém và nguy hiểm nhất lịch sử đã kết thúc”, binh sĩ Lim kể. Cũng từ đó, giới tuyến trong JSA mới được phân định rõ ràng và canh gác gắt gao như hiện nay.
Giấc mơ thống nhất
Vẫn vấn vương suy nghĩ về cây dương, chúng tôi bước sát giới tuyến liên Triều và Lim cho phép chụp ảnh theo một số hướng nhất định. Nằm chồng lên đường phân giới là 2 gian phòng màu xanh dùng làm nơi tiếp khách của cả hai miền và chỉ trong đó, người ta mới có thể coi như được đặt chân vào lãnh thổ của bên kia. Ngay đường phân giới, binh sĩ hai bên vẫn ngày ngày đối mặt, không bao giờ để lộ bất cứ cảm xúc nào hay trao đổi dù chỉ một ánh nhìn. Ở phía xa, một người lính miền bắc im lặng quan sát. Đường phân giới chỉ rộng bằng một viên gạch như nhát chém thẳng băng chia cắt cả một dân tộc.
Cả hai miền Triều Tiên đều đặt mục tiêu lớn nhất là hiện thực hoá giấc mơ thống nhất. Theo ông Lee Duk-haeng, quan chức cấp cao của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, thì chính sách của Seoul hiện nay là sẵn sàng đối phó mọi tình huống, tuyệt đối không để miền bắc sở hữu vũ khí hạt nhân; kết hợp với tăng cường trao đổi, đối thoại để xây dựng lòng tin, tiến tới bình thường hóa quan hệ hướng về mục tiêu thống nhất. Trước nhận xét rằng chính sách này lý tưởng đến mức không tưởng, ông khẳng định đó là con đường duy nhất vì thống nhất bằng vũ lực “có thể dẫn đến chiến tranh thế giới”; Hàn Quốc cũng không trông mong sẽ có biến cố lớn xảy ra đối với chính quyền miền bắc.
Tương tự, trao đổi với Thanh Niên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch hoà bình thuộc Bộ Ngoại giao Kwon Yong-woo nhận định nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã và đang củng cố quyền lãnh đạo của mình và chính quyền Triều Tiên sẽ tương đối ổn định trong một thời gian dài, bất chấp các thách thức hiện nay.
Bên cạnh đó, trong lần hiếm hoi xuất hiện công khai trước khách nước ngoài, 2 người Triều Tiên đào tẩu là ông Kim Dong-su và bà Park Yong-ae (cả hai đều dùng tên giả – NV) cho rằng khả năng xảy ra sự biến ở miền bắc là không cao. Kim, 32 tuổi và đã ở Hàn Quốc được 5 năm, tự nhận mình từng tham gia quân đội Triều Tiên trong 10 năm trước khi xuất ngũ rồi đào tẩu. Kim kể rằng năm 1995, quân đoàn số 6 bộ binh từng tính chuyện binh biến nhưng thất bại. Quân đoàn bị giải tán và các thủ phạm gánh chịu những hình phạt vô cùng nặng nề. Bình Nhưỡng chưa bao giờ lên tiếng xác nhận vụ việc nhưng theo Kim, quân đội sau đó được đặt dưới sự kiểm soát vô cùng gắt gao. Chính quyền tăng cường tối đa tuyên truyền giáo dục, đồng thời phát hiện sớm mọi “ý định sai trái” bằng đội ngũ quân báo trà trộn vào hàng ngũ binh sĩ.
“Trước khi trốn sang Trung Quốc rồi nhờ người dẫn đường đến Hàn Quốc qua ngả Lào và Thái Lan, tôi mới biết thế giới bên ngoài là như thế nào, khác hẳn những gì đã được nghe trong nước”, Kim tuyên bố.
Một thách thức khác, theo quan chức Lee, là giới trẻ Hàn Quốc ngày càng ít quan tâm chuyện thống nhất. Cũng đúng thôi, với nhiều người trẻ sống giữa Seoul bình yên và năng động, họ hầu như không thấy dấu hiệu nào gợi đến chiến tranh hay chia cắt. Điển hình là cô phiên dịch Shim so-hun duyên dáng, xinh đẹp, nói tiếng Anh chuẩn như người bản xứ. Ở tuổi 27, Shim – đang theo học thạc sĩ tại Đại học nữ Ewha danh giá nhất nước – tâm sự rằng thống nhất “hiếm khi xuất hiện trong những câu chuyện của em và bạn bè”.
Có lẽ vì thế mà khi trả lời câu hỏi của Thanh Niên về tương lai thống nhất hoà bình trên bán đảo, Vụ trưởng Kwon thừa nhận: “Tôi rất hy vọng thống nhất hoà bình sẽ đến trong thời của chúng ta nhưng sẽ rất khó. Điều chúng tôi có thể làm là nỗ lực để xây dựng nền tảng cho thành quả trong tương lai”.
Cột cờ 160 m của Triều Tiên trong Vùng phi quân sự - Ảnh: Trọng Kha

Cột cờ 160 m của Triều Tiên trong Vùng phi quân sự – Ảnh: Trọng Kha

Ngôi làng không chấp nhận rể ngoài
Theo một thỏa thuận từ năm 1953, hai miền Triều Tiên xây dựng 2 ngôi làng dân sự trong DMZ như biểu tượng của hòa bình. Làng Hàn Quốc mang tên Taesungdong hiện có hơn 100 người, sống bằng nghề nông và hằng ngày được binh lính hộ tống ra đồng. Theo binh sĩ Lim, nam giới trong làng được miễn nghĩa vụ quân sự nên theo luật, phụ nữ không được kết hôn với đàn ông bên ngoài, tránh có người lợi dụng hôn nhân để trốn quân dịch.
Cách Taesungdong hơn 2 km là làng Kijongdong của miền bắc. Quan sát từ xa có thể thấy một cột cờ sừng sững với quốc kỳ Triều Tiên bay phấp phới, xung quanh là nhiều ngôi nhà san sát. Với chiều cao 160 m, đây là cột cờ cao thứ tư thế giới, sau 3 cột cờ ở Ả Rập Xê Út, Tajikistan và Azerbaijan. Bình Nhưỡng khẳng định trong làng có một hợp tác xã với 200 gia đình cùng đầy đủ các tiện ích như trường học và bệnh viện. Ngược lại, binh sĩ Lim quả quyết với chúng tôi rằng Kijongdong là “làng ma không có người ở”.

 

Trọng Kha