Mỹ – Trung đối đầu ở Trường Sa
Hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát cảnh cáo xua đuổi máy bay trinh sát của Mỹ tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp một cách phi pháp ở Biển Đông.
Mỹ – Trung đối đầu ở Trường Sa
Hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát cảnh cáo xua đuổi máy bay trinh sát của Mỹ tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp một cách phi pháp ở Biển Đông.
Một loạt các hòn đảo nhân tạo đang được Bắc Kinh bồi đắp với quy mô chưa từng có tại Hoàng Sa và Trường Sa đang đánh động Mỹ và cộng đồng quốc tế, vốn quan ngại về mưu đồ của Trung Quốc muốn khuếch trương ảnh hưởng tại Biển Đông.
Trong một diễn biến góp phần vạch rõ sự nghiêm trọng của vấn đề, lần đầu tiên Lầu Năm Góc cho phép tổ phóng viên của Đài CNN tham gia chuyến tuần tra của máy bay P8-A Poseidon, máy bay săn ngầm và trinh sát tối tân của Mỹ hiện nay.
“Vùng cảnh báo quân sự”
Chuyến bay tuần thám ngày 20.5 là một phần sứ mệnh của hải quân Mỹ tại Biển Đông nhằm thể hiện rõ quan điểm của Washington là không công nhận các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ giải mật đoạn clip quay hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc, theo Reuters.
Theo CNN, Trung Quốc đã yêu cầu máy bay Mỹ tránh xa “vùng cảnh báo quân sự” khi chiếc P8-A Poseidon bay qua Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Ở một vài thời điểm, sau khi phi công Mỹ bình tĩnh trả lời máy bay đang di chuyển trên không phận quốc tế, phía Trung Quốc đáp lại một cách giận dữ: “Đây là hải quân Trung Quốc… Hãy tránh đi mau!”. Theo CNN, độ cao thấp nhất của chiếc P8-A Poseidon trong toàn hành trình vào khoảng 4.500 m.
Chỉ huy phi đội máy bay trinh sát của hải quân Mỹ tại châu Á, đại tá Mike Parker cho hay ông hoàn toàn chắc chắn rằng những lời cảnh cáo đó xuất phát từ căn cứ trên những hòn đảo mới mọc lên dạo gần đây. Trong đoạn phim được chiếc P8-A Poseidon quay lại, bên cạnh ra đa cảnh báo sớm, người ta còn nhìn thấy trên Đá Chữ Thập các doanh trại quân sự, một tháp canh cao ngất và đường băng dài 3.000 m, đủ dài để tiếp nhận mọi loại máy bay quân sự của Trung Quốc.
Hình ảnh được CNN phát sóng cho thấy hoạt động nạo vét và bồi đắp tất bật tại những hòn đảo nhân tạo, cũng như cảnh tượng các tàu hải quân của Trung Quốc lượn lờ gần đó. Thiếu tá hải quân Mỹ Matt Newman cho biết Trung Quốc đang bảo vệ gắt gao các đảo nhân tạo, triển khai thường trực các tàu chiến, tàu hải cảnh.
Reuters hôm qua 21.5 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói ông không biết về tình huống trên, nhưng một lần nữa tuyên bố Bắc Kinh có quyền theo dõi các hoạt động xung quanh không phận và lãnh hải để bảo vệ chủ quyền trên biển.
Chỉ là bước đầu
Theo giới quan sát, động thái trên một lần nữa cho thấy Mỹ chưa và không bao giờ công nhận các đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi đắp tại quần đảo Trường Sa. Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) nhận định với Thanh Niên: “Máy bay không có quyền bay qua vùng lãnh thổ hay lãnh hải của một nước khác mà không xin phép trước. Do vậy, khi cho máy bay tuần tra săn ngầm bay qua các đảo Trung Quốc đang xây trên Biển Đông, Mỹ đã thách thức tính pháp lý hoặc chủ quyền – hoặc cả hai – của những thực thể đó”.
Các chuyên gia cũng dự báo, không có dấu hiệu gì cho thấy Mỹ sẽ dừng lại ở đây. Ông Richard Bitzinger, chuyên gia an ninh khu vực thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), nói: “Tôi cho rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục có những động thái tương tự. Như Washington đã khẳng định, họ đang bay qua không phận quốc tế. Do vậy, rất có khả năng các tàu hải quân Mỹ cũng sẽ làm tương tự, cho rằng họ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế”.
Tái khẳng định rằng Công ước LHQ về luật Biển không công nhận chủ quyền lãnh hải của các đảo nhân tạo, ông Patrick Ventrell, người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, nói với Thanh Niên: “Mỹ luôn nhấn mạnh quyền lợi của mình trong việc gìn giữ tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục hoạt động nhất quán với các quyền và tự do hợp pháp đó”. Đồng tình với quan điểm này, ông Bitzinger nhận định: “Hoạt động cho máy bay tuần tra săn ngầm bay qua Biển Đông của Mỹ là hoàn toàn hợp pháp, mặc dù hơi mạo hiểm. Nếu Trung Quốc có ý định thực thi một vùng đặc quyền cho riêng mình lúc này (chưa phải là Vùng nhận dạng phòng không – ADIZ) thì chỉ động thái đó thôi sẽ không những phi pháp, mà còn là khiêu khích và nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, nếu có biến cố xảy ra, nhiều phần trách nhiệm sẽ thuộc về Bắc Kinh”.
VN kêu gọi duy trì an ninh, an toàn ở Biển Đông
Trả lời câu hỏi về việc các máy bay Mỹ bị hải quân Trung Quốc đuổi nhiều lần ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 21.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình cho biết: “Khu vực Biển Đông là nơi có tuyến hàng hải và hành lang hàng không quốc tế rất quan trọng. Việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích, nguyện vọng chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Vì vậy, VN kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển năm 1982; không làm phức tạp thêm tình hình”.
Về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn, thay đổi thực trạng, xâm phạm chủ quyền VN ở quần đảo Trường Sa, ông Lê Hải Bình khẳng định: “VN có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không có sự chấp thuận của VN là bất hợp pháp và vô giá trị”.
Về phản ứng của VN trước việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông và biện pháp bảo vệ ngư dân của VN, ông Lê Hải Bình nêu rõ: “Hoàng Sa là một phần lãnh thổ không tách rời của VN. Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân VN từ bao đời nay. VN sẽ tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân VN tại các vùng biển VN để giải quyết các vụ việc phát sinh đột xuất trên biển”.
Hiện nay các cơ quan chức năng của VN đang theo dõi sát sao các hoạt động của các bên trên Biển Đông, trong đó có hoạt động cũng như vị trí của giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc. Về việc Indonesia đánh chìm các tàu cá mà Jakarta cho là đánh bắt trên vùng biển của nước này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đề nghị Indonesia cần quan tâm đến mối quan ngại của các nước liên quan, xử lý thoả đáng vấn đề tàu cá và ngư dân trên cơ sở luật pháp quốc tế, cũng như tinh thần đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân.
Theo TTXVN
|
An Điền – Thụy Miên