28/11/2024

Dạy học bằng phim hoạt hình: “Phim hay quá thầy ơi”

“Phim hay quá thầy ơi. Thầy bày cho em cách làm phim đi thầy…” – nhiều học sinh lớp 10CV Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM thốt lên ngay khi đoạn video phim hoạt hình về địa lý dân cư vừa kết thúc.

 SINH VIÊN GÓP TAY ĐỔI MỚI GIÁO DỤC:

Dạy học bằng phim hoạt hình: “Phim hay quá thầy ơi”

 

“Phim hay quá thầy ơi. Thầy bày cho em cách làm phim đi thầy…” – nhiều học sinh lớp 10CV Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM thốt lên ngay khi đoạn video phim hoạt hình về địa lý dân cư vừa kết thúc.



 

Nguyễn Thế Nhất giới thiệu phim hoạt hình phục vụ dạy học địa lý lớp 10 do mình thiết kế - Ảnh: Trần Huỳnh
Nguyễn Thế Nhất giới thiệu phim hoạt hình phục vụ dạy học địa lý lớp 10 do mình thiết kế – Ảnh: Trần Huỳnh

Ngay sau khi xem xong phim, cả lớp hào hứng làm bài tập được giáo viên thiết kế sẵn. Đó là về đoạn video có nội dung xoay quanh “Tình hình phát triển và một số vấn đề về dân số thế giới và VN” do Nguyễn Thế Nhất (sinh viên năm 4 khoa địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thiết kế và áp dụng dạy thực nghiệm một bài học môn địa lý lớp 10.

Sinh viên sư phạm làm phim hoạt hình

Trong quá trình thực tập, Nhất nhận thấy tình trạng học sinh chưa chú trọng và không hứng thú với các môn khoa học xã hội, trong đó có môn địa lý. Sự hợp tác của học sinh trong giờ học với giáo viên hầu như không có. Thậm chí không ít học sinh rất thờ ơ với môn học này, chỉ học đối phó.

“Trong khi đó rất nhiều giáo viên vẫn áp dụng phương pháp giảng dạy cũ – “dạy chay”, truyền thụ một chiều. Bản thân giáo viên cũng tỏ ra không hứng thú trong việc giảng dạy nên ít ai chịu khó tìm tòi nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, học sinh vì thế thờ ơ theo” – Nhất cho biết.

Mong muốn được áp dụng đại trà

Đề tài nghiên cứu của Nguyễn Thế Nhất đã đoạt giải nhất trong hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường năm 2015.

Nhất cho biết nếu có trường nào quan tâm tới phương pháp này và đặt hàng, anh sẽ hợp tác với các sinh viên chuyên về kỹ thuật đồ hoạ, lồng tiếng thành lập nhóm thiết kế phim hoạt hình để sản xuất phim hoạt hình hấp dẫn phục vụ việc dạy học. “Mình hi vọng phim hoạt hình sẽ sớm được sử dụng vào dạy học địa lý trong các trường phổ thông” – Nhất nói.

Vấn đề đặt ra là làm sao để có thể tạo hứng thú, đam mê đối với việc học các môn khoa học xã hội như địa lý. Trăn trở trước thực trạng này, Nguyễn Thế Nhất nghĩ đến việc sử dụng phim hoạt hình làm phương tiện dạy học.

Nhất cho rằng phim hoạt hình là một trong những công cụ, phương tiện góp phần làm tăng sự đa dạng và phong phú các phương tiện trực quan trong dạy học địa lý.

Dưới sự giúp đỡ của ThS Hà Văn Thắng, càng tìm hiểu, Nhất nhận thấy phim hoạt hình hiện nay đang được biết nhiều hơn, đặc biệt là các bộ phim có hàm chứa nội dung khoa học về địa lý.

Đây thật sự là nguồn tài liệu quan trọng, có thể áp dụng để đổi mới phương pháp dạy học địa lý theo hướng phát huy tính tích cực và hứng thú của học sinh.

“Sao mình không tự làm phim hoạt hình chuyển thể những nội dung trong sách giáo khoa để phục vụ việc dạy học địa lý?” – nghĩ vậy rồi chàng giáo sinh mạnh dạn thực hiện đề tài “Thiết kế và thử nghiệm một số phim hoạt hình vào dạy học địa lý 10”.

Khi bắt tay vào làm phim hoạt hình, Nhất phải nghiên cứu sách giáo khoa để chọn lựa nội dung có khả năng chuyển thể được thành phim, rồi lên ý tưởng viết kịch bản, xây dựng bối cảnh, nhân vật, lời thoại… Khâu chuyển thể kịch bản thành phim hoạt hình là bước khó khăn nhất với Nhất vì là dân “tay ngang” lần đầu làm phim.

Nhất nhớ lại: “Sau khi viết kịch bản hoàn chỉnh, mình mày mò trên mạng học cách thiết kế, dựng phim, tìm phần mềm hỗ trợ để thiết kế phim hoạt hình. Do không có máy móc, thiết bị chuyên dùng nên việc làm phim cũng có không ít khó khăn, nhất là trong việc lồng tiếng. Chất lượng âm thanh của phim còn kém, nhiều tạp âm… làm giảm chất lượng phim”.

Mang phim vào lớp học

Hiện tại, Nhất đã cho ra lò năm sản phẩm phim hoạt hình dạy học môn địa lý lớp 10. Mỗi video clip phục vụ  một bài giảng. Để đánh giá phương pháp đưa phim hoạt hình phục vụ dạy học địa lý, Nhất đã thực nghiệm hai phim hoạt hình trong số năm video trên ở hai lớp 10 với tổng số 52 học sinh.

Tại lớp học, Nhất đã giới thiệu video phim hoạt hình về gió đất, gió biển và vai trò của chúng, phục vụ dạy bài 12: “Sự phân bố khí áp. Một số loại gió chính”…

Nội dung phim được thiết kế xoay quanh câu chuyện một cậu học trò thắc mắc về gió đất, gió biển, cậu đã hỏi bạn nhưng vẫn không tìm được câu trả lời. Vậy là hai cậu học trò tìm đến giáo sư và đã được giáo sư giải đáp bằng cách cho xem đoạn clip có nội dung khoa học giải thích về gió đất, gió biển với âm thanh, hình ảnh sinh động.

Thay vì phải đọc các nội dung địa lý khá trừu tượng, khó hình dung thì học sinh được theo dõi các cảnh thú vị, nhân vật cụ thể, hình ảnh rõ ràng… “Đây là cách thức giáo viên cho học sinh xem phim kết hợp yêu cầu học sinh hoàn thành bài tập giáo viên thiết kế sẵn, để khai thác nội dung của phim hoạt hình đó.

Với cách học này, phim hoạt hình được xem như một nguồn tri thức sống động cung cấp cho học sinh. Qua đó tăng sự tập trung của học sinh với bài học, và giảm bớt sự buồn chán của môn học mà các em đang thờ ơ” – Nhất giải thích.

Qua kết quả khảo sát sau buổi thực nghiệm cho thấy: ở giờ học địa lý không sử dụng phim hoạt hình có 71,1% học sinh cho rằng giờ học bình thường, không hứng thú. Ngược lại, ở giờ học có sử dụng phim hoạt hình lại có đến 82,7% học sinh hứng thú với giờ học địa lý.

Ở các mức độ tập trung, tham gia hay mức độ hiệu quả, sự cần thiết của phim hoạt hình trong dạy học địa lý thì có trên 80% học sinh trả lời ở mức độ 1 (rất tập trung, rất tích cực tham gia, rất hiệu quả, rất cần thiết, rất mong muốn) và 2 (tập trung, tích cực tham gia, hiệu quả, cần thiết, mong muốn).

Một điều đáng vui hơn nữa là phim hoạt hình không chỉ tạo được hứng thú, tích cực cho học sinh, mà nó còn được đánh giá là có hiệu quả nâng cao việc học tập so với dạy học theo lối thụ động.

Tại hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm học 2014 – 2015, đề tài của Nguyễn Thế Nhất đã gây chú ý và thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Tuy nhiên, nhiều giảng viên băn khoăn khi triển khai đề tài này trên thực tế vì không phải giáo viên nào cũng thiết kế được phim hoạt hình.

Nhất cho rằng: “Thiết kế phim hoạt hình đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức nhất định về tin học. Để áp dụng phương pháp này không nhất thiết giáo viên tự mình thiết kế phim hoạt hình, mà nhà trường có thể lập nhóm chuyên thiết kế tạo nguồn phim phục vụ việc dạy học. Nhà trường phổ biến những video này đến giáo viên, ai có nhu cầu có thể sử dụng khi dạy học”.

Tuy nhiên điều Nhất vẫn rất trăn trở là giáo viên có muốn áp dụng phương pháp này vào giảng dạy hay không, vì khi áp dụng giáo viên có thể tốn nhiều thời gian hơn, mất công sức hơn phương pháp khác. 

Khắc phục cách dạy học hàn lâm

ThS Hà Văn Thắng, giảng viên khoa địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét: “Thiết kế phim hoạt hình phục vụ dạy học địa lý là đề tài rất thú vị, có tính ứng dụng cao và hoàn toàn có thể thực hiện được trong điều kiện dạy học hiện nay. Việc thực nghiệm tại một số lớp của Trường trung học Thực hành đã chứng tỏ điều đó.

Những phim hoạt hình mà tác giả đề tài thiết kế không chỉ tạo hứng thú học tập cho học sinh mà còn chuyển tải nội dung bộ môn địa lý một cách khoa học và nhẹ nhàng. Hướng tiếp cận này khắc phục được cách dạy học hàn lâm từ trước đến nay vẫn áp dụng tại các trường THPT”.

Đồng thời ông Thắng cho biết thời gian tới Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và giảng viên sẽ hỗ trợ tác giả hoàn thiện sản phẩm dự thi ở những giải thưởng lớn hơn, để có nhiều người biết đến đề tài.

Nhà trường sẽ giới thiệu sản phẩm tới sinh viên khoa địa lý thông qua các học phần như phương tiện dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học… Bên cạnh đó sẽ giới thiệu sản phẩm trong những chương trình bồi dưỡng giáo viên THPT hoặc các đợt sinh hoạt chuyên môn do trường tổ chức.

 

TRẦN HUỲNH