28/11/2024

Bí ẩn đời điệp viên Triều Tiên

Câu chuyện về nghề nghiệp bí ẩn nhất trong đất nước khép kín nhất thế giới được hé lộ qua lời kể của các cựu điệp viên Triều Tiên. Câu chuyện về nghề nghiệp bí ẩn nhất trong đất nước khép kín nhất thế giới được hé lộ qua lời kể của các cựu điệp viên Triều Tiên.

  

Bí ẩn đời điệp viên Triều Tiên

 

 

Câu chuyện về nghề nghiệp bí ẩn nhất trong đất nước khép kín nhất thế giới được hé lộ qua lời kể của các cựu điệp viên Triều Tiên.

 

 

 

Bí ẩn đời điệp viên Triều TiênĐiệp viên Kim Hyun-hee bị đưa về Hàn Quốc năm 1987 -  Ảnh: AFP

Khác với những điệp viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), vốn thường được tuyển mộ từ các trường đại học danh giá, những đồng nghiệp CHDCND Triều Tiên của họ thường được chọn lựa ngay từ thời trung học. Kim Dong-shik là một trường hợp như thế. Thậm chí lúc được tuyển mộ, Kim còn không biết sứ mệnh tương lai của mình là gì.
Ứng viên tiềm năng
 
 

“Hàng trăm điệp viên Triều Tiên tại Mỹ”

Đó là tiết lộ của cựu điệp viên Triều Tiên Kang Myong-do trong cuộc phỏng vấn với CNN. Một trong những mục đích chính của họ là tuyển mộ những người Mỹ gốc Hàn có cảm tình với Bình Nhưỡng.
“Có 3 chiêu thức khác nhau. Đầu tiên là cấp thị thực cho họ đến Triều Tiên, kế đến là cho họ kinh doanh, kiếm tiền tại đó và thứ ba là dùng phụ nữ để dụ dỗ họ. Các chiêu thức này được sử dụng rộng rãi từ thập niên 1980”, Kang tiết lộ.
Kang cho biết ông từng làm việc tại Đơn vị Phát triển thống nhất vào năm 1984 và một trong những nhiệm vụ của cơ quan này là cử các điệp viên đến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật.
Theo Kang Myong-do và Kim Dong-shik, các điệp viên Triều Tiên được đãi ngộ rất tốt, với tiêu chuẩn ngang hàng cấp tướng. Điều đó cho thấy Bình Nhưỡng rất coi trọng vai trò của các điệp viên.
 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn được Đài CNN phát ngày 22.5, Kim cho biết ông được gửi đến một trường đại học chuyên ngành trong 4 năm, nơi ông được dạy các kỹ năng như võ thuật, lặn bình khí, bắn súng và cài thuốc nổ. Chỉ sau khi được huấn luyện thuần thục, Kim mới được tiết lộ lý do ông được chọn. “Khi nghe nói sẽ trở thành điệp viên, tôi cảm thấy choáng váng. Có nhiều tai nạn xảy ra với các điệp viên trước đó. Và nhiều người được phái đến Hàn Quốc đã bỏ mạng, nên tôi nghĩ mình chết chắc”, Kim nói.

Theo Kim, hoạt động huấn luyện thể chất chỉ là một phần, phần quan trọng nhất là sự chuẩn bị về tâm lý. “Chúng tôi được dạy phải sẵn sàng hy sinh cho chế độ và nếu bị tóm, chúng tôi dứt khoát không được để bị bắt sống”, cựu điệp viên này hồi tưởng.
Mặc dù không có cách nào kiểm chứng những lời kể trên, những tiết lộ mới đây của Kim Dong-shik phù hợp với câu chuyện của Kim Hyun-hee, một trong những điệp viên nổi tiếng của Triều Tiên.
Kim Hyun-hee là người bị bắt sống sau vụ cài bom chuyến bay số 858 của Hãng Korean Air vào ngày 29.11.1987, khiến 115 người thiệt mạng trên biển Andaman. Kim Hyun-hee được giới chức tình báo Bình Nhưỡng chú ý vào thập niên 1970, khi còn là cô nữ sinh trung học nhờ trí thông minh sắc sảo, vẻ bề ngoài ưa nhìn và khả năng ngoại ngữ. “Một ngày nọ, một chiếc xe mui kín màu đen đỗ xịch trong sân trường. Họ đến từ trung ương đảng và nói rằng tôi được chọn”, Kim kể lại trong cuộc phỏng vấn với ABC News năm 2013.
Kim thậm chí không được phép từ giã bạn bè, phải thu xếp hành lý ngay và chỉ được ở lại với gia đình một đêm. Năm 1980, Kim được gửi đến một trường huấn luyện điệp viên ưu tú nằm trên một dãy núi hẻo lánh. Cô được đặt một cái tên mới là Ok Hwa, được huấn luyện võ thuật, sử dụng vũ khí và ngoại ngữ. Cuối khoá huấn luyện dài gần 8 năm, Kim phải trải qua quá trình thử thách hết sức khắc nghiệt. Một trong những bài kiểm tra mà cô phải thực hiện là bí mật xâm nhập vào một đại sứ quán giả, bẻ khoá két sắt và đọc thuộc lòng một tài liệu được đặt bên trong.
Giáo viên bất đắc dĩ
Theo lời kể của Kim, cô được một giáo viên tên Lee Eun-hye dạy tiếng Nhật. Lee Eun-hye sau này được nhận diện là Yaeko Taguchi, một trong ít nhất 13 người Nhật bị bắt cóc vào cuối thập niên 1970 và đầu 1980. Những tài liệu cùng với lời khai của người Triều Tiên đào tẩu cho thấy hoạt động bắt cóc người ngoại quốc để phục vụ cho quá trình huấn luyện điệp viên là chuyện có thật. Những người này chủ yếu được sử dụng để dạy ngoại ngữ và văn hoá bản xứ.
Việc bắt cóc ít nhất 13 người Nhật từng được nhà lãnh đạo Kim Jong-il thừa nhận trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi vào tháng 9.2002. Ông Kim Jong-il đã ngỏ lời xin lỗi và quy trách nhiệm thực hiện các vụ bắt cóc cho “những kẻ muốn thể hiện chủ nghĩa anh hùng và phiêu lưu”. Tuy nhiên, một tài liệu của Bình Nhưỡng được tờ The Washington Times tiết lộ vào tháng 12.2014 cho thấy ông Kim, với vai trò điều khiển hoạt động tình báo của Triều Tiên vào thập niên 1970 – 1980, chính là người chỉ đạo tiến hành các vụ bắt cóc.
Theo tờ The Washington Times, tài liệu trên được giới chức Bình Nhưỡng soạn với mục đích lưu trữ lịch sử, song bị các cơ quan tình báo phương Tây đánh cắp. Bản dịch tài liệu cho biết ông Kim từng gặp chỉ huy của Ban Điều tra trung ương, được biết đến với tên viết tắt JOSABU, vào ngày 29.9.1977. Tại cuộc gặp, ông đã vạch kế hoạch sử dụng người nước ngoài cho các hoạt động tình báo, đồng thời ra lệnh cử các đội đặc vụ đến Đông Nam Á, Trung Đông và Đông Âu để dụ dỗ hoặc bắt cóc những thanh niên tiềm năng.
Năm 1978, một đơn vị bí mật tại Hồng Kông đã bắt cóc thành công nữ diễn viên Hàn Quốc Choi Eun-hee cùng chồng là đạo diễn Shin Sang-ok. Cả hai đã tham gia sản xuất một số bộ phim cho nền điện ảnh Triều Tiên trước khi đào thoát trong một chuyến dự liên hoan phim ở Vienna (Áo) năm 1986.
Những kết cục buồn
Trở lại với điệp viên Kim Dong-shik, ông cho biết nhiệm vụ đầu tiên mà ông được giao là đến Hàn Quốc để đưa một điệp viên cấp cao mang họ Lee về nước. Sứ mệnh thứ hai là tuyển mộ những người chống chính phủ có cảm tình với CHDCND Triều Tiên.
Tại Hàn Quốc, Kim liên lạc với cơ quan chỉ huy thông qua chương trình phát thanh. Cụ thể, phát thanh viên một chương trình đêm khuya ở Bình Nhưỡng sẽ đọc một loạt các con số vốn là mật mã để thông báo cho Kim nhiệm vụ kế tiếp. Theo Kim, phương pháp liên lạc của giới tình báo Triều Tiên ngày nay tinh vi hơn nhiều. Trong một sứ mệnh ở Seoul năm 1995, Kim bị các đặc vụ Hàn Quốc bắn bị thương nhưng không thể xoay xở để tự sát.
Kim khẳng định toàn bộ gia đình của ông ở Triều Tiên đã bị xử tử vì ông không tự “diệt khẩu”. Tuy nhiên, cũng như phần lớn thông tin từ những người Triều Tiên đào tẩu, CNN nói rõ họ không thể kiểm chứng độc lập lời kể của Kim. Bình Nhưỡng cũng chưa đưa ra bình luận về cuộc phỏng vấn của CNN.
Khác với Kim Dong-shik, Kim Hyun-hee chỉ thực hiện vỏn vẹn một nhiệm vụ. Nhưng đó là một nhiệm vụ quan trọng và phải dày công chuẩn bị. Cùng với điệp viên huyền thoại Kim Seung-il, Kim Hyun-hee bay từ Bình Nhưỡng đến Moscow (Nga) rồi đến Budapest (Hungary), nơi họ được giao các hộ chiếu Nhật giả và bắt đầu đóng vai cha con chu du qua các nước châu Âu. Tiếp đó họ đến Baghdad (Iraq) và chuẩn bị cho giai đoạn cuối cùng của sứ mệnh – đánh bom chuyến bay số 858 của Hãng Korean Air bay từ Baghdad đến Seoul.
Sau khi cài bom hẹn giờ gắn trong một chiếc đài bán dẫn, cả hai xuống máy bay lúc quá cảnh tại Abu Dhabi (UAE) và bay đến Bahrain. Chiếc máy bay của Korean Air nổ tung trên không trung, nhưng hai điệp viên Triều Tiên bị mắc kẹt tại Bahrain bởi chuyến bay kế tiếp của họ chỉ cất cánh 2 ngày sau đó. Khi bị giới chức Bahrain phát hiện dùng hộ chiếu giả, Kim Seung-il đã cắn viên thuốc chứa xyanua giấu trong điếu thuốc lá và chết ngay tức khắc. Còn Kim Hyun-hee mặc dù cắn thuốc nhưng được cứu sống và dẫn độ về Hàn Quốc để ra trước vành móng ngựa về tội sát hại 115 người.
Sau nhiều ngày bị thẩm vấn và tận mắt chứng kiến cuộc sống thực sự ở Hàn Quốc, Kim đã nhận tội. Điệp viên 25 tuổi bị tuyên án tử hình vào tháng 3.1989, nhưng được Tổng thống Roh Tae-woo ân xá dựa trên cơ sở bị cáo không phải là thủ phạm đích thực mà cũng chỉ là một nạn nhân.
Kim hiện sống ẩn dật tại một địa điểm bí mật ở Hàn Quốc cùng chồng là một sĩ quan tình báo, người đồng thời là vệ sĩ, và rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Cô từng viết một cuốn hồi ký mang tên Giọt lệ trong hồn (The Tears of My Soul) và dành lợi nhuận thu được để giúp đỡ gia đình các nạn nhân chuyến bay 858. Cuộc đời của Kim Hyun-hee và vụ đánh bom chuyến bay 858 đã được xây dựng thành bộ phim điện ảnh tên Mayumi vào năm 1990. Và người đạo diễn bộ phim, không phải ai khác, chính là Shin Sang-ok, vị đạo diễn bị bắt cóc kể trên.

Công Chính