27/11/2024

Nền kinh tế quá phụ thuộc vào Trung Quốc

Tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế VN 2015 do Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) tổ chức với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hoà nhập”, các chuyên gia lo ngại tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc đang gia tăng khá nhanh…

 

Nền kinh tế quá phụ thuộc vào Trung Quốc

 

 

Tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế VN 2015 do Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) tổ chức với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hoà nhập”, các chuyên gia lo ngại tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc đang gia tăng khá nhanh, còn nhập khẩu từ các thị trường khác lại đang sụt giảm khiến nền kinh tế quá phụ thuộc vào “người hàng xóm” này.

 

 

Xe chở hàng hóa chờ xuất khẩu tại Trung Quốc Xe chở hàng hoá chờ xuất khẩu tại Trung Quốc –  Ảnh: Ngọc Thắng

Báo cáo của VEPR dành hẳn 1 chương đánh giá cơ hội, tiềm năng cũng như thách thức khi VN gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặt trong sự so sánh với đối thủ Trung Quốc (TQ). Theo đó, nội dung chính của TPP đã được tiết lộ bao gồm 29 chương trong đó có 14 chương đã hoàn tất đàm phán đến trước tháng 5.2015 như: thủ tục hải quan, dịch vụ, mua sắm công, tiêu chuẩn và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhập cảnh tạm thời…

Nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhanh

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong TPP chính là xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK). Trong các năm qua, XK của VN vào các nước TPP liên tục tăng nhanh nhưng đáng tiếc tỷ trọng lại không ổn định. Hiện chỉ chiếm 38 – 39% tổng kim ngạch XK sau khi đạt đỉnh 50% (trong đó Mỹ và Nhật là 2 thị trường chính). Ở chiều NK, tỷ trọng từ TPP lại giảm dần, chỉ chiếm 23% tổng kim ngạch NK năm 2014. Thay vào đó kim ngạch nhập khẩu từ TQ tăng mạnh, chiếm 29,6% tổng kim ngạch NK.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan vừa công bố cũng cho thấy năm 2013 VN nhập siêu 23,7 tỉ USD từ TQ, năm 2014 tăng lên 29 tỉ USD. Trong 4 tháng năm 2015, mức nhập siêu đạt 10,7 tỉ USD (bằng tổng số nhập siêu của cả nước dự báo trong 2015). Dự kiến năm nay nhập siêu TQ có thể lên tới 35 tỉ USD.

Trả lời Thanh Niên, TS Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia) thông tin tại hội nghị ASEAN vừa rồi, đại diện TQ cho biết, thâm hụt của VN với TQ năm 2015 lên tới 44 tỉ, chứ không phải 29 tỉ USD như thống kê của VN. Sở dĩ có sự khác biệt nói trên do TQ đã thống kê giao dịch qua biên giới hai nước rất chi tiết, kể cả tiểu ngạch, buôn lậu… Trong khi đó, VN chỉ thống kê các con số chính ngạch. Nhập siêu từ TQ tăng chóng mặt và quá phụ thuộc vào thị trường này, theo ông Nghĩa, là do các nhà sản xuất VN chỉ có thể NK nguyên liệu rẻ tiền, sản xuất ra sản phẩm rẻ tiền và XK vào các thị trường dễ tính.

Vốn FDI ngày càng sụt giảm

Sự phụ thuộc vào TQ càng đáng lo ngại hơn khi tốc độ và sự chủ động tham gia sân chơi quốc tế, mở mang ra các thị trường khác rất chậm. TS Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế, nhìn nhận năm 2015 là năm bản lề dấu mốc 20 năm vào ASEAN, 8 năm vào WTO. Năm nay cũng ký một loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Tuy nhiên, chuyển biến hội nhập còn khá chậm, mới chỉ tập trung ở trung ương, trong khi các địa phương và các DN vẫn chưa sẵn sàng. Một dấu hiệu khác cũng đáng lo ngại theo TS Anh, năm 2007 vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 21 tỉ USD, thì 4 năm gần đây lại liên tục giảm. Khi kết thúc đàm phán WTO, vốn FDI tăng vọt. Gần đây lại giảm, năm 2014 vốn đăng ký đạt 20,3 tỉ USD chỉ bằng 95% năm 2013.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, vốn FDI giảm bất thường trong những năm gần đây phản ánh môi trường kinh doanh bị cạnh tranh khi luồng vốn vào Đông Nam Á tăng nhưng VN lại giảm. Ở một khía cạnh khác, báo cáo của VEPR cũng nêu ra những khó khăn. Theo đó, VN sẽ có mức tăng NK lớn nhất tới 11% (tương đương giá trị tăng thêm khoảng 13,3 tỉ USD) từ TPP. Trong khi đó, XK sụt giảm từ 2,2 đến 3,1 tỉ USD tuỳ theo từng kịch bản. Nguyên nhân do việc dỡ bỏ thuế quan và sự cạnh tranh của các DN nước ngoài vào nội địa khiến giá thế giới giảm. Đồng thời, tiêu dùng trong nước tăng mạnh trong khi đó sản xuất tăng yếu dẫn tới thiếu nguồn cung cho XK.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy VN sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước thành viên. Cụ thể, mức tăng GDP thực tế từ 1,03% đến 2,11% chủ yếu nhờ tăng đầu tư và tiêu dùng, tương đương giá trị tuyệt đối 1,4 tỉ USD đến 2,9 tỉ USD. Riêng về đầu tư, mức tăng của VN là nổi bật trong khối, xấp xỉ Nhật Bản, gấp đôi Úc, Malaysia và Mỹ. Về thương mại, trong khi NK tăng mạnh thì XK lại chứng kiến mức giảm nhẹ, khiến VN đi sâu hơn vào nhập siêu. Xét thay đổi theo ngành nhờ TPP, có sự dịch chuyển trong sản xuất và lao động từ ngành VN không còn lợi thế so sánh (nông nghiệp) sang các ngành đang có lợi thế (dệt may, da giày, dịch vụ tiện ích).

Trước thách thức lẫn cơ hội này, VEPR kiến nghị Chính phủ phải cải cách thể chế, tự do hóa các thị trường yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai. Khi Hiệp định TPP được ký kết, doanh thu từ thuế giảm, Chính phủ có thể tìm cách bù đắp thâm hụt này bằng nguồn khác để giữ ổn định cán cân ngân sách. Tuy nhiên, các biện pháp lại phải được cân nhắc để đảm bảo ổn định vĩ mô và khuyến khích được sản xuất và tiêu dùng, tránh gây ra mâu thuẫn.

Hàng VN bị điều tra vì hàng TQ

Hôm qua, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế) Thổ Nhĩ Kỳ vừa ra thông báo tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với gỗ dán nhập khẩu từ VN. Giai đoạn điều tra từ năm 2010 đến nay. Trước đó, năm 2006 Thổ Nhĩ Kỳ đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nói trên nhập khẩu từ Trung Quốc, mức thuế là 240 USD/m3. Trong thông báo, Thổ Nhĩ Kỳ sơ bộ xác định kể từ năm 2010, lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra từ VN đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, lượng hàng nhập khẩu từ VN từ năm 2010 trở về trước chỉ đạt 3.250 m3, nhưng trong năm 2013 đã tăng lên 10.052 m3 và năm 2014 là 24.065 m3. Lượng xuất khẩu của VN trong tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này vào Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng từ 2% trong năm 2010 lên 8% trong năm 2014. Vì thế, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc để xem xét liệu có khả năng tồn tại việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá với gỗ dán hay không (hàng Trung Quốc xuất qua Thổ Nhĩ Kỳ dưới danh nghĩa hàng VN để tránh thuế chống bán phá giá).

N.T.Tâm – Mai Phương

Anh Vũ