Trung Quốc gây xói mòn an ninh ở Biển Đông
Nhiều bên tuyên bố quyết bảo vệ tự do lưu thông ở khu vực đồng thời chỉ rõ hành động xây đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là nguồn cơn gây căng thẳng.
Trung Quốc gây xói mòn an ninh ở Biển Đông
Nhiều bên tuyên bố quyết bảo vệ tự do lưu thông ở khu vực đồng thời chỉ rõ hành động xây đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là nguồn cơn gây căng thẳng.
Công trình phi pháp của Trung Quốc ở đá Gạc Ma thuộc Trường Sa – Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Tại phiên toàn thể đầu tiên của Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 14 diễn ra ở Singapore vào sáng 30.5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định chỉ trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc đã bồi đắp tới 800 ha đất ở Biển Đông. “Đó là lý do tình trạng lấn biển này trở thành nguồn cơn gây căng thẳng ở khu vực và là tin nóng trên trang bìa của các báo trên thế giới. Mỹ quan ngại sâu sắc về tiến độ và quy mô của việc bồi đắp ở Biển Đông, nguy cơ quân sự hóa cũng như gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột giữa các bên tranh chấp”, ông Ashton Carter tuyên bố.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc khẳng định ngoài Mỹ, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng quan ngại tương tự về ý đồ của Trung Quốc xây dựng các tiền đồn khổng lồ ở Biển Đông. Quan ngại trên càng có cơ sở khi phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Steven Warren cho biết Trung Quốc đã triển khai vũ khí tới khu vực nước này đang xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tuy ông Warren không nói rõ chi tiết nhưng theo tờ The Wall Street Journal, hình ảnh chụp vệ tinh cho thấy pháo di động đã xuất hiện trên một trong số đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp. Đây là bằng chứng rõ ràng cho ý đồ dùng các đảo nhân tạo làm tiền đồn quân sự.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters bên lề Đối thoại Shangri-La cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho rằng nếu thông tin nói trên là chính xác, đây là diễn biến rất xấu, làm phức tạp thêm tình hình. Thượng tướng cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế góp tiếng nói bảo vệ hoà bình và phát triển của khu vực.
Đứng ngoài luật pháp quốc tế
Từ những diễn biến trên, trong bài phát biểu ở Đối thoại Shangri-La, ông Ashton Carter mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc. Ông nói thẳng: “Với hành động của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đứng ngoài cả những tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế… lẫn sự đồng thuận khu vực”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn giải pháp hòa bình cho tất cả tranh chấp. Bây giờ là thời điểm cho ngoại giao, tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp lâu dài nhằm bảo vệ lợi ích của tất cả các bên. Là trung tâm của kiến trúc an ninh khu vực, ASEAN phải là một phần của nỗ lực này: Mỹ khuyến khích ASEAN và Trung Quốc đưa ra bộ quy tắc ứng xử trong năm nay”. Ông Ashton Carter còn tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và tự do hàng không – những nguyên tắc bảo đảm an ninh và phồn thịnh ở khu vực trong mấy thập niên qua… Mỹ sẽ bay, đi thuyền và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Sau phát biểu của ông Ashton Carter, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain phát biểu trước giới phóng viên bên lề Đối thoại Shangri-La rằng Washington cần tiếp tục cho tàu chiến và máy bay hoạt động trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo phi pháp Bắc Kinh đang xây ở Trường Sa. “Tôi tin rằng nếu tôn trọng khu vực 12 hải lý (quanh các thực thể nói trên – NV), chúng ta sẽ mắc phải sai lầm lớn, vì đó sẽ là cách công nhận không chính thức chủ quyền của Trung Quốc đối với những khu đất được bồi đắp”, tờ Stars & Stripes dẫn lời thượng nghị sĩ McCain cảnh báo.
Cũng tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani chỉ trích những dự án bồi đắp ở Biển Đông có nguy cơ phá huỷ hoà bình và ổn định ở khu vực, còn người đồng cấp Malaysia Hishammuddin Hussein cảnh báo nếu không kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông có thể leo thang thành “một trong những cuộc xung đột chết chóc nhất trong thời đại của chúng ta”, theo kênh Channel News Asia.
Trung Quốc “nổi xung”
Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Ashton Carter, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc lập tức phản ứng. Trong đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh chỉ trích Mỹ “coi nhẹ lịch sử, nguyên tắc pháp lý và sự thật”. Bà Hoa ngang nhiên lặp lại lời ngụy biện phi lý rằng “chủ quyền và các quyền liên quan của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông – NV) đã được thiết lập từ lâu” và việc xây đảo của nước này “hợp lý, hợp pháp và phù hợp” với tình hình và “không tác động hay nhắm tới bất kỳ nước nào”, theo Reuters. Phó chủ nhiệm Trung tâm quan hệ quốc phòng Trung – Mỹ thuộc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc Triệu Tiểu Trác, thành viên phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La, cũng lên giọng: “Chỉ trích Trung Quốc làm ảnh hưởng tới hoà bình và ổn định thông qua hoạt động xây dựng là sai lầm”.
Theo lịch trình, trưởng phái đoàn Trung Quốc là Phó tổng tham mưu quân đội, Đô đốc Tôn Kiến Quốc sẽ phát biểu tại phiên toàn thể thứ 4 vào sáng nay 31.5. Một số nguồn tin tiết lộ với tờ South China Morning Post rằng ông Tôn sẽ đưa ra những phát biểu mang tính “thân thiện” với các nước láng giềng nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông. Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Singapore nhận định với Thanh Niên rằng kịch bản ông Tôn “bỏ bài phát biểu chuẩn bị sẵn” để đổi giọng “lên lớp” Mỹ như năm 2014 có thể tái diễn và gay cấn hơn.
Sáng kiến an ninh biển Đông Nam Á
Theo các thông tin từ Mỹ đưa ra tại Đối thoại Shangri-La, Lầu Năm Góc sẽ khởi động Sáng kiến an ninh biển Đông Nam Á mới nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực nâng cao khả năng hàng hải.
Bộ trưởng Ashton Carter không cung cấp chi tiết nhưng thượng nghị sĩ John McCain ngày 30.5 tiết lộ ông vừa đề xuất bổ sung thêm 425 triệu USD cho sáng kiến nói trên. Ngân sách này sẽ cho phép hỗ trợ các nước ASEAN huấn luyện, thực hiện các dự án quân sự quy mô nhỏ và mua sắm thiết bị quốc phòng, theo Reuters.
Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani kêu gọi tất cả quốc gia liên quan, gồm cả Trung Quốc “hành xử có trách nhiệm” ở Biển Đông và đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La”,với 3 phương thức nhằm thúc đẩy an toàn trên không và trên biển. Trong đó bao gồm đề xuất các nước thành viên ASEAN cùng tuần tra không phận Biển Đông 24/24 giờ.
|
Thượng nghị sĩ McCain đề xuất nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với VN
Ngày 30.5, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain cho báo giới hay đề xuất nới lỏng thêm lệnh cấm vận vũ khí đối với VN có thể được trình Thượng viện xem xét vào tuần tới.
Tờ Stars & Stripes dẫn lời ông McCain khẳng định những quy định được nới lỏng sẽ tập trung vào vũ khí “mang tính phòng thủ”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với BBC bên lề SLD về vấn đề này, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng đây mới là thông tin từ phía Mỹ và là tín hiệu tích cực, thể hiện sự bình đẳng tôn trọng và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cho biết sau Singapore, ông sẽ đến VN thăm Hải Phòng và Hà Nội. Ông nhấn mạnh: “Ngoài các liên minh, Mỹ cũng đang thắt chặt quan hệ với những người bạn ở khu vực, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ”.
|
Văn Khoa