28/11/2024

Nghĩa vụ quân sự chỉ là “vinh quang” của con em nông dân ?

Chúng ta nói nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang, không thể thay thế nhưng tại sao vinh quang này con em cán bộ, đảng viên, nhà giàu không nhận mà chỉ có con em nông dân, đồng bào dân tộc?

 

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13: Nghĩa vụ quân sự chỉ là “vinh quang” của con em nông dân ?

 

Chúng ta nói nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang, không thể thay thế nhưng tại sao vinh quang này con em cán bộ, đảng viên, nhà giàu không nhận mà chỉ có con em nông dân, đồng bào dân tộc?


 

 

Ủy ban Thường vụ QH đề nghị thống nhất chủ trương thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình - Ảnh: Diệp Đức MinhUỷ ban Thường vụ QH đề nghị thống nhất chủ trương thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình – Ảnh: Diệp Đức Minh
Tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) chiều qua về dự thảo sửa đổi luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS), đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã đặt vấn đề như vậy.
Không công nhận “tại ngũ” đối với lao động công ích hoặc đóng tiền
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa cho biết Uỷ ban Thường vụ (UBTV) QH đề nghị không bổ sung hình thức được công nhận như thực hiện NVQS tại ngũ như lao động công ích, hoặc đóng một khoản tiền vào quỹ quốc phòng, như một số ý kiến đề nghị. Vì NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, nên việc quy định nghĩa vụ dân sự thay thế như đóng tiền hoặc lao động công ích là không có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đồng thời làm mất ý nghĩa thiêng liêng của NVQS.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, trước đây và hiện tại việc coi NVQS là nghĩa vụ vẻ vang là rất đúng, tuy nhiên trong thực tiễn lại khác. “Ngày xưa tất cả con em cán bộ, đảng viên, từ con Tổng bí thư, đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bí thư, lãnh đạo các tỉnh đều tham gia NVQS. Bây giờ thì không phải”, ông Thuyền nói. Theo ông, nếu tiếp tục “vẫn cứ nói như thế và không có cách giải quyết tình trạng này” thì “vinh quang này có lẽ chỉ thuộc về con nông dân và con em đồng bào dân tộc”, còn con em cán bộ, đảng viên, con nhà giàu thì không nhận, không tự nguyện làm việc này.
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng đặt câu hỏi: “Hằng năm có khoảng 7 triệu thanh niên có độ tuổi nhập ngũ nhưng điều kiện gọi nhập ngũ được số lượng rất ít thôi, phần lớn không thực hiện NVQS, vậy tạo ra sự bình đẳng công bằng như thế nào?”. Theo ông, có thể xử lý vấn đề này bằng cách mở rộng khái niệm NVQS với các đối tượng như công nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực quốc phòng, công nhân viên chức làm việc trong các đơn vị quốc phòng, kể cả các doanh nghiệp quốc phòng, các lực lượng dân quân tự vệ là ngư dân, lực lượng kiểm lâm…
Thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ thời bình
Đối với quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ cho sinh viên, học viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, UBTV QH cho biết có ba loại ý kiến khác nhau. Nhóm thứ nhất nhất trí như dự thảo, nhóm thứ hai đề nghị quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ như luật hiện hành và nhóm thứ ba đề nghị không quy định.
Theo UBTV QH, nếu theo loại ý kiến thứ hai thì đối tượng tạm hoãn quá rộng, tới gần 50% số thanh niên nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ. Đối với loại ý kiến thứ ba, tuy bảo đảm được công bằng nhưng do hằng năm số lượng gọi thanh niên nhập ngũ quá ít so với số thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ (khoảng 6%) nên dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn.
Vì những lý do trên UBTV QH đề nghị thống nhất chủ trương thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình như dự thảo luật Chính phủ trình là phù hợp.
“Mặt trận giám sát Đảng, Đảng viên là chuyện hết sức bình thường”
Ngày 21.5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN sửa đổi. Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình cao với dự thảo luật cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trong đó có việc chưa đưa vào luật nội dung “Mặt trận giám sát Đảng”.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, UBTV QH cho rằng việc MTTQ VN góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân đối với hoạt động của Đảng. Tuy nhiên, cần có thời gian để kiểm nghiệm thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, tổng kết việc thực hiện sau đó mới thể chế hoá thành pháp luật. Do đó, UBTV QH đề nghị chưa quy định các nội dung này trong luật.
Tuy nhiên theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), việc quy định “Mặt trận giám sát Đảng” trong luật lần này là cần thiết và phải được quy định cụ thể vì quy định đó phù hợp về mặt lý luận và thực tiễn. “Về mặt lý luận thì Đảng lãnh đạo đối với Mặt trận, nhưng cũng là thành viên của Mặt trận thì phải chịu sự giám sát của Mặt trận. Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân. Như vậy, MTTQ VN với trách nhiệm của mình thực hiện quyền giám sát đối với tổ chức Đảng và hoạt động của đảng viên thì tôi nghĩ rất bình thường”, ĐB Học nói.

Lùi thời gian trình dự án luật Biểu tình
Trình bày tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 tại phiên làm việc sáng qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết UBTV QH dự kiến bổ sung 5 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết vào chương trình 2015 và dự kiến 31 dự án luật, 2 dự án pháp lệnh, 1 dự án nghị quyết cho chương trình 2016.
Về đề nghị của Chính phủ cho lùi thời gian trình dự án luật Biểu tình tại kỳ họp thứ 9 và dự án luật Về hội tại kỳ họp thứ 10 sang kỳ họp thứ 2, QH 14 (10.2016), UBTV QH cho rằng đây là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa điều 25 của Hiến pháp và tạo hành lang pháp lý để nhà nước quản lý các hoạt động này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị, UBTV QH đề nghị QH cho lùi thời gian trình dự án luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án luật Về hội thì giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10. UBTV QH đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật Biểu tình, dự án luật Về hội trình QH theo tiến độ.

Trường Sơn