Doanh nghiệp tư nhân thành trụ cột
Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan là những điển hình để chúng ta tham khảo để nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm.
Những kinh nghiệm điển hình: Doanh nghiệp tư nhân thành trụ cột
Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan là những điển hình để chúng ta tham khảo để nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm.
Trường chính sách công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, là trường đào tạo về chính sách công hệ cao học có uy tín. Được thành lập năm 2004 trên cơ sở hợp tác với Trường đại học Harvard, Trường chính sách công Lý Quang Diệu đã không ngừng lớn mạnh. Sứ mệnh của trường là đào tạo đội ngũ các nhà lãnh đạo và những người hoạch định chính sách ở khu vực nhà nước và tư nhân. Trong ảnh: một giờ học của trường – Ảnh tư liệu |
Tư bản thân hữu gây ra bất công và làm nhiều quốc gia không thể phát triển. Nếu nước nào chống được tư bản thân hữu hiệu quả, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh dựa trên cơ chế thị trường được đảm bảo bởi nhà nước pháp quyền cùng với sự giám sát của khu vực dân sự thì trở nên thịnh vượng.
Lợi ích nhóm tại Việt Nam thể hiện tập trung và phổ biến ở những lĩnh vực có nhiều lợi ích hay có các cơ hội để có được các lợi ích khác nhau như: tài chính, ngân hàng, đầu tư, đất đai, tài nguyên khoáng sản… Gần đây, lợi ích nhóm đã len lỏi vào một số hoạt động có tính đặc thù như nghiên cứu khoa học (phân cấp kinh phí, đề cử chủ nhiệm), đào tạo (sắp xếp hội đồng chấm tuyển sinh, chấm luận văn, luận án), thậm chí cũng ẩn hiện cả trong công tác cán bộ (quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm) |
(Nguồn: Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp, chủ biên Lê Quốc Lý, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, trang 158-159) |
Xây dựng thể chế để khống chế lợi ích nhóm
Hàn Quốc là một trường hợp điển hình minh họa sự phát triển của các thể chế bao trùm, khống chế được sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích từ một khởi điểm chiếm đoạt.
Park Chung Hee, một nhà độc tài quân sự, đã trở thành tổng thống của Hàn Quốc sau một cuộc đảo chính quân sự ở đầu thập niên 1960. Mặc dù có nhiều tranh cãi, về cơ bản ông được xem là người có công lớn tạo nên diện mạo của nước Đại Hàn Dân Quốc hiện đại ngày nay.
Trong 18 năm dưới thời Park Chung Hee, Hàn Quốc được vận hành bởi những vị tướng quân đội với đội ngũ an ninh dày đặc.
Tuy nhiên, tổng thống Park hiểu rằng sự sống còn của Hàn Quốc phụ thuộc vào thành công kinh tế, mà nó cần phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân. Để đạt được mục tiêu này, ông đã chọn cách liên minh với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là một nhóm nhỏ các tập đoàn tư nhân có khả năng và tiềm lực (chaebol).
Ông đích thân chủ trì các cuộc họp hằng tháng với lãnh đạo các doanh nghiệp để đánh giá những kết quả đạt được, điều chỉnh các chính sách bất hợp lý và đưa ra chính sách mới theo nguyên tắc ban thưởng cho những doanh nghiệp hiệu quả và trừng phạt những doanh nghiệp kém hiệu quả.
Chìa khóa của Hàn Quốc không bị các lợi ích nhóm chi phối dẫn đến tư bản thân hữu trong giai đoạn đầu chính là nhờ tinh thần vì lợi ích quốc gia của tổng thống Park và một số cộng sự.
Hơn thế, tuy việc xây dựng các ngành hay dự án chiến lược được thực hiện bởi một hay một vài doanh nghiệp, nhưng quá trình thương lượng hay lựa chọn thường được thực hiện đối với các nhóm hay hiệp hội doanh nghiệp với các bên liên quan trong chính phủ, thay vì những vận động hay thỏa thuận ngầm như Indonesia hay Philippines.
Nhân tố quan trọng khác để giúp Hàn Quốc có thể chuyển từ các thể chế độc tài sang thể chế dân chủ chính là khu vực dân sự. Khi thu nhập và mức độ phát triển gia tăng thì các tầng lớp khác bắt đầu lên tiếng và đòi hỏi quyền của mình. Khu vực dân sự với sự tiên phong của lực lượng sinh viên đã đấu tranh quyết liệt để giành quyền của mình.
Kết quả là chỉ sau nửa thế kỷ, từ một quốc gia ở thế giới thứ ba, Hàn Quốc đã vươn lên thế giới thứ nhất với tổng GDP theo sức mua tương đương trên 1.700 tỉ USD, đứng thứ 13 toàn cầu. Sự hài hòa trong ba trụ cột gồm nhà nước – khu vực doanh nghiệp – khu vực dân sự là nền móng vững chắc cho sự phát triển dài hạn của nước này.
Tầng lớp lãnh đạo tinh hoa
Nhiều người cho rằng Singapore là một trường hợp rất đáng tham khảo cho những nước như Việt Nam, Trung Quốc. Đảng Nhân dân hành động (PAP) dưới sự lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất.
Nhận thức chung về sự thành công của nước này là tăng trưởng kinh tế cao để đi đến thịnh vượng có thể đạt được dưới sự lãnh đạo hiệu quả của một đảng cầm quyền và có thể tránh được những rắc rối của dân chủ theo kiểu phương Tây.
Thật ra đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Trên thực tế, ông Lý Quang Diệu cùng các đồng sự đã xây dựng được một liên minh của những tầng lớp tinh hoa tài năng để đưa nước này đi đến thịnh vượng.
Kể từ năm 1965 đến nay, tuy không có đe dọa nào thật sự về sự lãnh đạo của PAP, nhưng những thách thức và cạnh tranh thật sự của các lực lượng khác và ngay trong nội bộ của PAP đã tạo áp lực để PAP trở nên hiệu quả và có năng lực hơn bằng việc thu hút được các tài năng và tự hoàn thiện mình.
Bằng việc duy trì các kỳ bầu cử cạnh tranh, ông Lý đã thành lập một cơ chế về trách nhiệm giải trình và tự chế tài một cách hiệu quả. Ông đã để cử tri Singapore có quyền quyết định PAP có được tiếp tục dẫn dắt nước này hay không.
Cơ chế chế tài này đã duy trì kỷ luật trong giới tinh hoa cầm quyền của Singapore và làm những lời hứa của họ phải đáng tin cậy.
Quả là có những hạn chế đến mức nghiêm cấm ở Singapore, nhưng không gian cho những lực lượng khác nhau tham gia quá trình lựa chọn lãnh đạo và quyết định các chính sách là rất lớn. Sự tham gia của truyền thông và các tổ chức xã hội là rất quan trọng.
Tất cả hãng thông tấn và các tờ báo lớn trên thế giới đều có mặt ở Singapore từ rất sớm. Chính phủ Singapore đã sử dụng pháp quyền, tòa án để đối phó với việc đưa tin sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ thay vì cấm đoán hay áp chế.
Chính truyền thông đã góp phần làm môi trường kinh doanh của Singapore được cải thiện rất đáng kể và họ là những người giới thiệu Singapore với thế giới bên ngoài.
Những điều mang tính cách mạng thật sự của ông Lý Quang Diệu là việc sử dụng các thể chế dân chủ và pháp quyền để kiềm chế bản năng “cướp bóc” (prediatory) của tầng lớp trị vì.
Doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột
Có đến 39 năm thiết quân luật ở Đài Loan (1948-1987) và điều đáng ngạc nhiên là trong giai đoạn này, kinh tế Đài Loan đã có những bước tiến ngoạn mục nhờ việc thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân và hạn chế vai trò của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Trong giai đoạn đầu, chính phủ của Tưởng Giới Thạch cũng có kế hoạch xây dựng và phát triển các DNNN được vận hành bởi những người theo chính phủ đến từ Trung Hoa đại lục.
Sau đó chính quyền Đài Loan đã để khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, mà một phần đáng kể được thành lập bởi những người Đài Loan sở tại sau khi bị đẩy ra khỏi khu vực công. Điều này vô hình trung đã giảm dần vai trò của các DNNN cũng như các nhóm lợi ích gắn với chính quyền đến từ Trung Hoa đại lục.
Ngày nay, các doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột của nền kinh tế hơn 23 triệu dân với GDP theo sức mua tương đương hơn 1.000 tỉ USD, đứng thứ 20 toàn cầu.
Trong giai đoạn thiết quân luật, Đài Loan được vận hành bởi một chính phủ chuyên chế của Quốc dân Đảng và các phong trào dân chủ thường xuyên bị đàn áp.
Tuy nhiên, Đài Loan đã có sự chuyển biến nhanh chóng kể từ khi bãi bỏ tình trạng thiết quân luật vào năm 1987. Các tầng lớp khác đã quyết liệt lên tiếng đòi hỏi quyền của mình. Tiến trình dân chủ tương đối trật tự đã diễn ra ở đó. Giống như Hàn Quốc, sự phát triển của Đài Loan ngày nay dựa trên sự hài hòa của ba trụ cột: nhà nước – khu vực doanh nghiệp – khu vực dân sự.
Như vậy, chìa khoá sự thành công của cả Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan trong việc hạn chế và đẩy lùi tư bản thân hữu và sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích nhờ bốn yếu tố cơ bản gồm: 1) sự trong sạch và toàn tâm toàn ý với quốc gia của những nhà lãnh đạo được xem là lập quốc trong giai đoạn ban đầu; 2) tuân thủ nghiêm ngặt các quy luật thị trường với kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh làm nòng cốt; 3) xây dựng nhà nước pháp quyền đúng nghĩa và 4) chấp nhận cạnh tranh trong khu vực công đồng hành với việc lớn mạnh của khu vực dân sự – đối trọng quan trọng nhất chống lại các quan hệ thân hữu và lợi ích nhóm.
Tuy nhiên, vấn đề lợi ích nhóm hay các quan hệ thân hữu không hoàn toàn vắng bóng ở ba nền kinh tế nêu trên, nhất là Hàn Quốc và Đài Loan. Đây là một cuộc chiến lâu dài và ở mức độ phát triển hiện nay, nhà nước pháp quyền cộng với sự cởi mở của các tổ chức xã hội là chìa khoá.
Philippines – nơi xuất xứ của khái niệm tư bản thân hữu Khái niệm tư bản thân hữu (crony capitalism hay crony capitalist) được sử dụng rộng rãi trên thế giới ngày nay có xuất xứ từ Philippines, khi được dùng để chỉ chế độ của tổng thống Ferdinan Marcos. Dưới thời của tổng thống Marcos từ năm 1965-1986, các nhóm lợi ích, tư bản thân hữu đã lũng đoạn chi phối nền kinh tế cũng như việc phân bổ các nguồn lực trong xã hội. Hậu quả của nó là một cấu trúc thể chế khai thác hay tước đoạt kể cả về kinh tế và chính trị. Gần như toàn bộ nền kinh tế của Philippines đến nay bị chi phối và khống chế bởi một số gia đình rất nhỏ. Dù là quốc gia có nguồn nhân lực rất tốt cộng với lợi thế tiếng Anh nhưng rất nhiều người chọn ở nước ngoài làm việc để đưa Philippines trở thành quán quân kiều hối, tuy nhiên đất nước vẫn không thể phát triển. Hậu quả của tư bản thân hữu hay sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích được thấy rất rõ ở quốc gia này. |