Thị trường thực phẩm chay sôi động
Nếu trước kia, các sản phẩm chay thường chỉ được bày bán ở các cửa hàng, siêu thị chuyên về thực phẩm chay… thì nay vào hệ thống siêu thị và bán lẻ thông thường, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được.
Thị trường thực phẩm chay sôi động
Nếu trước kia, các sản phẩm chay thường chỉ được bày bán ở các cửa hàng, siêu thị chuyên về thực phẩm chay… thì nay vào hệ thống siêu thị và bán lẻ thông thường, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được.
Chọn mua thực phẩm chay tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: Quang Định |
Càng gần đến ngày lễ Phật đản, thị trường thực phẩm chay càng nhộn nhịp khách mua. Theo các nhà bán lẻ, sức tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm chay tại các cửa hàng, siêu thị đồ chay vào mùa tăng 100% so với ngày thường.
Đủ kiểu món chay
Chị Đặng Ngọc Mai (Q.Tân Phú, TP.HCM) kể nhà chị một tuần thường dành từ 1-2 ngày cho cả gia đình cùng ăn chay, nên đã quen với việc nấu các món chay cho cả nhà. Nguyên liệu không rẻ, nhưng nếu biết lựa cũng không quá đắt.
Chị thường kết hợp vừa đi chợ, vừa mua đồ ở siêu thị để có được món chay ngon cho cả nhà. Các loại thực phẩm chế biến và gia vị bán rất nhiều tại siêu thị…, còn các loại rau củ phải mua tại chợ. “Bình quân mỗi bữa chay tiêu tốn từ 180.000 – 200.000 đồng cho cả gia đình khoảng sáu người ăn, rẻ hơn nhiều ngoài tiệm” – chị Mai nói.
Nhiều bà nội trợ chọn giải pháp tự chế biến món chay tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh lại tiết kiệm được chi phí.
Chọn quầy thực phẩm chay đầu tiên để mua ba bịch bánh bao chay tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, cô Đằng Thị Hạnh (Q.Tân Bình) cho biết thường đến siêu thị mua cho nhanh do không có nhiều thời gian.
“Mình nấu thì ưng khẩu vị, rẻ hơn nhưng mất thời gian nhiều hơn nên đi siêu thị mua cho gọn nhẹ” – cô Hạnh nói. Quan sát nhiều người mua hàng, càng gần đến ngày lễ Phật đản, các loại đồ chay như cá hộp chay, thịt bò, xúc xích chay… xuất hiện nhiều trong giỏ hàng của các bà nội trợ.
Ngoài ra, các loại gia vị dùng chế biến món chay tại nhà như nước mắm, hạt nêm, chao, viên gia vị nấu hủ tiếu, bò kho, phở, dưa món… cũng bán khá chạy.
Ghi nhận tại các địa điểm quen thuộc với người ăn chay, khu vực bán đồ thực phẩm với nhiều mặt hàng đồ Tây như mì Ý, phô mai, bơ… cũng được nhiều người tò mò tìm mua. Tuy nhiên, những sản phẩm này khá kén người mua do giá cao, như bơ, phô mai chay thường có giá trên 150.000 đồng/hộp.
Trong khi đó tại các chợ, những ngày gần đây nấm rơm luôn trong tình trạng “cháy hàng”, giá cả bắt đầu nhích nhẹ, 1kg tăng lên 5.000 – 8.000 đồng (khoảng 70.000 – 90.000 đồng/kg tùy loại)… Theo các tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), thời tiết nắng nóng liên tục cộng với nhu cầu ăn chay vào dịp lễ Phật đản khiến nhiều mặt hàng tăng giá.
Tuy nhiên, do vào mùa mưa, nông dân thu hoạch nhiều hơn nên giá cũng không tăng nhiều, thậm chí còn có mặt hàng giảm giá bán.
An toàn vệ sinh là trên hết
Sau những thông tin nghi vấn về chất lượng sản phẩm thực phẩm chay, người tiêu dùng có xu hướng hạn chế dùng thực phẩm chay chế biến công nghiệp hoặc chỉ sử dụng những sản phẩm chay khá quen thuộc từ các thương hiệu có uy tín của các nhà sản xuất trong nước như chả giò rế chay, lẩu chay, bánh xếp, hoành thánh chay… với mức giá dao động từ 30.000 đến 70.000 đồng/gói.
Ngoài ra, thị trường thực phẩm cũng được đa dạng thêm bởi hàng nhập khẩu như các loại rong biển Hàn Quốc, thực phẩm organic của Đài Loan, Mỹ. Chị Hoàng Mai (chủ cửa hàng thực phẩm nhập khẩu trên đường CMT8, Q.10) cho biết xu hướng ăn chay trên thế giới rất nhiều kéo theo sự đa dạng của thực phẩm đáp ứng nhu cầu này.
Chỉ riêng thị trường Mỹ, cửa hàng chị đã nhập hơn 50 chủng loại khác nhau bao gồm bánh gạo, bột ngũ cốc, nước ép trái cây dinh dưỡng… Tuy nhiên, theo khảo sát, giá các mặt hàng này khá cao, từ 150.000 – 600.000 đồng/sản phẩm.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Saigon Food, cho biết đến thời điểm trước đại lễ Phật đản, một số mặt hàng lẩu đông lạnh như lẩu Thái chay, lẩu riêu cua chay đã tăng sản lượng lên khoảng 14% so với trung bình các tháng trước đó, các mặt hàng về rau củ đông lạnh như bắp Mỹ, đậu Hà Lan, rau hỗn hợp… sản lượng tăng khoảng 10%.
Riêng các mặt hàng cháo tươi đóng gói ăn liền như cháo ngũ đậu, cháo hạt sen thì sản lượng tăng đến 22%. Tổng cộng Saigon Food có 12 mặt hàng chay, doanh thu mùa Phật đản tăng trưởng 19%, dự kiến sẽ còn gia tăng đến hết tháng âm lịch.
Theo bà Lâm, các sản phẩm chay giả mặn như lẩu riêu cua chay… đòi hỏi yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm cao nên chỉ được sử dụng các thành phần tự nhiên được chiết xuất từ nguyên liệu đậu nành, bột mì, bột bắp, sử dụng hương màu tự nhiên từ cà chua, màu điều, hoàn toàn không sử dụng phụ gia.
Theo bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, đặc thù của thực phẩm chay là chế biến từ rau củ quả…
Ngoài ra, trong các sản phẩm đồ chay chế biến có thể chứa các phụ gia như hàn the, chất tạo màu, tạo hương vị… để hấp dẫn người mua, nên với các sản phẩm chế biến người tiêu dùng chỉ sử dụng khi kiểm soát được nguồn gốc của nguyên liệu hoặc hàng có thương hiệu.
Đối với thực phẩm chay ngoại nhập, cần mua hàng có nguồn gốc rõ ràng, có tem nhãn phụ, hạn sử dụng…
Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc Maximark Cộng Hoà, cho biết phần lớn mọi người có xu hướng tự nấu các món chay ở nhà, sau đó mới ăn ngoài tiệm nên sức tiêu thụ các mặt hàng rau củ, nấm, thực phẩm chay chế biến công nghiệp… tăng vào các mùa cao điểm như Vu Lan hay rằm tháng giêng. Tại siêu thị Co.op Mart, các mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn chay của người tiêu dùng như cà chua, cải sậy, bí đỏ, đậu cove, dầu thực vật, các loại mì chay, nước tương, gia vị… được bày bán khá nhiều. Khu ẩm thực của siêu thị cũng có bổ sung các món chay hằng ngày để phục vụ khách. Riêng thực phẩm chế biến, đóng gói còn có thịt kho hột vịt, thịt gà, bò nấu đậu, mắm ruốc, cánh gà rôti, xúc xích… Tất cả đều là đồ chay. |