28/11/2024

Giá hàng hoá ‘nhảy’ theo xăng

Đợt điều chỉnh giá xăng tăng 1.200 đồng/lít lần này đã cộng hưởng khá mạnh với 2 đợt điều chỉnh giá xăng trong năm 2015, cùng cú điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% và giá điện tăng 7,5%.

 

Giá hàng hoá ‘nhảy’ theo xăng

 

Đợt điều chỉnh giá xăng tăng 1.200 đồng/lít lần này đã cộng hưởng khá mạnh với 2 đợt điều chỉnh giá xăng trong năm 2015, cùng cú điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% và giá điện tăng 7,5%.


 

 

Lương thực, thực phẩm chịu áp lực tăng giá theo xăng - Ảnh: Ngọc ThắngLương thực, thực phẩm chịu áp lực tăng giá theo xăng – Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn, cho biết công ty chủ yếu dùng nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất nên khi tỷ giá điều chỉnh, cộng với giá xăng tăng đã đẩy chi phí đầu vào lên cao. Năm nay giấy Sài Gòn cần khoảng 14 triệu USD để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu. Do vậy, sau khi hứng chịu hai đợt tăng giá xăng dầu đã làm chi phí đầu vào của sản phẩm tăng cao, làm mất tính cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa.

 
“Dội” áp lực lên giá tiêu dùng
Trong khi đó, giám đốc một công ty cổ phần gang thép tại Thái Nguyên cho biết đợt tăng giá xăng mới nhất ngày 20.5 khiến cước vận chuyển gang, thép rồi chi phí nhập khẩu nguyên liệu của công ty đã tăng đáng kể lên hơn 10%. Vì vậy, doanh nghiệp đang tính toán có thể sẽ phải tăng giá các sản phẩm đúc gang cho các đối tác.
Tại nhiều cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống, giá xăng tăng liên tiếp chỉ trong vòng hơn 2 tuần khiến nhiều người tỏ ra lo ngại. Chị Ngô Thu Hà (giảng viên một trường ĐH tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi lần giảm giá thì chỉ thấy có vài trăm đồng, còn tăng giá thì vừa nhanh lại vừa cao cứ 1.000 – 2.000 đồng/lít. Các tiểu thương ở chợ thì hay vin vào đó để tăng giá bán lương thực, thực phẩm. Hôm nay tôi đi chợ đã thấy các bà kháo nhau rau, củ quả, thịt cá sắp tăng theo giá xăng rồi”.
Cục Thống kê Hà Nội hôm qua đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội tháng này tiếp tục tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 12.2014, CPI Hà Nội tăng 0,46%. Ước tính chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 0,62% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng này tăng là do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 5.5 kéo theo một số nhóm hàng tăng theo, đặc biệt là nhóm giao thông tăng 1,06% so với tháng trước. Cùng thời điểm, Cục Thống kê TP.HCM cũng cho biết giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng nhẹ với mức 0,3% so với tháng trước. Trong đó, nhóm tăng giá gồm: may mặc, mũ nón, giày dép 0,1%; thiết bị đồ dùng gia đình 0,02%; nhóm văn hóa giải trí, du lịch 0,07% và đặc biệt giao thông 1,05%.
Đánh giá tác động của đợt điều chỉnh giá xăng lần này, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng chắc chắn giá nguyên, phụ liệu đầu vào sẽ bị ảnh hưởng, chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Bên cạnh đó, giá hàng hoá tiêu dùng cũng chịu tác động không nhỏ. “Đặc biệt là giá cước vận tải vì xăng, dầu chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí đầu vào. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá đang bám sát diễn biến thị trường, theo dõi chặt chẽ việc kê khai, đăng ký giá cước của các doanh nghiệp. Nếu có dấu hiệu tăng giá bất hợp lý chúng tôi sẽ yêu cầu địa phương vào cuộc xử lý”, ông Tuấn khẳng định.
Đại biểu Quốc hội muốn giám sát chặt giá xăng
Giá xăng tăng không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận mà ngay cả các đại biểu Quốc hội trong phiên họp ngày hôm qua cũng đề nghị phải công khai, minh bạch và có cơ chế điều hành tránh tạo ra các cú sốc.
Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, giá xăng tăng phụ thuộc vào cung cầu trong nước, giá thế giới và cơ chế điều hành giá xăng theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn về quyết định tăng giá xăng, thay vì có thể điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu xăng. Ông Kiêm phân tích nếu liên bộ Tài chính – Công thương điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng thì lần này có thể giữ nguyên. Doanh nghiệp đang phục hồi hoạt động sản xuất, kinh tế đang lên và mới bắt đầu dễ thở hơn, nhưng cùng lúc tăng cả xăng, điện, tỷ giá có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, làm giá thành sản phẩm tăng lên. Điều này khiến cho việc tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước bị hạn chế.
Đồng ý giá xăng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với xu thế giá thế giới, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý cơ quan chức năng cần theo sát biến động khó lường của giá thế giới. Theo quan sát của vị đại biểu này, trong ngày 20 – 21.5, giá xăng dầu thế giới đã giảm, nhưng VN lại điều chỉnh tăng. “Việc điều chỉnh giá xăng dầu của ta dựa vào một chu kỳ nhất định, một thời gian nhất định, chứ không căn cứ vào biến động giá từng ngày. Cách đây khoảng 1 tuần, giá xăng dầu thế giới tăng, nên ta cũng tăng. Tuy nhiên, do thời điểm công bố giá xăng của ta không phù hợp với giá xăng trên thế giới, tạo nên sự căng thẳng cho người tiêu dùng”, ông Ngân nói và đề xuất Quốc hội nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng dầu. Bởi đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hằng ngày và được nhân dân rất quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng sau hai đợt điều chỉnh giá trong tháng 5, giá xăng tăng tương ứng với tỷ lệ khoảng 20%. Với chi phí đầu vào giá xăng chiếm khoảng 40% giá thành, chắc chắn các doanh nghiệp taxi sẽ phải điều chỉnh giá cước khoảng từ 8 – 10%.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng khẳng định, dự kiến mức tăng sẽ từ 800 – 1.000 đồng/km.

Doanh nghiệp ĐBSCL lo lắng
Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc CTCP rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) và là Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, nhận xét: “Năm ngoái khi xăng dầu giảm giá, chi phí vận chuyển giảm không đáng kể, thậm chí vẫn giữ nguyên. Để xuất khẩu hàng chúng tôi phải vận chuyển lên cảng Sài Gòn, giá cước vận chuyển đã tăng khoảng 2% (chưa tính đến đợt tăng giá xăng lần này – PV) và các hãng tàu vận tải nước ngoài cũng tăng giá. Nay xăng dầu tiếp tục tăng giá như vậy thì chuyện cước vận tải tiếp tục tăng sẽ là chuyện khó tránh khỏi. Điều này sẽ làm phát sinh chi phí rất đáng kể không chỉ cho doanh nghiệp và cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bà con nông dân”.
Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ, cho rằng: “Việc xăng dầu tăng giá ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và lợi nhuận mà đặc biệt là những chi phí này đều tăng theo kiểu giật cục, chúng tôi rất khó kiểm soát và tính toán. Năm ngoái chi phí bình quân thuê sà lan vận chuyển gạo lên cảng Sài Gòn để xuất khẩu là 110.000 – 120.000 đồng/tấn thì đợt xăng tăng lần trước làm chi phí tăng lên tới 140.000 đồng/tấn, thậm chí có khi lên đến 160.000 đồng/tấn. Bây giờ lại tăng giá như vậy chúng tôi rất lo giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng trong khi để tìm được đơn hàng xuất khẩu với giá có lợi lại rất khó”.
Chí Nhân

Anh Vũ