Bán nền bãi biển: “Biến” công viên biển thành khu đô thị
Dự án công viên biển ở Ninh Thuận được phù phép thành dự án đô thị.
Bán nền bãi biển: “Biến” công viên biển thành khu đô thị
Dự án công viên biển ở Ninh Thuận được phù phép thành dự án đô thị.
Nhà hàng, nhà nghỉ kiên cố mọc lên ngay bãi biển tại khu C, khu đô thị biển Bình Sơn – Ảnh: M.Trân |
Liên quan đến vụ “phân lô, bán nền” bãi biển, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án công viên biển Bình Sơn (không có khu đô thị) được Ban thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận thông qua tại văn bản số 2163/CV-TU ngày 10-9-2010.
Nhưng chỉ ba ngày sau đó, UBND tỉnh cùng chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư bất động sản Thành Đông (gọi tắt là Công ty Thành Đông) tổ chức lễ khởi công dự án “Khu đô thị du lịch biển Bình Sơn” trước sự ngỡ ngàng của nhiều đại biểu…
Tôi đề nghị cái gì lỡ rồi thì thôi, còn công viên biển Bình Sơn vừa hoàn thiện thì không được xây nhà hàng, nhà kiên cố. Đặc biệt phải dẹp ngay những nhà hàng hải sản nằm ở cuối các đường nhánh xuống bãi biển. Tỉnh phải quản lý chặt không cho xây dựng các nhà hàng kiên cố ngay bãi biển vì nó sẽ phá hỏng cảnh quan bãi biển |
Ông Trương Nghiệp Vũ (nguyên chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN tỉnh Ninh Thuận) |
Đổi tên mới thực hiện được dự án?
Tiếp đó ngày 13-12-2010, UBND tỉnh Ninh Thuận ra quyết định phê duyệt đồ án 1/500 khu đô thị du lịch biển Bình Sơn có tổng diện tích 24,7ha, trong đó khu A là công viên biển, khu B là vườn tượng và khu C là khu đô thị biển (5ha). Cho đến nay khu C đã được phân ra 100 lô, rao bán giá 1,5 – 2 tỉ đồng/lô 100m2 và đã có nhiều nhà xây che khuất tầm nhìn ra biển.
Trả lời câu hỏi “Tại sao biến dự án công viên thành dự án đô thị?”, ông Võ Đại – phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – giải thích việc chuyển quy hoạch như vậy là do tỉnh còn khó khăn. “Dành hết dải bãi biển này làm công viên thì ai cũng muốn nhưng tỉnh không có vốn.
Do vậy, UBND tỉnh trình và được Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất là đổi quy hoạch thành “khu đô thị du lịch biển Bình Sơn” từ năm 2010. Công ty Thành Đông được lấy 5ha để làm khu đô thị, bù lại họ xây dựng hoàn chỉnh công viên biển Bình Sơn hơn 19ha để bàn giao cho tỉnh.
Ban đầu tỉnh cũng bàn với Thành Đông để họ lấy đất phía tây đường Yên Ninh làm khu đô thị, nhưng nhà đầu tư không chịu nên đành phải chấp nhận phương án giao 5ha phía đông đường (giáp biển – PV) cho họ” – ông Đại nói.
Tỉnh uỷ Ninh Thuận không chỉ đạo xây nhà hàng trong công viên Ngày 30-5, ông Lâm Đông – chánh văn phòng Tỉnh uỷ Ninh Thuận – cho biết: “Thường vụ Tỉnh uỷ có đồng ý với việc xã hội hoá xây dựng khu đô thị du lịch biển Bình Sơn, nghĩa là thống nhất việc quy hoạch trước đây là từ công viên biển Bình Sơn – Ninh Chữ thành khu đô thị du lịch biển Bình Sơn. Còn việc cho thuê mặt bằng để xây dựng nhà hàng hay các khu khác thì Tỉnh uỷ không có chỉ đạo cụ thể đến mức như vậy”. |
Trong khi phần công viên biển Bình Sơn được giao cho Công ty Thành Đông đầu tư thì ngày 4-5-2012, UBND tỉnh Ninh Thuận ra quyết định cắt 4,5ha của khu công viên để giao cho một doanh nghiệp tại TP.HCM làm nhà hát San Hô.
Nhưng sau đó, doanh nghiệp này “đòi” tỉnh cho xây dựng biệt thự để… bán nên UBND tỉnh không đồng ý và thu hồi dự án. Nếu không có sự can thiệp của dự án nhà hát San Hô thì Công ty Thành Đông phải xây dựng hoàn chỉnh công viên như đã cam kết, nhưng chính vì sự can thiệp này nên hiện 4,5ha đất công viên còn đang bị “bỏ hoang”.
Mới đây, Công ty Thành Đông lại xin UBND tỉnh lấy 7.000m2 đất “bỏ hoang” này để… phân lô kinh doanh, bù lại công ty này sẽ làm tiếp phần công viên trên diện tích còn lại.
“Tuy nhiên, tỉnh cương quyết không đồng ý với đề nghị trên. Tỉnh nói rõ là cho công ty này mở hai sân bóng, miễn thu tiền sử dụng đất cho họ 49 năm, sau đó họ phải bàn giao cho tỉnh. Bù lại họ phải làm các sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, nơi cắm trại, cây xanh… trong phần đất còn lại của 4,5ha hiện còn bỏ trống như quy hoạch cũ để phục vụ cộng đồng. Nếu họ không làm thì tỉnh kêu gọi nhà đầu tư khác” – ông Đại thẳng thắn.
Cho làm nhà hàng trong công viên
Đổi bãi biển để lấy công viên, sau đó tỉnh Ninh Thuận tiếp tục cho thuê vị trí “vàng” trong công viên để xây trung tâm dịch vụ cao cấp Vi Hồng, đồng thời TP Phan Rang – Tháp Chàm chuẩn bị tổ chức đấu giá để cho thuê mặt bằng nhiều nơi trong công viên.
Ông Lê Hoài Nam, phó trưởng Phòng quản lý đô thị TP Phan Rang – Tháp Chàm, cho biết theo quy hoạch của UBND tỉnh Ninh Thuận, trên diện tích hơn 18ha của công viên biển Bình Sơn, có phân bố 13 vị trí có tổng diện tích hơn 1ha để làm khu dịch vụ.
“Thành phố đã cho thuê ba lô mặt bằng công viên để làm khu dịch vụ cao cấp Vi Hồng trong 25 năm. Số lô còn lại sẽ được tổ chức đấu thầu để cho thuê xây nhà hàng bán thức ăn nhanh, khu trưng bày hiện vật, khu bán hàng lưu niệm, đài ngắm biển, khu giải khát… Chúng tôi chỉ cho thuê hạ tầng hoặc mặt bằng chứ không giao đất cho đơn vị trúng thầu” – ông Nam nói.
Theo quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 xây dựng khu đô thị du lịch biển Bình Sơn do UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành ngày 13-12-2010, trong công viên biển Bình Sơn có “khu dịch vụ là nơi trưng bày, triển lãm các đặc trưng của vùng đất ven biển, đồng thời tổ chức các kiôt phục vụ nhu cầu lưu niệm, giải khát của người dân”.
Tại sao trong quy hoạch khu dịch vụ không có nhà hàng nhưng nay tỉnh lại cho thuê mặt bằng để làm nhà hàng? Ông Võ Đại trả lời rằng nếu công viên biển mà không có các dịch vụ kèm theo thì không thể phục vụ các nhu cầu cho người dân và du khách; đồng thời kinh phí thu từ việc cho thuê mặt bằng sẽ đầu tư lại cho việc chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, đảm bảo an ninh trật tự trong công viên.
“Việc cho mở một, hai nhà hàng trong khu công viên này tỉnh thấy là cần thiết để kéo khách du lịch đến. Do vậy, dù không có trong quy hoạch ban đầu nhưng vấn đề này đã được Ban thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất và có chỉ đạo, UBND tỉnh mới triển khai” – ông Đại cho hay.
Hay tin UBND tỉnh Ninh Thuận cho xây nhà hàng trong công viên biển Bình Sơn, ông Trương Nghiệp Vũ – nguyên chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN tỉnh – nói: “Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận các nhiệm kỳ trước chỉ cho đầu tư khu du lịch, nhà ở đô thị, nhà hàng nằm ở phía tây đường Yên Ninh để toàn cảnh quan dải bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ thông thoáng hướng ra biển. Nay bãi biển bị “băm nát” cũng do chiều theo ích lợi của các nhà đầu tư”.